Vai trò đặc biệt của Đoàn 125 trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975
Sau 21 năm chống đế quốc Mỹ gian khó, ác liệt, dân tộc Việt Nam đã làm nên một mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV khẳng định:“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là bước phát triển ở giai đoạn chín muồi trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả hợp thành của tất cả các lực lượng, những yếu tố làm nên sức mạnh tất thắng của nhân dân trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại”. Trong những yếu tố đó, đường Hồ Chí Minh trên biển có vai trò đặc biệt quan trọng.
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình ở miền Nam thay đổi, có lợi cho cách mạng Việt Nam, nắm bắt thời cơ đó, Hội nghị Bộ Chính trị (từ 30-9 đến 7-10-1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 8-12-1974 đến 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị phân tích, đánh giá tình hình, đề ra phương hướng hành động; đồng thời cũng đặt ra cho Đoàn 125 thực hiện tuyến vận tải trên Biển Đông- đường Hồ Chí Minh trên biển một trọng trách nặng nề.
Quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị, để phục vụ kịp thời yêu cầu ở chiến trường, Quân chủng Hải quân huy động mức cao nhất số tàu vận tải của Đoàn 125 để chở bộ đội, xe tăng và vũ khí từ miền Bắc vào.
Tháng 2-1975, Đoàn 125 nhận nhiệm vụ vận chuyển mang tên T.5, đưa xe tăng của Bộ Tư lệnh Thiết giáp vào Đông Hà (Quảng Trị) và đưa hàng của Tổng cục Hậu cần vào bổ sung cho chiến trường. Những hoạt động của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.
Đầu tháng 3-1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 bắt đầu. Lúc này, vai trò của đường Hồ Chí Minh trên biển càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, càng sát nơi ta mở chiến dịch càng tốt. Chấp hành mệnh lệnh, Đoàn 125 huy động tối đa lực lượng và phương tiện để thực hiện nhiệm vụ. Các tàu đã tiến hành quay vòng tăng chuyến, tăng trọng tải, tranh thủ thời gian nhằm chở được nhiều, chở được nhanh. Trên tuyến Hải Phòng-Đồng Hới, ngoài lực lượng tàu có trọng tải 400 tấn, Đoàn 125 còn huy động thêm loại tàu trọng tải 200 tấn như các tàu: 601, 605, 606, 608, 609. Đến ngày 20-3-1975, Đoàn vận chuyển được 2.960 tấn hàng, 12 xe tăng chi viện kịp thời cho các đơn vị đánh địch.
Sau khi giành thắng lợi ở Tây Nguyên, tình hình chiến trường diễn biến nhanh, có lợi cho ta. Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị Quân chủng Hải quân huy động lực lượng cao nhất phục vụ chiến dịch. Bộ Tư lệnh đã đưa 50% số tàu đang bảo quản trên ụ, bãi ra sửa chữa cùng với 4 tàu cá vũ trang chuyển sang vận chuyển chi viện cho chiến dịch. Công tác điều động, bổ sung cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật cho các tàu vận tải được xúc tiến khẩn trương, bảo đảm đủ biên chế. Công tác kiện toàn tổ chức lãnh đạo, chỉ huy cũng được tiến hành kịp thời. Các tàu đều có chi bộ đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ...
Đoàn 125 Hải quân chở bộ đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Mình năm 1975 (TL)
Phát huy khí thế tiến công thắng lợi, Quân uỷ Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do quân nguỵ đang chiếm giữ. Trên cơ sở đó, ngày 26-3-1975, trong lúc cánh quân trên bộ của ta tiến công vào thành phố Đà Nẵng, Quân chủng Hải quân điều động 1 biên đội thuyền máy chở phân đội đặc công táo bạo vượt qua làn đạn bắn chặn của địch tiến thẳng vào bán đảo Sơn Trà, phối hợp với mũi tiến công từ phía biển. Đến sáng 30-3, quân ta đánh chiếm được toàn bộ Căn cứ Liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Quân chủng còn điều khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ đặc công hành quân cấp tốc từ hậu phương vào, phối hợp với các lực lượng truy lùng tàn quân địch, quản lý căn cứ Đà Nẵng và tham gia giữ gìn trật tự, trị an vùng giải phóng.
Ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Đảng uỷ Quân chủng Hải quân quyết định tập trung mọi cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng bộ và Quân chủng, dốc sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đoàn 125 tạm gác lại kế hoạch vận chuyển thường xuyên để thực hiện mục tiêu vận chuyển: Tất cả cho chiến trường, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến đấu.
Cũng trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương là cùng với Quân khu 5 “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân nguỵ miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”, Quân chủng Hải quân đã sử dụng tàu của Đoàn 125 chở bộ đội đặc công của Đoàn 126 hải quân và lực lượng vũ trang khác ra giải phóng các đảo. Chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một trong những chiến thắng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Trưa 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Lực lượng Hải quân ta tiến vào tiếp quản cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn đóng ở trại Bạch Đằng, cơ quan Bộ Tư lệnh hạm đội, xưởng Ba Son, Bộ Tư lệnh sư đoàn lính thủy đánh bộ, trại Trịnh Minh Thế và một số vị trí khác. Tiếp đó, bộ đội Hải quân ra giải phóng Côn Đảo, rồi phối hợp cùng lực lượng vũ trang Quân khu 9 giải phóng một số đảo ở phía Nam và Tây Nam Tổ quốc.
Tính chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đoàn 125 đã huy động 143 lần chiếc tàu ra khơi với hành trình 65.721 hải lý, chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, đánh chìm 1 tàu PCR, đánh bị thương 3 tàu khác, gọi hàng một tàu, bắt 42 tên địch.
Như vậy, với sự chi viện kịp thời sức người, sức của cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đoàn 125 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội, Quân chủng và nhân dân giao phó; để lại mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua thời gian, chiến công ấy vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cần được chắt lọc, bổ sung vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Bảo Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )