Biển miền Trung sau mùa giông bão

HQVN -

“Miền Trung/ Bao giờ em về thăm/Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo cũng mọc trắng mặt người”-Hoàng Trần Cương.

Có lẽ, chẳng lời nào chính xác hơn khi  nói về sự khắc nghiệt của dải đất miền Trung như những câu thơ của tác giả Hoàng Trần Cương. Dải đất được ví như chiếc đòn gánh cong hai đầu, gánh vựa thóc của hai đầu đất nước. Kể về miền Trung, làm sao thiếu đạn bom, nắng lửa, thiếu cái nghèo đeo đẳng quanh năm.  Mùa bão nổi, liên tiếp những cơn bão nối đuôi nhau từ ngoài khơi đổ về tràn qua hàng trăm làng chài ven biển miền Trung.

Ảnh minh họa

Những con sóng trắng xóa, cuồn cuộn, gió giật liên hồi, mưa quất ràn rạt… Rặng phi lao ngoài đê biển oằn mình chống chịu để chở che cho những ngôi làng chài quá mong manh trước cơn thịnh nộ của thời tiết. Năm 2020, bão nối bão, lũ chồng lũ, sao tránh khỏi những mất mát, đau thương. Đó là gương mặt, hình hài miền Trung của một năm đầy tai ương, dịch họa.

Thương đến thắt lòng những hy sinh cao cả của hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội trong cuộc chiến với thiên nhiên giữa thời bình khi bão lũ tràn qua. Cảm động và hàm ơn bao tấm lòng thiện nguyện rong ruổi giữa bão mưa không ngại hiểm nguy để ứng cứu, san sẻ với miền Trung. Và mới đây, khi cơn bão tràn qua, biết bao nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... đã bị cuốn trôi theo dòng nước xiết.

Thế nhưng, với sự đùm bọc, cưu mang của người dân cả nước, miền Trung lại hồi sinh. Khi ánh bình minh rải vàng khắp các làng chài ven biển, những con sóng vỗ về trên bờ cát mịn như chưa từng biết đến bão giông của ngày hôm qua.

 Những người con làng chài lại lục đục kéo nhau ra bãi, tìm kiếm, hồi sinh những chiếc ghe đã bị bão đánh vỡ. Tiếng cưa, tiếng đục, mùi ngai ngái của khói đốt xơ tre trộn vôi hàu để trám lại các kẽ nứt nhỏ… âm thanh quen thuộc ấy cùng tiếng cười lũ trẻ nô đùa bên con sóng nhỏ khiến mệt mỏi tan biến, những chàng trai làng chài lại tiếp tục công việc với niềm tin sẽ thắng một mẻ lưới lớn trong nay mai. Cuộc sống của họ được nhen nhóm từ những ước mơ nhỏ từ đời này qua đời khác.

Cái nghề đi biển cũng vậy, nó vận vào những con người nhỏ bé nhưng kiên cường trên dải đất miền Trung. Hầu hết những người nơi đây theo nghề biển đều “cha truyền con nối”.

Từ thời xa xưa, ông bà bên chiếc ghe nhỏ bám bờ, rồi bắt đầu hành trình vươn khơi xa trên con tàu vỏ gỗ. Cả một hành trình bám biển tiếp nối nhau qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, người dân truyền kinh nghiệm cho nhau để biết từng ngư trường, hiểu rõ từng luồng nước.

Mặc dù hiểu biết tường tận như vậy, nghề đi biển vốn dĩ xưa nay vẫn được xem như canh bạc với trời. Lúc mưa thuận gió hòa, lưu lượng thủy triều, đúng mùa, đúng tiết thì cá sinh sôi nảy nở rất nhiều, đánh bắt không hết, từng đoàn tàu về đầy ắp cá nhưng cũng có lúc mưa không thuận, gió không hòa thì ngư dân trắng tay quay về. Họ lại tiếp tục hy vọng cho chuyến biển tiếp theo, cuộc sống cứ thế trôi đi.

Nắng đã lên, biển miền Trung lặng gió, những chiếc ghe đã hồi sinh, từng đoàn người nhịp ngàng chuyển ngư cụ lên thuyền. Đá lạnh từ chiếc máy xay phun thành hình cầu vồng tuyết, đổ xuống đầy khoang. Lưới đã được xếp gọn gàng, từng lọn trắng phau, lấp lánh trong nắng.

 Một ngày mới bắt đầu mang đến một luồng sinh khí mới, thắp lên niềm tin, về một tương lai tươi sáng cho dải đất miền Trung từ các dự án về phát triển kinh tế biển, để phát huy lợi thế, tiềm năng của mảnh đất này.

Ánh Tuyết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn