Vận dụng kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trong rà phá thủy lôi vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay

* Đại tá NGUYỄN DUY THIỀU, Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân

HQVN -

Bảo đảm hậu cần trong chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, gian khổ. Quán triệt sâu sắc nghị quyết của trên, với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Ngành Hậu cần Hải quân đã bảo đảm tốt mọi mặt cho các đơn vị của Quân chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng để Quân chủng và quân dân cả nước đánh bại âm mưu của địch.

Cục Hậu cần Hải quân đã sử dụng các đơn vị: Đại đội vận tải thủy-bộ, Kho tổng hợp K140, Bệnh viện 5/8, Đại đội vệ sinh phòng dịch, Đội sinh lý lặn, đội bào chế thuốc và kho quân y, Tổ nghiên cứu ăn mặc chịu trách nhiệm bảo đảm chung. Cục Hậu cần trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị từ Thanh Hóa trở ra gồm: K2, các trung đoàn 125, 171, 128, các đội công binh, các trạm quan sát. Nhất là tăng cường lực lượng hậu cần cho hướng trọng điểm Quảng Ninh-Hải Phòng; sông Gianh-Cửa Hội, mỗi hướng 1 bộ phận sinh lý lặn; tổ chức các trạm quân y trên bờ để sẵn sàng tiếp nhận, cứu chữa thương binh.

Cục Hậu cần đã tổ chức vận chuyển bổ sung cho các đơn vị các loại vật chất như khí tài, trang bị, xăng dầu, lương thực, thực phẩm... Riêng trong năm 1972-1973, các đơn vị của Cục đã vận chuyển hơn 3.000 tấn vũ khí, khí tài… bảo đảm kịp thời xăng dầu, nước ngọt lương thực thực phẩm cho hàng nghìn lượt tàu rà phá thủy lôi. Cán bộ, chiến sĩ đi trên các tàu rà quét và đi trong khu vực có thủy lôi, tất cả được trang bị áo phao, đèn pin. Mỗi phương tiện tàu thuyền đều được trang bị xuồng cấp cứu, bảo đảm cho hàng trăm lượt người mò, lặn trên 40 triệu mét vuông (cả lực lượng Hải quân và các lực lượng khác) đủ áo phao cá nhân, thuốc chống cá mập, thuốc cấp cứu, lương khô cứu sinh...

Tàu của Trung đoàn 171 dẫn tàu nước ngoài vào cảng Hải Phòng sau ngày thông luồng, ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu

 Để duy trì công tác vận chuyển hàng hóa, Quân chủng đã xây dựng thêm các cảng dã chiến, các trạm chuyển tải ngoài khu vực có thủy lôi, bom từ trường ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn La (Cửa Gianh), Hòn Ngự (Cửa Hội)... Để bảo đảm cho hoạt động đi lại của các tàu lớn ra vào cảng Hải Phòng, từ tháng 12/1972, Bộ Tư lệnh Hải quân đã phối hợp với Cục Vận tải biển tổ chức hộ tống dẫn dắt an toàn cho hàng chục lần chiếc tàu trọng tải từ 2.000-16.000 tấn của nước ngoài ra vào cảng.

Ngành Hậu cần Hải quân đã tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi mặt hậu cần cho các lực lượng của Quân chủng rà phá thủy lôi chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc góp phần vào chiến công chung của Quân chủng. Từ thực tế và kinh nghiệm trong chiến đấu, để bảo đảm tốt công tác Hậu cần Hải quân bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, quán triệt sâu sắc đường lối chủ trương của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, Quân chủng, quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, chuẩn bị chu đáo, toàn diện, vượt mọi khó khăn tổ chức bảo đảm hậu cần sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế với mục đích cao nhất là bảo đảm cho chiến thắng. Từ Quân chủng, đến các đơn vị, các tàu... quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của trên, nhiệm vụ Tư lệnh Hải quân giao; chuẩn bị chu đáo toàn diện mọi mặt hậu cần và bảo đảm đầy đủ kịp thời cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, nhất là bảo đảm xăng dầu cho các tàu, xuồng, ca nô… và bảo đảm thuốc, trang bị quân y cho các trạm cứu chữa, cho từng cá nhân; xác định rõ trách nhiệm xây dựng, quyết tâm cao cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ của ngành, phát huy nỗ lực của các cấp, các ngành, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ làm công tác hậu cần nếu chỉ có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình thì chưa đủ, mà phải có tri thức, có sự hiểu biết, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phân tích, đánh giá chính xác tình hình nhiệm vụ, xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, chủ động đề xuất phương án bảo đảm vật chất, bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội phù hợp, phương án bảo đảm quân y, cứu chữa thương binh hợp lý.

Tàu của Lữ đoàn 955, Vùng 4 huấn luyện vận chuyển hàng hoá, vật tư bảo đảm hậu cần cho lực lượng làm nhiệm vụ. Ảnh: Đức Thu

Hai là, phát huy sức mạnh của thế trận hậu cần nhân dân, tạo nguồn bảo đảm hậu cần ổn định, vững chắc. Thực tiễn trong bảo đảm hậu cần chống địch phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường chứng minh Hậu cần Hải quân đã phát huy được sức mạnh to lớn của nguồn bảo đảm tại chỗ từ nhân dân địa phương hỗ trợ, giúp đỡ kết hợp với các nguồn bảo đảm khác (nguồn trên cấp, nguồn đơn vị tăng gia sản xuất…) tạo nên nguồn bảo đảm hậu cần ổn định, vững chắc, bảo đảm kịp thời đầy đủ cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Chỉ có dựa chắc vào nhân dân mới giải quyết được những khó khăn do yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, dựa vào dân, công tác hậu cần đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ bảo đảm ở các khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng; Thanh Hóa; Sông Gianh-Cửa Hội... Quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, xây dựng hậu phương lớn của cuộc kháng chiến ngày càng vững mạnh. Nhờ đó mà Hậu cần Hải quân có điều kiện thuận lợi để khai thác sức người, sức của phục vụ cho chiến đấu kịp thời, đầy đủ theo kế hoạch… Vì vậy, hiện nay trong bảo đảm hậu cần tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nếu tiếp tục phát huy sức mạnh của thế trận hậu cần nhân dân, tạo nguồn bảo đảm hậu cần ổn định, vững chắc sẽ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ trong tình hình mới.

Ba là, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phát huy sức mạnh của từng cấp, từng ngành để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong cứu chữa, vận chuyển thương binh. Làm tốt công tác hiệp đồng về hậu cần nhằm bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức, lực lượng hậu cần có liên quan để thống nhất về nhiệm vụ, phạm vi, trách nhiệm bảo đảm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và về thời gian, địa điểm, biện pháp tiến hành. Một trong những bài học sâu sắc từ công tác hậu cần trong chiến công chống địch phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường là Hậu cần Hải quân đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với hậu cần cấp trên, cấp dưới, đơn vị bạn và với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương để tiếp nhận, khai thác và bảo đảm cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, nhất là đã tổ chức tốt công tác hiệp đồng trong cứu chữa, vận chuyển thương binh, khai thác hậu cần tại chỗ.

Bốn là, chỉ huy, chỉ đạo công tác hậu cần phải kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo. Trong giai đoạn chuẩn bị hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ cần phải tiến hành toàn diện, kịp thời. Giai đoạn thực hiện nhiệm vụ phải luôn theo dõi bám sát diễn biến tình hình, dự kiến các biện pháp bảo đảm, chủ động chuẩn bị, xử trí linh hoạt các tình huống về hậu cần để bảo đảm kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho chiến đấu thắng lợi.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn