"Xương sống" tương lai của hạm đội Hải quân Israel

Lâu nay, nhắc tới sức mạnh phòng thủ của Israel, người ta thường đề cập tới hệ thống phòng không hiện đại, máy bay công nghệ cao hay các vũ khí hỏa lực mạnh trên bộ. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi khi Nhà nước Do Thái nhận các tàu hộ vệ lớp Sa'ar 6 hiện đại từ Đức.

Theo nguồn tin Times of Israel, chiếc đầu tiên trong lớp Sa’ar 6 dự kiến sẽ được Đức chuyển giao cho Israel vào ngày 11-11 và con tàu sẽ mang tên INS Magen. Đây là tàu hộ vệ tên lửa tàng hình đầu tiên trong số 4 chiếc thuộc thế hệ mới có giá khoảng 430 triệu euro. Ba tàu còn lại là INS Oz, INS Atzma’ut và INS Nitzahon dự kiến sẽ được bàn giao cho Israel vào năm tới.

Sa’ar 6 được phát triển dựa trên thiết kế của lớp Braunschweig (Đức), nhưng đã được cải tiến phù hợp với nhu cầu của Israel. Đáng chú ý là 90% hệ thống vũ khí phòng thủ trên tàu đều do Israel sản xuất. Theo Naval News, kích thước của Sa’ar 6 không lớn với chiều dài chỉ 90 mét, chiều rộng 13,5 mét, lượng giãn nước 2.000 tấn, nhưng lại sở hữu lượng vũ khí “khủng” và vô cùng hiện đại so với những chiến hạm cùng kích cỡ. Điển hình trong số này là pháo hạm Oto Melara cỡ 76mm, hệ thống pháo điều khiển từ xa Typhoon 25mm, 32 ống phóng tên lửa đối không Barak-8, 40 ống phóng tên lửa đánh chặn Tamir thuộc hệ thống phòng thủ C-Dome (phiên bản trên biển của Iron Dome), 16 tên lửa hành trình diệt hạm và hai ống phóng ngư lôi 324mm. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, radar EL/M-2248 MF-STAR AESA và khoang chứa máy bay đủ cho một chiếc trực thăng loại SH-60.

"Xương sống" tương lai của hạm đội Hải quân Israel

Tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6 của Israel. Ảnh: Israel Defense Forces

Khi đi vào hoạt động, Sa’ar 6 sẽ là lớp chiến hạm mạnh mẽ nhất của Israel. Với công nghệ tàng hình cùng nhiều loại tên lửa đánh chặn tối tân, các tàu Sa’ar 6 sẽ đảm nhiệm chức năng như một lá chắn tên lửa ngoài khơi, bảo vệ các giàn khoan khí đốt của Israel đang hoạt động tại Địa Trung Hải trước mối đe dọa từ tên lửa và các loại vũ khí tấn công khác.

Israel vốn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên khiêm tốn. Nhưng những năm gần đây, nước này đã phát hiện một loạt mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi Địa Trung Hải. Nhờ khí đốt, Israel chính thức bước chân vào hàng ngũ các nước xuất khẩu năng lượng lớn của thế giới. Khoảng 70% sản lượng điện hiện nay của Israel được sản xuất từ ​​khí đốt tự nhiên. Do vậy, việc bảo đảm an toàn cho các mỏ khí đốt đóng vai trò rất quan trọng với Nhà nước Do Thái.

Trong một tuyên bố đưa ra mới đây, Thiếu tướng Eli Sharvit, Tư lệnh Hải quân Israel cho biết: “Nhiệm vụ bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Israel và các tài sản chiến lược trên biển là nhiệm vụ an ninh hàng đầu của Hải quân Israel. Những tài sản này rất cần thiết cho sự phát triển ổn định của Nhà nước Israel”. Trong khi đó, David Ben-Bassat, cựu Tư lệnh Hải quân Israel, nói với Breaking Defense rằng, sau khi Israel tuyên bố EEZ, nhiệm vụ bảo vệ khu vực rộng lớn này trở nên quan trọng nhưng cũng đầy thách thức, khi lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ là các tàu hộ vệ tên lửa Sa’ar 5 cùng một số máy bay không người lái tuần tra.

Vì nhiều lý do lịch sử khác nhau, Hải quân Israel ban đầu không được ưu tiên như hai quân chủng lục quân và không quân. Tuy nhiên, các mối đe dọa địa chiến lược mới đang thúc đẩy sự phát triển và sự thay đổi học thuyết của Hải quân Israel. Cũng chính vì lý do này, thời gian gần đây, Israel cho thấy sự chú trọng đặc biệt trong việc phát triển lực lượng hải quân mạnh về chất, tập trung vào khả năng ngăn chặn hoặc đẩy lùi các mối đe dọa địa chiến lược mới tại khu vực, cũng như bảo vệ các mỏ khí đốt, vốn gắn với lợi ích sát sườn về kinh tế của Israel. Việc Hải quân Israel “đắp” vào tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6 những trang thiết bị, vũ khí hiện đại bậc nhất đã chứng minh rõ điều này. Theo Times of Israel, nếu không có gì thay đổi, những con tàu lớp Sa’ar 6 sẽ trở thành "xương sống" của hạm đội Hải quân Israel trong vòng ba thập kỷ tới, qua đó góp phần giúp Israel giữ vững an ninh trên biển-nơi có tới 80% lượng hàng hóa giao thương của Nhà nước Do Thái thực hiện đi qua con đường này.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn