Vòng tròn chỉ huy (Phần 2): Những câu chuyện được gán ghép
HQ Online -
Lý do ra đời của vòng tròn chỉ huy mang màu sắc có vẻ huyền bí, thực chất như thế nào thì không ai rõ. Có ý kiến cho rằng hải quân muốn thể hiện sự khác biệt của mình nên cái dải ruy-băng trên cùng mới may cuộn lại để phân biệt với các ngạch sĩ quan quân đội khác (có thời kỳ lục quân một số nước cũng có dây ruy-băng ống tay).
Nhưng trong Hải quân Anh thì lan truyền một câu chuyện rằng, sở dĩ có Executive Curl là để thể hiện truyền thống anh dũng của hải quân trong chiến đấu. Câu chuyện này bắt đầu từ một thuyền trưởng (Captain) có tên là George Elliot (1813–1901), tham gia cuộc chiến tranh Crưm (thuộc Nga), khi bị thương vào tay, đã sử dụng ngay dây ruy-băng trên ống tay áo của mình để làm dây đeo lên cổ cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu. Vì vậy, Executive Curl còn có tên gọi khác là Elliot’s Eye (Vòng Elliot).
Tuy nhiên, còn một cách giải thích khác về Elliot’s Eye như sau: Đó là sáng kiến của một ngài sĩ quan có tên là William Elliot, làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân Anh những năm 1800 và 1801. Tức là Elliot’s Eye là của William Elliot chứ không phải của Captain George Elliot. Nhưng trong Hải quân Ấn Độ và ở Ấn Độ nói chung người ta lại gọi Executive Curl hơi khác so với người Anh, họ gọi nó là Nelson Ring (Vòng Nelson).
Nelson ở đây là Đô đốc Horatio Nelson, người đã chỉ huy hạm đội của Hải quân Anh giành chiến thắng quan trọng trong trận hải chiến lịch sử Trafalgar, đánh bại hạm đội Hải quân Tây Ban Nha. Kể từ sau chiến thắng này, Hải quân Anh giành quyền làm chủ trên biển trong cả trăm năm. Không rõ tại sao người Ấn Độ lại gọi là Nelson Ring, nhưng trong trận Trafalgar thì sau khi người Anh đại thắng, Horatio Nelson, do bị thương trong chiến đấu, đã chết ngay trên tàu kỳ hạm của mình, chiếc nhẫn (cũng là Ring trong tiếng Anh) của ông được gửi về cho người vợ (Hình 3). Ngày nay, cặp nhẫn của vợ chồng Horatio Nelson vẫn đang được trưng bày trong bảo tàng Hải quân Anh.
Hình 3: Bên trái: Tượng đài Đô đốc Horatio Nelson ở quảng trường Trafalgar, London. Bên phải trên: Bức tranh tả Horatio Nelson bị thương trên tàu kỳ hạm trong trận Trafalgar. Bên phải dưới: Một chiếc nhẫn cưới thời Horatio Nelson
Như vậy, vòng tròn chỉ huy có một vài cách giải thích và ý nghĩa khác nhau, nhưng dù cách giải thích thế nào (thể hiện truyền thống anh dũng, một chiến công, một chuyện tình đẹp…) thì cũng đều rất hay và đáng trân trọng. Tuy nhiên, đối với những người thuỷ thuỷ thì nó đơn giản là một thứ hình ảnh gợi lên sự liên tưởng đến "nghề làm dây trên tàu", một hình ảnh có tính biểu tượng nghề nghiệp cao. Vì vậy, cũng dễ hiểu tại sao dải/dây ruy-băng vàng và đi kèm với nó là vòng tròn chỉ huy lại được hải quân nhiều nước sử dụng để làm cấp hiệu cho sĩ quan.
Trên thực tế, để làm cấp hiệu, người ta dùng những dây ruy-băng màu vàng dệt sẵn may vào ống tay áo, dây trên cùng uốn thành một vòng tròn nhỏ rồi rồi may dọc theo chiều dài của cả dây ruy-băng, sau đó mới may ống tay áo thành hình ống tròn.
Dải ruy-băng được dệt theo ba độ rộng chuẩn, loại rộng nhất là 1 và ¾ inch (44,45mm) dùng riêng cho sĩ quan hàng đô đốc, loại vừa rộng 1/2 inch (12,7mm), loại hẹp ¼ inch (6,35mm) dùng chung cho các sĩ quan. Để thể hiện cấp bậc người ta may các dây ruy-băng thành các vòng vàng (Gold Ring) như thể hiện trong quy định về cấp hiệu của Hải quân Anh, Ấn Độ và một vài nước khác (Hình 4).
Hình 4: Cấp hiệu sĩ quan Hải quân Anh (Từ phải qua trái: trung uý (cùng phải), đại uý, thiếu tá, trung tá, đại tá, đề đốc, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc và đô đốc hải quân (cùng trái). Hàng trên là cầu vai (chỉ đeo khi mặc áo trắng). Hàng dưới là cấp hiệu trên ống tay áo mùa đông. Cấp hiệu của Hải quân Ấn Độ chỉ thay vương miện của Vua Anh bằng biểu tượng Hindu.
Đức Thắng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn