Vận động viên “già” nơi chiến trường sông biển
HQVN -
Cách đây 50 năm, khi tham gia Giải bơi vượt sông Bạch Đằng, đoàn vận động viên Quân chủng Hải quân đã giành giải Nhì toàn đoàn. Trung tá Vũ Ngọc Vê, nguyên cán bộ, Phòng Quân huấn-Nhà trường (nay là Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Hải quân) đạt vận động viên Cấp 1 quốc gia. Đến nay, hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn giành Huy chương Vàng giải bơi trung cao tuổi toàn quốc.
Một buổi chiều cuối năm Mậu Tuất, trên các tuyến phố của thành phố cảng được trang hoàng cờ, hoa như khoác trên mình một “bộ áo” mới nhiều màu sắc để đón Xuân. Tôi tìm gặp người lính biển được mệnh danh là kình ngư của biển ở khu tập thể Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hải Phòng. Ông là Trung tá Vũ Ngọc Vê. Bên tách trà nóng, tôi đã hàn huyên cùng ông về những kỷ niệm đẹp trên đường đua xanh theo suốt năm tháng trong quân ngũ cho đến nay.
Từ bơi vượt sông Bạch Đằng đến bơi lặn mò thủy lôi
Trung tuần tháng 9-1969, Giải bơi vượt sông Bạch Đằng toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức. Giải quy tụ những vận động viên đến từ các tỉnh, trường và trung tâm đào tạo vận động viên bơi lội có uy tín trên toàn quốc. Cự ly bơi 25 km, điểm xuất phát từ địa phận xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải và đích ở Bến Bính, cầu cảng Nhà máy X46 ngày nay. Đội bơi của Quân chủng Hải quân được lựa chọn từ những cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc của hai đơn vị Đoàn 126 và Trung đoàn 171. Hàng ngày được cán bộ phụ trách thể thao của Quân chủng huấn luyện tại cảng Hạ Đoạn (nay là cảng Hải đoàn 128), bến Phà Rừng. Thời gian cao điểm, sát ngày thi đấu, ban huấn luyện đưa đội cọ xát với thực tế quãng đường. Kết thúc giải, 4 vận động viên của Hải quân đã đạt thành tích xuất sắc. Trong đó, Trung tá Vũ Ngọc Vê đạt Vận động viên Cấp 1. Những kỷ niệm về tham gia bơi lần đó là những kỷ niệm khó quên nhất đối với ông trong cuộc đời binh nghiệp cũng như hiện nay.
Ông Vũ Ngọc Vê cùng những tấm huy chương về thành tích bơi lội
Ông Nguyễn Minh Son, hiện đang ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Là thành viên của đội bơi, cũng đạt Vận động viên Cấp 1 lúc bấy giờ chia sẻ: Anh Vê là vận động viên giàu thành tích, có nhiều kinh nghiệm về sông nước, bơi giỏi và dũng cảm khi bơi, lặn mò thủy lôi.
Có được kết quả cao là nhờ sự khổ luyện của ông và đồng đội cùng sự quan tâm kịp thời của thủ trưởng các cấp. Trung tá Vũ Ngọc Vê chia sẻ: Gần ngày thi đấu, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân xuống kiểm tra và động viên anh em đội bơi. Tư lệnh cho mỗi vận động viên một miếng sâm. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa sâu sắc, kịp thời động viên anh em luyện tập miệt mài, tạo động lực quyết tâm giành giải cao. Ngày 2-9-1969, lúc Bác Hồ đi xa, đội bơi phải luyện tập ban đêm, vì ban ngày dừng tất cả các hoạt động để tưởng nhớ Bác.
Dấu ấn trên đường đua xanh 50 năm về trước là kỷ niệm đẹp không chỉ với vận động viên trực tiếp tham gia giải mà đã đưa thành tích bơi của Hải quân đạt đẳng cấp quốc gia. Vì sau đó, Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, cán bộ, chiến sĩ phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng này. Trung tá Vũ Ngọc Vê tham gia chiến dịch rà phá thủy lôi này. Ông là cộng sự đắc lực cho ông Trương Thế Hùng trong rà phá thủy lôi ở khu vực cửa sông Nam Triệu, nhất là phá thành công quả thủy lôi đầu tiên ở cửa Nam Triệu. Công việc khó khăn, đầy hiểm nguy lại được ông phát huy. Ngụp lặn, ngâm mình dưới sông để khảo sát, đẩy bè, vớt thủy lôi, bom từ trường lên thuyền kéo đi phá đã nhiều lần ông thực hiện thành công. Ông Vũ Ngọc Vê xúc động dừng một lúc nói tiếp: “Đùa giỡn với tử thần” mà vẫn không bị làm sao cả thì độ tuổi như tôi bây giờ, có sức khỏe thì vẫn“chiến đấu” tốt trên đường đua dưới nước.
18 năm Huy chương Vàng giải trung cao tuổi toàn quốc
Ông Vũ Ngọc Vê nhập ngũ năm 1964, vào Trung đoàn 170 Hải quân, được huấn luyện về chuyên ngành máy và biên chế về Trung đoàn 171 công tác trên các tàu T136, 181, 187, 195. Để bảo đảm sức sống cho tàu hoạt động và chiến đấu tốt, nhân viên máy Vũ Ngọc Vê đã nhiều lần bơi, lặn dưới biển kiểm tra thân vỏ, chân vịt mỗi khi có sự cố xảy ra. Việc làm đó đã giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm hoạt động dưới nước. Hơn nữa, ông sinh ra và lớn lên TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ngay từ thủa thiếu niên đã làm quen với biển cả. Vào Hải quân, ông được huấn luyện bơi ếch một cách bài bản, trong các lần hội thao của đơn vị và Quân chủng đều giành thành tích cao. Về với đời thường, ông Vũ Ngọc Vê tham gia hội viên Câu lạc bơi hưu trí Hải quân, Hội viên Câu lạc bộ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Vừa tham gia hội thi, vừa giao lưu cùng đồng đội, bạn bè trên khắp mọi miền của Tổ quốc, môn bơi lội đối với ông đã trở thành một niềm đam mê.
Ông Vũ Ngọc Vê (ngoài cùng bên phải) giành Huy chương Vàng tại Hội thi bơi trung cao tuổi toàn quốc năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cứ mỗi độ mùa hè đến, ở bể bơi Hải quân hay Trường Đại học Hàng hải ông không chỉ luyện bơi dẻo dai cho bản thân mà còn hướng dẫn cho nhiều cháu nhỏ tham gia bơi. Hình ảnh của ông trở nên gần gũi hơn với mọi người vì đã giúp cho nhiều cháu nhỏ biết bơi. Dù là hội viên của câu lạc bộ nào nhưng khi tham gia thi đấu ông đều “rinh” Huy chương Vàng ở cự ly 100 mét và Huy chương Đồng cự ly 50 mét. Tháng 10-2018, tại Giải bơi truyền thống trung cao tuổi toàn quốc lần thứ XXIII, tại TP.Hồ Chí Minh do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục Thể dục-Thể thao tổ chức, Vũ Ngọc Vê tiếp tục bảo vệ thành công Huy chương Vàng cự ly 100 mét và Huy chương Đồng cự ly 50 mét. Như vậy, kể từ ngày nghỉ hưu đến nay ông 18 năm liền đều có màu huy chương trên đường đua xanh. Theo ông Hoàng Xuân Khóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bơi Trường Đại học Hàng hải, hội viên Vũ Ngọc Vê luôn nhiệt tình trong hoạt động của hội, đã góp phần không nhỏ vào thành tích chung của Câu lạc bộ.
Để có thành tích và giữ phong độ đến nay, Trung tá Vũ Ngọc Vê vẫn thường xuyên rèn và luyện tập đều các bộ môn bổ trợ. Mỗi một lần tham gia hội thi bơi ông lại ba lô và hành lý vào địa điểm luyện tập hàng tháng để quen với môi trường. Câu chuyện giữa tôi và ông ngày càng cuốn hút. Bởi qua ông, tôi biết thêm về thành tích của các vận động viên bơi không chuyên của Hải quân và những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 126 (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) gần như ăn ngủ dưới sông, biển để lập chiến công đánh địch.
Tôi còn ấn tượng về ông bởi bộ sưu tập huy chương và tập chứng nhận ở các giải đấu được cất giữ cẩn thận trong tủ. Ông chỉ tay vào bộ sưu tập huy chương và chia sẻ: Tôi sinh năm 1947, cầm tinh con lợn, đứng chữ Đinh, mệnh Thổ (đất nóc nhà). Theo quy định của ngành thể thao dưới nước, vận động viên chỉ thi đấu đến 75 tuổi, trên 75 tuổi xuất phát về đích, Ban tổ chức trao Huy chương Vàng danh dự. Giải bơi trung cao tuổi thường kỳ 2 năm tổ chức một lần. Như vậy ông chỉ thi đấu một mùa nữa. Sang năm mới- Kỷ Hợi ông sẽ tiếp tục rèn để thân hình săn chắc, vóng dáng người tráng kiện bảo vệ thành công Huy chương Vàng đã đạt được.
Bài, ảnh: Hải Hà
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Nhân viên giặt là trả lại tiền bỏ quên cho khách - ( 01-12-24 09:00 )
- Thuyền trưởng tàu chiến đấu đạt giải Nhất hội thi - ( 05-12-24 09:00 )
- Giáo viên huấn luyện tận tâm với công việc - ( 25-11-24 02:00 )
- Nhân viên trạm nguồn đam mê bơi lội - ( 13-11-24 03:00 )
- Chủ tịch hội toàn năng - ( 01-11-24 02:00 )