Vòng tròn chỉ huy (Phần 3): Biểu tượng nghề nghiệp phổ biến
HQ Online -
Việc sử dụng hình ảnh đặc trưng nào đó làm biểu tượng nghề nghiệp là chuyện thường gặp trong các xã hội văn minh, mà hải quân các nước cũng không phải là ngoại lệ. Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc mỏ neo, vòng dây vàng và vòng tròn chỉ huy được sử dụng làm biểu tượng cho hải quân và cấp hiệu của lực lượng sĩ quan thuộc quân chủng đó ở nhiều nước trên thế giới.
Hải quân Nga và Mỹ mặc dù dùng một hệ thống các dây ruy-băng tương tự nhưng lại không có vòng tròn chỉ huy. Hải quân Nga vừa thể hiện cấp bậc trên cầu vai như lục quân nhưng sĩ quan khối tàu thuyền (Корабельный Состав) thì còn có thêm cấp hiệu trên ống tay nhưng dùng một ngôi sao lớn màu vàng thay cho vòng tròn chỉ huy (Hình 5).
Hình 5: Cấp hiệu ống tay áo của sĩ quan khối tàu thuyền Hải quân Nga. Từ phải qua trái, hàng dưới cùng: Thiếu uý, Trung uý, Thượng uý, Đại uý. Hàng giữa: Thiếu tá, Trung tá, Đại tá, Chuẩn Đô đốc. Hàng trên cùng: Phó Đô đốc (áo lễ mùa hè), Phó Đô đốc (áo mùa đông), Đô đốc, Đô đốc Hải quân
Trong khi đó Hải quân Mỹ thì ngôi sao lớn màu vàng chỉ dùng cho sĩ quan ngạch chỉ huy, sĩ quan các ngạch khác thì dùng các biểu tượng khác. Ngoài hải quân, các công ty tàu biển thương mại cũng sử dụng các vòng vàng làm biểu tượng ống tay thể hiện chức vụ như: Thuyền trưởng, thuỷ thủ… cho đội ngũ thuyền viên của mình. Truyền thống này cũng được đa số các quốc gia có biển, có đội tàu thương mại luật hoá thành quy định thể hiện cấp bậc, trình độ thuyền viên của mình (Hình 6).
Hình 6: Cấp bậc ống tay của thuyền viên tàu thương mại của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, vòng tròn chỉ huy của hải quân được thay bằng cách uốn dây ruy-băng trên cùng thành hình quả trám
Có thể thấy, vòng tròn chỉ huy và hệ thống các vòng dây vàng trên ống tay áo của sĩ quan hải quân là cách thể hiện cấp hiệu có gì đó tương tự nhau của hải quân phần lớn các nước có biển trên thế giới. Người Anh là người đầu tiên trên thế giới sử dụng cách thể hiện này, họ và một số người nước khác có nhiều cách giải thích về việc tại sao có vòng tròn chỉ huy.
Tuy nhiên, cần khẳng định ngay một điều, những cách giải thích của họ phần nhiều mang tính lãng mạn và huyền bí, chắc là để tăng tính hấp dẫn cho một nghề nguy hiểm và khó nhọc, đó là nghề đi biển.
Những người thuỷ thủ thì sẽ thấy, đó chẳng qua là sự cách điệu của nghề thuỷ thủ, nghệ thuật buộc dây, tết dây hay làm dây nói chung, đều phải bắt đầu với việc uốn dây thành một dạng vòng tròn nào đó trước khi thắt nó lại (Hình 7) và ruy-băng suy cho cùng thì cũng là một loại dây buộc, là những thứ gắn bó hàng ngày với thuỷ thuỷ. Nếu ai đó dùng các dây buộc nhỏ (dây kéo cờ trên tàu chẳng hạn) mà buộc vài vòng quanh ống tay áo thì sẽ thấy ngay điều đó.
Hình 7: Cách buộc một số nút dây và hình ảnh nút dây trên cấp hiệu binh nhất của Hải quân Australia
Tóm lại, việc sử dụng hình ảnh đặc trưng nào đó làm biểu tượng nghề nghiệp là chuyện thường gặp trong các xã hội văn minh, mà hải quân các nước cũng không phải là ngoại lệ. Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc mỏ neo, vòng dây vàng và vòng tròn chỉ huy được sử dụng làm biểu tượng cho hải quân và cấp hiệu của lực lượng sĩ quan thuộc quân chủng đó ở nhiều nước trên thế giới.
Đối với người thuỷ thủ, mỏ neo hay vòng dây vàng còn thể hiện mong ước gắn bó với bờ, với cảng, với quê hương, đất nước. Tàu sinh ra là để đi biển, nhưng lại chỉ mong về bờ, được thả neo, buộc dây lên cảng và đi về nhà.
Đức Thắng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn