Vũ khí mới của Hải quân Mỹ
Khi được triển khai toàn diện, tàu ngầm không người lái cỡ lớn (XLUUV) Orca của hải quân Mỹ có thể mang đến một giải pháp mới cho lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Hải quân Mỹ đã tiếp nhận tàu ngầm Orca đầu tiên từ Tập đoàn Boeing và tiếp tục thực hiện các bài kiểm tra trước khi đưa vào trực chiến. Việc bàn giao được tiến hành sau khi mẫu tàu này vượt qua các bài kiểm tra chất lượng kéo dài xuyên suốt năm ngoái. Nhà sản xuất Boeing dự kiến cung cấp thêm 4 tàu Orca cho hải quân Mỹ, với chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao vào tháng 6 tới.
Theo Naval Technology, trong kế hoạch ban đầu, Boeing cùng đối tác đóng tàu Huntington Ingalls Industries sẽ bàn giao tất cả 5 chiếc Orca chậm nhất là vào cuối năm 2022, song bị trì hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thay đổi thiết kế phương tiện. Điều này khiến chi phí thực hiện dự án đội lên 242 triệu USD, tức là tăng 64% so với dự toán. Hải quân Mỹ có kế hoạch biên chế nhiều mẫu UUV với kích cỡ khác nhau, trong đó tàu ngầm Orca là loại lớn nhất. Lầu Năm Góc trước đó đã phải hủy bỏ dự án phát triển mẫu UUV cỡ lớn mang tên Snakehead. Vì vậy, việc bàn giao chiếc Orca đầu tiên đánh dấu thành quả quan trọng của hơn một thập kỷ mà Lầu Năm Góc theo đuổi chương trình phát triển phương tiện dưới biển có khả năng tự chủ tầm xa, hoạt động độc lập, kích thước lớn và mang tải trọng đáng kể.
Tàu ngầm Orca đầu tiên trong quá trình thử nghiệm tại nhà máy của Tập đoàn Boeing. Ảnh: Boeing
Dựa trên các thông tin công bố, tàu ngầm Orca được phát triển trên nguyên mẫu thử nghiệm Echo Voyager cũng của Boeing. Tàu dài khoảng 26m, nặng 80 tấn, tải trọng 8 tấn, tốc độ hành trình tối đa 15km/giờ, phạm vi hoạt động trên 12.000km, lặn sâu 3.000m, có thể hoạt động liên tục trong vài tháng. Tàu được trang bị hệ thống động cơ diesel-điện và pin lithium-ion, giúp ít phát ra tiếng ồn và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong thời gian dài như tuần tra, trinh sát, rải mìn, rà phá thủy lôi, vẽ bản đồ đáy biển và tác chiến điện tử... Do trọng lượng lớn, nhiều khả năng con tàu sẽ được triển khai từ tàu mặt nước hoặc bến tàu. Nhà phân tích Chuck Fralick tại Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) cho biết những nhiệm vụ mang tính rủi ro cao về khí tài và con người kể trên đặt ra yêu cầu phát triển tàu ngầm không người lái như Orca, thay vì sử dụng một tàu ngầm hạt nhân trị giá hàng tỷ USD. Nó được coi như một vũ khí “thay đổi cuộc chơi” trong tay hải quân Mỹ nhằm đạt được ưu thế dưới biển.
Bên cạnh đó, hải quân Mỹ còn cân nhắc bổ sung thêm một số hệ thống vũ khí cho tàu ngầm Orca, trong đó có ngư lôi, tên lửa hành trình và phương tiện không người lái hoạt động dưới nước (UUV). Theo Asia Times, Mỹ có thể phát triển chiến thuật phóng UUV cỡ nhỏ theo kiểu “bầy đàn” từ tàu ngầm không người lái trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác an ninh AUKUS với Anh và Australia. Cụ thể, 3 nước đang thúc đẩy chương trình chia sẻ công nghệ AUKUS Pillar 2 (Trụ cột 2). Trong khi Pillar 1 chỉ tập trung đến việc đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia thì Pillar 2 sẽ mở rộng hợp tác 3 bên trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), tác chiến điện tử, máy tính lượng tử, vũ khí siêu vượt âm.
Những năm gần đây, các tàu ngầm không người lái dạng XLUUV đang nhanh chóng trở thành một phần chủ đạo trong chương trình phát triển năng lực tác chiến hải quân của nhiều cường quốc ngoài Mỹ như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc... Khả năng tự hành, hoạt động độc lập tại các vùng biển lớn và trong thời gian dài giúp tàu ngầm không người lái trở thành tài sản hữu ích của lực lượng hải quân. Thậm chí, ngoài những nhiệm vụ đặc thù, chúng còn có thể đóng vai trò chiến lược nếu được trang bị vũ khí hạt nhân. Chuyên gia quân sự Oliver Parken của Tạp chí Drive nhận định rằng, tác chiến hải quân trong tương lai sẽ chứng kiến ngày càng nhiều các phương tiện không người lái và “mặt trận dưới nước” sẽ chịu tác động lớn nhất bởi xu hướng này.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn