Phát huy mọi nguồn lực để chống phỏng tỏa sông, biển

Đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến đấu chống phong tỏa, ngày 17- 7-1972, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra Nghị quyết chuyên đề về chống địch phong tỏa. Nghị quyết tiếp tục khẳng định chống phong tỏa là nhiệm vụ trung tâm số một của Quân chủng trong lúc này, cần huy động tất cả các lực lượng có thể được để tập trung thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Tư lệnh Hải quân đã huy động cao nhất năng lực quốc phòng của Quân chủng gồm lực lượng nghiên cứu kỹ thuật, các xưởng 46, 48, 56 cùng với các nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Nhà máy cơ khí Duyên Hải, xưởng cơ khí của Ty bảo đảm hàng hải Hải Phòng, xưởng 25 của Cục Vận tải đường biển... đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo các loại thiết bị phá gỡ thủy lôi của địch. Thi đua với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp rà phá ở thực địa, cán bộ, công nhân các xưởng Hải quân cùng với những cán bộ kỹ thuật ở bộ phận nghiên cứu đã làm việc suốt ngày đêm tìm tòi, sáng chế các thiết bị rà phá có hiệu quả. Kết quả là, từ cuối tháng 5 đến tháng 7-1972, ta đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công và cho ra đời những chiếc máy phóng từ hiện đại mang ký hiệu 480 và 311 có kết cấu gọn nhẹ có thể lắp trên các phương tiện tàu, xe, ca nô để phá bom từ trường mang đầu nổ MK42 và chế tạo các khung dây gây biến thiên từ trường lớn dùng tàu tuần tiễu 50 tấn kéo để phá thủy lôi MK-52 của địch…

Từ tháng 7-1972, cuộc chiến đấu chống phong tỏa được phát triển rộng khắp trên các vùng sông, biển miền Bắc. Lực lượng rà phá của ba thứ quân với những phương tiện, khí tài mới được trang bị, bố trí ở nhiều nơi để kịp thời tiến hành rà phá thủy lôi, bom mìn, nhằm phá tan vòng vây phong tỏa của địch.

Đội  8 Công binh Hải quân phối hợp với các lực lượng trục vớt thủy lôi MK-52

Đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến đấu chống phong tỏa, ngày 17-7-1972, Quân chủng đã huy động 352 lượt chiếc tàu, đảm nhiệm rà phá trên những địa bàn quan trọng; giao cho Trung đoàn 172, Trung đoàn 128 và Trường Sĩ quan Hải quân phụ trách rà phá ở vùng biển Đông Bắc, có nhiệm vụ mở luồng vận chuyển huyết mạch từ Hải Phòng đến biên giới phía Bắc, mở thông các luồng chính từ các khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả đến Cửa Ông; các đơn vị K2, K3, K4, K5 phụ trách rà phá, mở luồng ở các cửa sông và khu chuyển tải ven biển từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh, Cửa Việt; Trung đoàn 171 phụ trách rà phá ở khu vực trọng điểm Hải Phòng; Đội 8 công binh và lực lượng người nhái Trung đoàn 126 đặc công tăng cường cho nhiệm vụ rà phá, tháo gỡ ở những khu vực quan trọng theo sự chỉ đạo cụ thể của Bộ Tư lệnh Quân chủng…

Phát hiện ta tập trung lực lượng, phương tiện rà phá, tháo gỡ thủy lôi trên các luồng vận chuyển, đế quốc Mỹ tìm mọi cách để đối phó. Chỉ trong vài ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8-1972, địch đã thả bổ sung hơn 1.400 quả thủy lôi, bom từ trường xuống các tuyến vận chuyển quan trọng, gây cho ta thêm những khó khăn, thiệt hại mới.

Quân chủng Hải quân đã đề nghị Ban Chỉ đạo chống phong tỏa của Chính phủ đặt xưởng cơ khí Trạm Giang của Trung Quốc sản xuất giúp 4 ca nô phóng từ, 200 bộ thiết bị rà phá loại 480 và 100 bộ loại 311 theo thiết kế của ta để cung cấp cho các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ rà phá. Đồng thời cũng đề nghị hải quân nước bạn hỗ trợ giúp đỡ việc rà phá thủy lôi để giải phóng nhanh các luồng lạch, phục vụ cho hoạt động vận chuyển của ta. Nhờ có sự giúp đỡ quốc tế quý báu này, chúng ta đã cung cấp kịp thời các trang bị cho lực lượng rà phá thủy lôi. Tháng 8-1972, biên đội gồm 9 tàu quét mìn, 6 ca nô phóng từ và một tổ thợ lặn 20 người của Hải quân Trung Quốc đã sát cánh cùng ta rà phá, nghiên cứu tháo gỡ thủy lôi. Tháng 9-1972, Liên Xô cũng đưa 40 cố vấn về bom mìn và một tổ thợ lặn 10 người cùng với các thiết bị lặn sang giúp chúng ta nghiên cứu rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường.   

Đêm đêm dưới ánh sáng đèn dù và bom đạn của địch, các tàu rà phá của ta quần đi quần lại trên các bãi thủy lôi suốt từ vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng đến Quân khu 4. Có nơi địch vừa thả ban ngày, đến tối ta đã rà phá ngay. Có nơi ta vừa khai thông luồng thì máy bay của chúng lại lao đến dội bom, thả thủy lôi. Trong tháng 9-1972, Quân chủng Hải quân đã huy động 87 lượt tàu rà phá với chiều dài hành trình trên các bãi thủy lôi lên tới 3.721 hải lý, phá nổ hàng trăm quả. Ngày 13-9 khai thông luồng sông Chanh-Lạch Huyện, tiếp đến là luồng Cửa Cấm-Đồ Sơn và bảo đảm an toàn cho các tuyến vận chuyển than, vận tải Hải Phòng-Quảng Ninh, góp phần làm cho khối lượng hàng hóa được vận chuyển tăng từ 2.600 tấn trong tháng 6 lên 10 nghìn tấn trong tháng 9. Cuối tháng 9-1972, luồng Cửa Hội-Bến Thủy và luồng sông Gianh, ở bến phà số 1 tiếp tục được khai thông lần thứ hai.

Tranh thủ thời gian địch tạm ngừng đánh phá, Quân chủng đã huy động 23 tàu, ca nô của các trung đoàn 128, 171, 172 và Trường Sĩ quan Hải quân phối hợp cùng với lực lượng chống phong tỏa của Quân khu Tả Ngạn, Không quân, Cục Vận tải đường biển, các địa phương và biên đội tàu của Hải quân Trung Quốc cùng tham gia ngày đêm rà phá lôi ở khu vực trọng điểm Hải Phòng, Quảng Ninh. Lực lượng của ta đã phá hủy được hàng chục quả thủy lôi, khai thông các luồng cho tàu thuyền hoạt động và đến ngày 24-10-1972, luồng Nam Triệu đã khai thông, bảo đảm các tàu dưới 400 tấn ra vào cảng Hải Phòng an toàn.

Bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam-Bắc, ngày 22-10-1972, lại một lần nữa Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom và bắn phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đây là một thuận lợi mới để chúng ta có điều kiện tập trung giải quyết nhanh hơn việc rà phá, bảo đảm thông luồng cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động được an toàn. 

HQVN (còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn