5 tàu chiến thay đổi lịch sử hải quân
Trong bài đăng mới đây, Tạp chí The National Interest đã liệt kê 5 tàu chiến có khả năng thay đổi lịch sử hải quân. Đó là tập hợp những tiến bộ công nghệ lớn, có khả năng châm ngòi cho các cuộc đua vũ trang mới.
HMS Dreadnought
Vào năm 1905, Hải quân Hoàng gia Anh hạ thủy HMS Dreadnought, tàu chiến đầu tiên trên thế giới được trang bị pháo hạm cỡ lớn. Dreadnought sở hữu thiết kế mang tính cách mạng, trở thành hình mẫu của các lực lượng hải quân trên thế giới sau này. Với hệ thống điều khiển hỏa lực và động cơ đẩy tiên tiến, khi được biên chế, Dreadnought lập tức trở thành chiến hạm mạnh nhất thế giới, có tốc độ cao và trang bị vũ khí vượt trội hơn bất kỳ tàu chiến nào lúc đó.
Dreadnought đã thiết lập lại cuộc đua tàu chiến toàn cầu. Các cường quốc hải quân lập tức đầu tư tài lực cho những đội tàu như Dreadnought và các nước nhỏ hơn cũng sớm nối gót. Dreadnought phục vụ đến năm 1918 và trong thời gian đó đã từng đánh chìm một tàu ngầm U-boat của Đức.
Tàu USS Zumwalt trên sông Kennebec sau khi rời xưởng đóng tàu Bath Iron Works. Ảnh: AP
USS Monitor
Đây không phải là chiếc tàu bọc sắt đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, con tàu chứa đựng nhiều ý tưởng đổi mới về công nghệ. Với một tháp pháo duy nhất bố trí trên chiếc tàu kim loại dài, Monitor trông rất khác biệt so với các tàu chiến thời đó.
Trong trận Hampton Roads-trận hải chiến nổi tiếng nhất, quan trọng nhất thời Nội chiến Mỹ-diễn ra vào tháng 3-1862, Monitor đã chứng minh sức mạnh khi đối đầu với tàu CSS Virginia trong cuộc chiến đầu tiên giữa các tàu bọc sắt. Dù bị chìm trong một cơn bão vài tháng sau đó nhưng Monitor đã tạo nền tảng cho sự phát triển của các tuần dương hạm bọc thép về sau.
HMS Furious
Chiếc tàu này là tâm điểm của hai cuộc thử nghiệm: Lần đầu thất bại và lần thứ hai thành công. Trong những ngày đầu của Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đô đốc Anh Jackie Fisher đã tìm kiếm những chiếc tàu chiến chuyên dùng để phục vụ “Dự án Baltic”, kế hoạch chiếm bờ biển Baltic của Đức. Nỗ lực của ông cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của MHS Furious và hai “chị em” của nó. Furious được gọi là một “tàu tuần dương hạng nhẹ”, có độ choán nước 20.000 tấn và được trang bị hai pháo hạm 457mm, lớn hơn bất kỳ pháo hạm nào vào thời điểm đó. Cuộc thử nghiệm đầu được xem như thất bại vì Hải quân Hoàng gia Anh ít có nhu cầu về tàu tuần dương sau trận Jutland. Tuy nhiên sau đó, Furious đã được cải tạo thành tàu sân bay hạng nhẹ, có khả năng triển khai và thu hồi máy bay một cách hiệu quả. Với vai trò mới, HMS Furious đã tham gia hoạt động trong cả Chiến tranh thế giới thứ hai và tạo ra một cuộc cách mạng về tác chiến trên biển.
USS Nautilus
Trong thời gian nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai ở mặt trận Thái Bình Dương, hạm đội tàu ngầm của Mỹ đã đánh bại hải quân Nhật Bản. Tuy nhiên, kinh nghiệm tác chiến cho thấy có hai vấn đề lớn đối với tàu ngầm điện-diesel. Thứ nhất, chúng có phạm vi hoạt động khá ngắn nên phải phụ thuộc vào các căn cứ hay tàu tiếp tế trong những hoạt động xa bờ. Thứ hai, tàu rất dễ bị tấn công khi nổi trên mặt nước.
Giải pháp của Mỹ là năng lượng hạt nhân, các tàu ngầm sử dụng lò phản ứng hạt nhân để tạo năng lượng mà không cần nổi lên mặt nước và có thể tuần tra liên tục khi dự trữ vũ khí, lương thực trên tàu còn đáp ứng được. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ-USS Nautilus-vì lẽ đó đã ra đời. Chiếc tàu đã chứng tỏ được năng lực của một tàu ngầm hạt nhân và gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hạm đội tàu ngầm Mỹ.
Napoleon
Ngay từ đầu thế kỷ 18, các hãng đóng tàu và nhà phát minh trên khắp thế giới đã bắt đầu thử nghiệm những chiếc tàu được trang bị động cơ hơi nước. Những cuộc thử nghiệm tàu chiến sử dụng động cơ hơi nước xuất hiện trong những thập niên đầu của thế kỷ 19, nhưng gặp vấn đề về bố trí thiết bị và vũ khí.
Tàu chiến chạy bằng động cơ hơi nước đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng là Napoleon của Pháp. Tàu được hạ thủy năm 1852. Được làm từ gỗ, Napoleon vẫn giữ thiết kế cánh buồm và những nét tương tự như những tàu chiến hoạt động trên biển thời điểm đó. Việc chế tạo tàu Napoleon được xem là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới. Nó ảnh hưởng sâu sắc tới những chiến lược lớn, bởi sự chuyển đổi sang năng lượng than đá có nghĩa là hải quân cần các căn cứ xa để hỗ trợ hoạt động toàn cầu.
5 con tàu kể trên đại diện cho những bước ngoặt quan trọng về công nghệ và thiết kế tinh tế. Dù không được liệt kê trong số những cái tên đã đi vào lịch sử này, song khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt (DDG-1000) mới chính thức được Hải quân Mỹ chấp thuận đưa vào trực chiến hôm 24-4 vừa qua, cũng được Tạp chí The National Interest nhắc tới trong bài viết như một biểu tượng cho tương lai sức mạnh tác chiến trên biển của hải quân Mỹ. The National Interest cho rằng Zumwalt khác biệt hoàn toàn so với mọi tàu chiến trên thế giới hiện nay. Giá trị của tàu khu trục đắt đỏ nhất nước Mỹ này nằm ở những thử nghiệm tiên phong về kiến trúc và công nghệ, theo thời gian, nó có thể vượt xa giá trị của một tàu chiến quân sự.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Dòng tên lửa đối hạm Type 12 của Nhật Bản - ( 29-07-24 08:00 )
- Đoàn công tác Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn chào xã giao chính quyền TP.Surabaya và một số đơn vị Hải quân Indonesia - ( 18-07-24 07:00 )
- UAV và phòng vệ chống tên lửa/UAV - ( 14-07-24 08:00 )
- “Kẻ săn mồi” đáng gờm dưới đáy đại dương - ( 10-07-24 08:00 )
- Tàu ngầm S20 - “Người chơi mới” ở Nam Á - ( 24-06-24 01:00 )