Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước

Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ kính yêu của cách mạng và dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng, lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; là biểu tượng đoàn kết toàn Ðảng, toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; tiêu biểu cho ý chí cách mạng kiên cường, lòng yêu nước, yêu nhân dân.

Suốt cuộc đời cách mạng, Người luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là tấm gương sáng ngời, tiêu biểu về tận trung với nước, tận hiếu với dân; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cùng một khát vọng cao cả: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đó cũng chính là khát vọng của nhân dân ta trong suốt cuộc đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến, giành độc lập, tự do, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân. Với bạn bè quốc tế, Người là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tôn vinh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất". Người trở nên bất tử trong lòng nhân dân, trong trái tim nhân loại.

Bác Hồ trong Ngày hội non sông. Ảnh: Minh Trường

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng dịp Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018).

Chúng ta càng ghi nhớ, biết ơn công lao trời biển; thêm thấm nhuần, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện tốt nhất lời di huấn của Người: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt, thực hiện tốt chuyên đề của năm 2018: "Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", coi đây là một trong các nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khởi xướng phong trào Thi đua Ái quốc và chính Người là tấm gương mẫu mực, với một tầm nhìn, tư tưởng lớn, cùng những cống hiến vô giá về thi đua và Thi đua Ái quốc. Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây tròn 70 năm luôn có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn mạnh mẽ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, trong những thời điểm cam go, ác liệt nhất của dân tộc và cách mạng, Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Người luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, vào cán bộ, chiến sĩ LLVT, biến thành sức mạnh vô địch, đưa cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi vẻ vang.

Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc cùng nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào Thi đua yêu nước trong suốt 70 năm qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về Thi đua yêu nước, về công tác thi đua-khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Không chỉ khởi xướng, phát động và bền bỉ giáo dục, tuyên truyền, vận động Thi đua Ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân. Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”. 

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tinh thần, khí thế và hiệu quả thi đua vẫn thực sự ghi dấu ấn trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua-khen thưởng; quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Thi đua yêu nước vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các ngành, địa phương phát động. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác, toàn quân ra sức phấn đấu, đoàn kết; đẩy mạnh Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào Thi đua Quyết thắng lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn