Vận hội mới, tầm vóc mới

HQVN -

Hải Phòng thành phố của những dòng sông chạy òa ra biển, của những con người cần lao nhọc nhằn nắng gió phai màu áo thợ nhưng luôn phóng khoáng, mạnh mẽ, nhạy bén và khát khao đổi mới.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang gõ cửa từng nhà, từng con phố. Thời điểm này, không khí năm mới lộng lẫy, sáng bừng, lung linh ngập tràn thành phố Cảng. Người dân ai nấy đều phấn khởi trước những đổi thay của vùng đất quê hương mình.

Tăng trưởng đứng đầu  cả nước

Một ngày cuối năm, chúng tôi cùng Nhà học sử học Ngô Đăng Lợi dạo bước trên phố biển để cảm nhận không khí chuyển mình vào Xuân mới của TP. Hải Phòng. Ông cho biết, cả đời ông dành cho Hải Phòng với 18 cuốn sách, 6 công trình nghiên cứu về mảnh đất, con người nơi đây. Trong đó giá trị nhất là cuốn “Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng” do Nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành năm 1987, được Đại học Berdy (Hoa Kỳ) xếp hạng là một trong 5 cuốn sách tiêu biểu châu Á.

Am hiểu về Hải Phòng là thế nên Nhà sử học Ngô Đăng Lợi khẳng định với chúng tôi, chưa bao giờ thấy địa phương “thay da đổi thịt” nhanh chóng như mấy năm gần đây. “Xuân này, Hải Phòng bừng lên sức sống mới trong niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sau một năm nỗ lực với những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực”- ông nhấn mạnh.

TP.Hải Phòng về đêm. Ảnh: TRÍ LONG

Hải Phòng đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước; một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội tiếp tục có sự tăng trưởng cao so với năm 2020 với 13/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm; 6 chỉ tiêu còn lại không hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng ở mức cao.

Cụ thể, tăng trưởng GRDP đạt 12,38% so với năm 2020, gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt trên 17% so với dự toán Trung ương giao. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 18% so với năm 2020, gấp 4 lần bình quân chung cả nước  (3,6%).

Ngoài ra, thu hút đầu tư  trực tiếp từ nước ngoài FDI đạt trên 3,1 tỷ USD (gấp gần 2 lần); kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD (tăng trên 23%); sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 150 triệu tấn (tăng trên 7%); tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2%... so với năm 2020.

Thành phố đã tập trung cao chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên thuộc nhóm các địa phương có ít số ca nhiễm bệnh. Đến nay, đã hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi  và  trẻ em từ 12 - 17 tuổi; thành lập 226 trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà ở tất cả các phường,  xã,  thị trấn trên địa bàn…

Hải Phòng cũng quyết liệt chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và triển khai các dự án như: Hoàn thành việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Đề án thành lập TP.Thủy Nguyên; tập trung thi công hoàn thiện chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình; xây dựng 8 công viên cây xanh trên địa bàn các phường; cải tạo hè đường 6 tuyến đường trung tâm thành phố...

“Đòn bẩy” cho Hải Phòng vững bước

Xuân này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố còn phấn khởi hơn khi Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có hiệu lực.

Theo đó, về tài chính-ngân sách nhà nước, Hải Phòng được vay với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng. Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.

               

   Không khí xuân mới đang tràn khắp nẻo đường phố Cảng. Ảnh: HỒNG PHONG

Cùng với đó, Hải Phòng được thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Về quản lý đất đai: HĐND thành phố được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Về quản lý quy hoạch, UBND thành phố được thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nghị quyết cũng cho phép Hải Phòng sau khi ngân sách bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi tăng thu nhập bình quân cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền…

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Cơ chế đặc thù với Hải Phòng không phải vì ưu ái riêng gì Thành phố Cảng. Có lẽ sau một thời gian dài với quan điểm “cào bằng”, “bình đẳng” một cách máy móc về cơ chế, chính sách của các địa phương, đã đến lúc tư duy đó được thay thế bằng tư duy khác nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực. Việc thông qua các nhóm cơ chế, chính sách này khẳng định sự quyết tâm của Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển đồng thời cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc nỗ lực tối đa để vượt qua thử thách, khó khăn, chớp lấy cơ hội để phát triển đột phá lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và Trung ương.

Một năm mới đầy hứa hẹn

Đối với Hải Phòng, những kết quả mang tính đột phá trong lĩnh vực kinh tế-xã hội năm 2021 chính là những yếu tố thuận lợi, đem lại sự tự tin cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sẵn sàng bước vào một năm mới.

Với chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số”, Hải Phòng mạnh dạn đưa ra những con số cụ thể và quyết tâm thực hiện vượt kế hoạch đề ra như: Tốc độ tăng trưởng GRDP  là 13% trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 7.300 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19-20%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200 nghìn tỷ đồng;  tổng thu ngân sách 105 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 56.700 người lao động…

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Lạch Huyện tăng trưởng hằng năm. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, thành phố tập trung bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm. 30 công trình triển khai năm 2022 sẽ có 5 công trình được khánh thành đưa vào sử dụng trong năm.

UBND thành phố cũng đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Hải Phòng của những con người đi lên từ biển. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 75 năm, khi lần đầu được đón Bác (20/10/1946): "Hải Phòng sẽ trở nên thành phố gương mẫu của nước ta”, thành phố đã và đang chuyển mình, vững bước đi lên. Ước mong Thành phố Cảng “đàng hoàng, to đẹp” như lời Bác dạy hôm nay đã thành sự thật. Những con đường, những cây cầu, những công trình khang trang… đem lại một tầm vóc mới cho Hải Phòng. Hải Phòng đang bừng sáng đủ thế và lực để vươn ra biển lớn.

Một khí thế xuân rất riêng nơi đầu sóng, ngọn gió như nói lên nhiều điều hứa hẹn cùng những dự báo tốt lành. Bằng sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao độ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ phấn đấu vì một Hải Phòng văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị cấp quốc gia.

Thanh Thủy

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn