Vại cà muối
HQ Online -
Thư về cho em, anh kể đảo mùa này thêm một màu hoa mới-màu tím của hoa cà. Những chồi non mảnh như chồi mạ nảy mầm từ nắm hạt em gửi trong chuyến tàu ra đảo tưởng yếu ớt mà không ngờ dũng cảm chống chọi với nắng gió Trường Sa, mỗi ngày thêm cứng cáp.
Hôm nay hoa cà bung những cánh tím đầu tiên. Anh bảo nhìn màu hoa ấy thấy nhớ nhà, nhớ cái ngõ sau. Hồi anh còn bé, chỉ cần băng qua mảnh sân rợp bóng nhãn cổ thụ, mở cái cổng gỗ mục, mốc rêu xanh xám ra là đồng ruộng ùa vào trong mắt mênh mang…
Cữ nào cũng thế, cuối Đông, sau khi đã dỡ hết mấy luống khoai Hoàng Long, bà cháu lại hì hục cuốc xới chờ đầu Xuân sẽ lên luống trồng cà. Năm nào bà cũng trồng hai luống cà dài suốt dọc vườn để trữ thức ăn qua cả một năm ròng. Từ hôm bổ luống đặt hốc, đi học về, anh lãnh thêm phần xách nước tưới cà.
Vườn đầu mùa, rau giáp vụ, quả thu hoạch hết, vô vị, chẳng có gì thu hút lũ trẻ ham vui. Mãi đến khi cà ra hoa, vườn mới trở về với dáng vẻ xinh tươi, đẹp đẽ ngày nào.
Mẻ cà đầu tiên là lứa cà om. Quả non bóng, núm dài đến ngang cái bụng tròn, vỏ mỏng, ruột nhiều. Bỏ núm, cắt đôi, ngâm cho hết nhựa, rồi đem luộc qua. Món cà om nhà nghèo chỉ có vài miếng cà chua xào lẫn cho ăn mắm muối, chút mỡ chắt chiu từ Tết đựng trong liễn sành nhưng bao giờ bà cũng cho nhiều một chút rồi bảo là quá tay. Cà om xăm xắp nước, đun liu riu cho nhừ đến khi sánh lại, váng chút màu đỏ lấp lánh của cà chua. Anh đứng bên chờ sẵn, đưa cho bà bát tía tô, lá lốt thái nhỏ với tỏi băm để bà đổ vào đảo nhanh rồi bắc xuống. Mùi lá thơm nồng nàn theo khói trắng nghi ngút bay lên. Bà bảo cà đúng vị phải om với xương hoặc cá. Nhưng với lũ trẻ háu ăn như mấy anh em thì món cà om mỡ của bà đã là cả một niềm mơ ước theo suốt dọc những đồng ruộng mùa Xuân.
Cà đầu vụ còn là cà muối xổi. Sáng nào cũng thế, bà ra vườn xới xáo rồi trở về với lưng rổ cà non, cặm cụi cắt núm, bổ đôi, ngâm nước rồi trộn với muối, đường, tỏi ớt và chút dấm. Trưa hôm sau, cháu đi học về, háo hức dọn cơm lên với thức ăn duy nhất là bát tương vàng sậm, sánh mịn, thơm ngậy, ngọt thỉu và một tô to đầy cà muối xổi vừa chua, vừa ngọt, vừa cay, vừa giòn ăn mãi vẫn thấy ngon.
Nhưng mùa cà đi qua nhanh như bước chân giao mùa Xuân-Hạ. Giữa vụ, cà bắt đầu cứng mình. Bà lại chuẩn bị vại để nén cà. Vại cà đại cao ngang ngực anh. Lót vài lần mía chẻ dưới đáy, cà bật núm, ngâm sạch nhựa, trộn muối hột, riềng xay mịn cho đều, đậy vỉ tre lên trên rồi lấy cối đá làm đồ nén. Cà xẹp dần xuống, tự chín bằng cái mặn của muối, cái thơm, cay nồng của riềng ngấm thêm vị ngọt đậm đà của mía. Quên đi vài tuần là được ăn. Hết mùa cà om, cà muối xổi, bữa ăn trở về với món cà nén trường kì. Quả cà nén mặn, ngọt, thơm và giòn làm thức ăn quanh năm. Một đĩa cà nén, đĩa rau muống luộc, bát nước rau vắt chanh hay sang hơn là bát canh cua rau đay với vài lát mướp hương thơm lựng, mấy nụ hoa mướp xinh xinh, với anh đã là cả một thiên đường.
Vị mặn mòi, thanh đạm của vại cà muối đi theo anh qua bao năm tháng tuổi thơ cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên niềm háo hức. Mỗi mùa cà về, anh lại nhắn em đón lứa cà đầu vụ. Lũ trẻ lại ùa ra, tranh nhau nhìn ngắm, chạm tay vào từng quả, lại sốt sắng giúp mẹ chuẩn bị cho bữa cơm với tô cà om và đĩa cà trộn xổi. Bọn trẻ lại nhắc: Mẹ nhớ làm vại cà nén, chờ bố về phép, cả nhà mình lại được ngồi sum họp bên mâm cơm như bố kể ngày xưa…
Khánh Huyền
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn