Áo yếm thủy binh
HQ Online -
Chiếc áo yếm là hình ảnh đại diện mặc định của thuỷ binh toàn thế giới. Quân phục thuỷ binh hải quân các nước có thể có khác biệt về màu sắc, hình thức của bộ phận này bộ phận khác nhưng luôn có một điểm chung đó chính là chiếc áo yếm.
Lịch sử ra đời của chiếc áo yếm hay chính xác hơn là chiếc yếm/cổ yếm, cũng giống như của nhiều thứ khác liên quan đến nghề đi biển và hải quân, đều rất khó truy tìm nguồn gốc. Việc xác định xem tại sao thuỷ thủ nói chung, thuỷ binh nói riêng lại có mốt ăn mặc khác người (nhưng rất đẹp) như vậy, hầu như là việc không thể. Thông thường người ta cũng chỉ biết hải quân vốn vậy, ở nước nào cũng thế, trang phục thuỷ binh đều na ná nhau và đã là thuỷ binh thì đều mặc áo có cái yếm đặc biệt màu xanh với một số vạch kẻ sọc màu trắng mà trong tiếng Anh và tiếng Nga người ta gọi là Sailor's Blue-jean Collar và Форменный Матросский Воротник. Thuỷ thủ Nga thì còn đặt tên lóng cho chiếc cổ yếm này là Cờ mũi (Гюйс) nhưng lý do của cách gọi này thì không thấy ai giải thích.
Cổ áo xoè rộng của các nhà quý tộc thời xưa
Thuỷ thủ bện tóc và lao động trên tàu thời xưa
Có nhiều cách giải thích khác nhau về lý do ra đời của chiếc áo yếm, nhưng đều thống nhất nhận định chiếc áo này ra đời ở châu Âu, nơi có nghề đi biển phát triển từ rất sớm, cái yếm ban đầu có công dụng của nó sau này thì mới trở thành một phần của trang phục mang tính thời trang. Cách giải thích rất phổ biến rằng có chiếc cổ yếm là vì ngày trước thuỷ thủ đi biển, mặc dù ít được tắm, nhưng họ lại để tóc dài, lâu ngày tất sinh ra chấy rận và gây vướng víu cho công việc, chẳng hạn khi cúi xuống lau boong tàu thì chắc chắn tóc dài sẽ buông ra quét xuống boong.
Vì vậy, những thuỷ thủ ngày đó mới tết tóc lại và lấy hắc ín/nhựa cây bôi lên tóc để tránh chấy rận đồng thời giữ không cho nó buông ra, bay loà xoà làm vướng víu hoạt động. Nhưng vì bôi nhựa hoặc hắc ín lên tóc nên sẽ làm bẩn lưng áo, thời đó dệt bằng sợi bông/lanh và chỉ có màu nhờ nhờ trắng, vì vậy họ mới may cái cổ áo kéo dài ra ở phía lưng áo để tránh nhựa hắc ín làm bẩn áo của mình. Dần dần theo thời gian chiếc cổ áo dạng yếm kéo dài ở lưng trở thành một dạng trang phục hoạt động của thuỷ thủ trên tàu và khi hải quân quy định quân phục thuỷ binh thì họ vẫn giữ nguyên chiếc yếm này, chỉ quy định thêm màu sắc và đường sọc trắng trên nền xanh cho đẹp và thời trang này nhanh chóng lan ra toàn thế giới như ngày nay ta thấy.
Ngày nay, nếu căn cứ vào những gì còn lưu giữ được thì cách giải thích trên có vẻ hợp lý nhất. Vì cổ áo rộng cũng là mốt trang phục ngày trước của người châu Âu nói chung, nếu ai xem những bức tranh do những danh hoạ Châu Âu vẽ thì ngoài các nhà quý tộc hay có loại cổ áo xếp nếp xoè rộng ra xung quanh cổ, những người khác, nhất là phụ nữ có những chiếc cổ áo trải rộng cả sau vai và trước ngực. Sở dĩ vậy là vì cổ áo rộng ngày xưa có tác dụng là bảo vệ áo, nếu có bẩn thì chỉ việc thay cổ chứ không cần thay áo. Vì vậy, cũng là dễ hiểu khi những người làm nghề thuỷ thủ xuống tàu đi biển, sẽ mặc trang phục với chiếc cổ áo rộng như nó vốn có khi họ còn ở nhà. Thuỷ thủ để tóc dài cũng có cơ sở vì ngày xưa hầu như ai cũng để tóc dài, cả ở nước ta cũng như các nước Châu Âu
Thuỷ thủ để tóc dài còn là vì họ là những người bận rộn suốt ngày ít thời gian kể cả để cắt tóc đồng thời họ là những người vốn rất mê tín, sợ cắt tóc sẽ bị xui xẻo vì thực tế là không ai có thể nói trước ngày mai biển sẽ như thế nào, êm đềm hay giận dữ, ai mà biết được điều không may đến với mình lúc nào. Việc bôi nhựa hắc ít lên tóc cũng có cơ sở vì tàu thuyền ngày xưa toàn bằng gỗ, bôi nhựa hắc ín lên boong là cách làm để bảo quản gỗ trong điều kiện thời tiết nắng gió trên biển. Ngày nay, bôi dầu, nhựa… cũng vẫn là cách bảo quản gỗ đang được áp dụng, người ta vẫn quét véc-ni lên gỗ, bôi mỡ bảo quản hàng năm cho sàn gỗ trong nhà. Ngoài ra, nếu ai mà tra từ điển Anh – Việt sẽ thấy từ tar ngoài nghĩa là hắc ín/nhựa cây thì còn thấy ghi là tên lóng (có lẽ có ý miệt thị) để chỉ bọn thuỷ thủ.
Điểm yếu duy nhất của cách giải thích trên có lẽ là nó không thơ mộng hay lãng mạn như những truyền thuyết khác liên quan đến biển. Nó không giống tý nào với hình ảnh lãng mạn của người thuỷ binh. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại rằng thời trước không phải riêng thuỷ thủ mà mọi người nói chung, ít nhất là ở Châu Âu, đều ít tắm, ít giặt quần áo hơn ngày nay. Tất nhiên, những bộ phim về nghề đi biển, nhất là loạt phim như Cướp biển vùng Caribê, đều có chút phóng đại, thổi phồng theo hướng làm xấu xí hoặc hài hước hình ảnh những người thuỷ thủ: tóc thì dài, lại bện như mớ bùi nhùi rơm; mặt mũi thì nhem nhuốc như cả năm không tắm; quần áo thì rách nát, chả rõ màu gì... Nhưng cũng rất hay ở chỗ chính nếp sinh hoạt xấu xí đó lại sinh ra một thứ rất đẹp – chiếc cổ yếm trên áo thuỷ binh.
Không rõ từ khi nào hải quân thế giới quy định áo yếm trở thành quân phục cho thuỷ binh của mình. Hải quân Anh quốc thì viết chính xác là vào năm 1830, nhưng Hải quân Nga thì lại viết rằng quân phục hải quân của họ là kế thừa từ người Hà Lan, Hải quân Nga đã có hơn 300 năm lịch sử, cộng thêm với việc chính người Hà Lan mới là những người đầu tiên phát triển nghề đi biển và buôn bán theo đường biển ở Châu Âu. Nên chắc chắn chiếc yếm thuỷ binh không xuất phát từ Hải quân Anh, mà phải có từ trước đó, người Anh chỉ là những người đầu tiên quy định chiếc yếm có hình dạng vuông sau vai và có ba đường sọc màu trắng mà thôi Nhưng điều đó cũng không quan trọng, vì thực ra áo yếm thuỷ binh đã trở thành tập quán của hải quân các nước, những yếm áo này đều giống nhau ở điểm đều có màu xanh, với một số đường sọc (thường là ba đường) màu trắng, và những màu này đều là màu phổ biến của trang phục thủ binh.
Áo yếm của Hải quân Nga, Mỹ, Italia
Từ khi trở thành một phần quân phục thuỷ binh, chiếc áo yếm lại được gắn cho nhiều thứ. Ví dụ, nếu bị rơi xuống nước thì chính chiếc yếm áo kẻ sọc khi lập lờ phía đầu người lính thuỷ sẽ rất dễ nhận ra trên nền biển xanh, và vì vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc cứu người rơi xuống nước; hoặc ba sọc màu trắng, lại được một số lực lượng hải quân gắn với ba chiến thắng nổi tiếng của họ… Ngày nay, quân phục hải quân thường dùng của các nước có thể không có áo yếm, nhưng những chiếc áo này vẫn luôn là áo lễ phục của họ. Và đặc biệt, dù có mặc hay không, thì hình ảnh chiếc áo yếm đã trở thành hình ảnh đại diện rất đặc trưng của thuỷ binh toàn thế giới và còn hơn thế nữa áo yếm đã trở thành trang phục yêu thích của nhiều người, trẻ em mà mặc áo yếm thì dù là trai hay gái đều rất dễ thương, áo yếm cũng là trang phục cho nữ sinh ở toàn Nhật Bản, một số trường ở Thái Lan. Thậm chí trong truyện tranh Manga của Nhật Bản những cô bé thuỷ thủ mặt trăng cũng mặc áo yếm.
Như vậy, áo yếm là trang phục truyền thống của thuỷ binh toàn thế giới, trong đó có Hải quân Việt Nam. Mặc dù lịch sử ra đời của chiếc áo này không được lãng mạn cho lắm. Nhưng cũng không thành vấn đề, vì cũng như hoa sen mọc từ bùn lên, có ai bảo hoa sen không đẹp, không thơm đâu. Quan trọng là chiếc áo yếm thuỷ binh như là kết tinh của biển, của trời, khi mặc nó lên người, những người lính Hải quân Việt Nam như thấy mình mang trọng trách và niềm tự hào làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đức Thắng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Dòng tên lửa đối hạm Type 12 của Nhật Bản - ( 29-07-24 08:00 )
- Đoàn công tác Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn chào xã giao chính quyền TP.Surabaya và một số đơn vị Hải quân Indonesia - ( 18-07-24 07:00 )
- UAV và phòng vệ chống tên lửa/UAV - ( 14-07-24 08:00 )
- “Kẻ săn mồi” đáng gờm dưới đáy đại dương - ( 10-07-24 08:00 )
- Tàu ngầm S20 - “Người chơi mới” ở Nam Á - ( 24-06-24 01:00 )