Vì Trường Sa xanh, sạch, đẹp

HQVN -

Trong chuyến hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2016, Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng đưa các chế phẩm vi sinh sử dụng tại hai đảo của huyện đảo Trường Sa. Các chế phẩm vi sinh nhằm xử lý chất thải thành nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng góp phần tái lập môi trường trong sạch cho các đảo, điểm đảo. 

Tại buổi thẩm định chế phẩm vi sinh ứng dụng tại huyện đảo Trường Sa diễn ra ở cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân, các nhà khoa học đã giới thiệu hai chế phẩm AT-YTB của trường Đại học Y Thái Bình và Medipag-20 của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội. Các chế phẩm này đã được sử dụng hiệu quả tại nhiều địa phương.

Về chế phẩm AT-YTB, PGS.TS Phạm Ngọc Khái, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Chế phẩm vi sinh AT-YTB đã được Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp giấy chứng nhận lưu hành năm 2012. Chế phẩm có khả năng giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm tại các bãi rác và xử lý các chất thải sinh hoạt, y tế, nông nghiệp, công nghiệp”. Hiện tại, chế phẩm đang được sử dụng trên nhiều địa bàn: Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Tuyên Quang, TP.Hồ Chí Minh, Bình Định, Kiên Giang... Thực tế đã cho thấy, chế phẩm sử dụng đơn giản, giá thành rẻ nhưng đem lại hiệu quả cao. Khi phun chế phẩm AT-YTB vào các bãi chôn lấp rác thải, các loại rác hữu cơ sẽ nhanh chóng bị phân hủy, giảm mùi hôi và các loại khí độc.

Do lượng rác cũ phân hủy nhanh nên có thể bổ sung lượng rác thải chôn lấp mới thường xuyên. Nước rỉ rác qua xử lý hạn chế nguồn ô nhiễm và được tái sử dụng, nhờ vậy không còn ngấm xuống đất hay thải ra môi trường. Rơm rạ dư thừa trên đồng ruộng, hay lượng phân thải của các chuồng trại chăn nuôi sử dụng chế phẩm AT-YTB sẽ phân giải nhanh các hợp chất độc hại, giảm mầm bệnh và mùi hôi. Việc tận dụng các chất thải sau khi được xử lý bằng chế phẩm AT-YTB tạo ra một lượng mùn vi sinh có thể bón cho cây trồng, làm tăng độ tơi xốp, phì nhiêu của đất. Chế phẩm AT-YTB của trường Đại học Y Thái Bình đã được trao Cúp Vàng thương hiệu về sản phẩm thân thiện môi trường và Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trồng cây trên đảo Đá Tây

                                                                              Ảnh: HT

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và các cơ quan chức năng Quân chủng cũng được nghe giải pháp ứng dụng vật liệu polyme diệt khuẩn Medipag-20 trong lĩnh vực y tế và đời sống của Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội. Đây là vật liệu có thể thay thế các hoạt chất độc hại dùng để khử trùng truyền thống, giúp giảm mùi hôi thối của rác thải và nước thải. Vật liệu này đã được triển khai thực nghiệm tại 4 bệnh viện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy, phương pháp diệt khuẩn mới có nhiều ưu điểm, xử lý nước thải theo nguyên lý dòng tự chảy nhỏ giọt trôi theo và hòa chung nguồn nước thải. Khi áp dụng phương pháp này, các bệnh viện tiết kiệm được kinh phí từ 5-10 tỷ đồng vì không phải dùng bơm, dùng điện để chạy các thiết bị khi cần xử lý nước thải, không phải xây mới hệ thống xử lý mà có thể áp dụng ngay trên hệ thống đã có, đảm bảo ổn định chất lượng nước thải theo quy chuẩn Việt Nam từ loại B trở lên. Kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệt mới, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các địa phương đã đánh giá cao về tính thực tiễn của đề tài và sản phẩm đang được thương mại hóa nhằm cung cấp cho thị trường cả nước...

Các chế phẩm này là một trong những kết quả của Chương trình “Trường Sa xanh” giai đoạn 2016-2018 do Trung ương Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân phát động. Sau khi sử dụng tại hai đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nếu đạt kết quả tốt, Quân chủng Hải quân sẽ lựa chọn chế phẩm để áp dụng tại các đảo, điểm đảo khác.

                                                                                                                                        Thùy Liên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn