Tổ hợp tên lửa phòng không Gipka
HQVN -
Tổ hợp tên lửa phòng không Gipka được trang bị trên các tàu pháo-tên lửa loại nhỏ của Hải quân Nga từ năm 2005 và có định hướng xuất khẩu. Đây là tổ hợp tên lửa có nhiều điểm khá thú vị.
Tổ hợp Gipka có tên mã là 3M-47 được nghiên cứu, phát triển với mục đích thay thế có các giàn phóng tên lửa phòng không tầm thấp loại MTU-4S do xạ thủ tên lửa vận hành trên boong các tàu chiến của Hải quân Liên Xô/Nga trước đây. Hiện nay, tổ hợp tên lửa phòng không này không những được sử dụng để đánh các loại máy bay, tên lửa đối hạm mà còn có thể ứng dụng để đánh các loại mục tiêu trên không khác như các loại UAV.
Tổ hợp TLPK Gipka sau lái trên tàu chiến đấu của Hải quân Nga
Tổ hợp Gipka không sử dụng đạn được phát triển riêng cho nó mà sử dụng các loại tên lửa phòng không vác vai rất phổ biến của Liên Xô/Nga là Strela (A72) và Igla/Igla-S (A87). Trước đây, các loại tên lửa đó khi mang lên tàu chiến đấu sẽ được gắn lên giàn phóng tên lửa MTU-4S (4 tên lửa/giàn phóng), xạ thủ tên lửa sẽ sử dụng vòng ngắm trên giàn phóng để định hướng phóng cho tên lửa và khi nhận được tín hiệu đầu tự dẫn hồng ngoại bắt được mục tiêu sẽ phóng tên lửa về phía mục tiêu. Tuy nhiên, việc vận hành giàn phóng thực sự không đơn giản, bị ảnh hưởng rất nhiều khi thời tiết bất lợi và tàu lắc sóng. Vì vậy, người ta đã nghiên cứu một loại giàn phóng kết hợp nguyên lý điều khiển từ xa như đối với các loại vũ khí khác trên tàu hải quân với việc sử dụng tên lửa phòng không vác vai gắn bên ngoài bệ phóng và kết quả là tổ hợp Gipka ra đời, được Hải quân Nga thử nghiệm thành công ngay từ năm 2005 tại Biển Đen.
Tổ hợp TLPK Gipka trước mũi tàu chiến đấu của Hải quân Nga
Về tổng thể, tổ hợp Gipka gồm có bệ phóng tên lửa cùng tên, mô đun điều khiển và các thiết bị trên tàu. Bản thân giàn phóng Gipka cũng gồm 2 mô đun phóng đa năng có tên gọi 9S846 Strelest (xạ thủ) mang được 2 tên lửa phòng không di động loại Igla/Igla-S (A87); khối thu quang-điện MS-73; cả hai được đặt trên khối quay. Các thiết bị trên tàu gồm các khối máy làm nhiệm vụ điều khiển từ xa giàn phóng theo các góc tầm, hướng và tiếp nhận thông tin phản hồi về vị trí, tốc độ quay, tình trạng tên lửa, mục tiêu... từ giàn phóng về mô đun điều khiển, đặt chế độ phóng tên lửa, kiểm soát hoạt động nói chung của giàn phóng, kiểm tra kết quả bắn, đảm bảo huấn luyện cho kíp trắc thủ, xạ thủ và đồng thời đảm bảo việc kết nối tổ hợp Gipka vào hệ thống điều khiển vũ khí cũng như điều khiển tàu nói chung.
Tổ hợp Gipka ngoài sử dụng các loại thiết bị quang-điện tử của mình để tìm kiếm, phát hiện và bám sát mục tiêu còn có thể tiếp nhận chỉ thị mục tiêu từ các loại hệ thống quan sát, phát hiện khác trên tàu. Các hệ thống mà Gipka có thể kết nối và nhận chỉ thị mục tiêu gồm có: Radar Positiv, Furke, Fregat... là các loại ra đa rất phổ biến trên các loại tàu chiến đấu của Nga. Việc kết nối này tiến hành bằng đường truyền kỹ thuật số như Ethernet 10/100 Base-TX. Còn trắc thủ điều khiển tên lửa sẽ sử dụng kính ngắm quang-điện để điều khiển giàn phóng, sử dụng hệ truyền động bám truyền thống.
Một số thông số chính của Gipka 3M-47 như sau:
- Cự ly phát hiện mục tiêu bằng kính ngắm quang-điện: 8-15km;
- Khối lượng giàn phóng đến 2 tấn;
- Thời gian đưa vào trạng thái chiến đấu: 3 phút;
- Thời gian phản ứng: 8s;
- Góc dẫn động tầm: 00-600;
- Góc dẫn động hướng: -1500 - +1500.
Minh Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn