Ứng phó với lũ lụt ở các tỉnh miền Trung: Kiên quyết không để dân đói, khát

Ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1925/CĐ-TTg về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ngập lũ.

* Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang giúp đỡ người dân vùng lũ

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, nhất là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, vùng bị ngập sâu chia cắt đến nơi an toàn. Huy động phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt để tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm không để người dân nào bị đói, khát. Cử lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò, các ngầm, tràn, tuyến đường giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết. Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, giám sát việc vận hành xả nước đón lũ và vận hành xả lũ, bảo đảm an toàn đập và hạ du các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu. Tùy theo tình hình mưa lũ cụ thể tại từng khu vực, chủ động quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thực hiện việc sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương. Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến mưa lũ, phối hợp với các địa phương vận hành chủ động, an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, không để tình trạng xả lũ bất ngờ, lũ chồng lũ, góp phần giảm lũ cho hạ du. Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực đã xảy ra sự cố trong đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua để kịp thời triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông chính bị sự cố, sạt lở ngay sau khi lũ rút, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc-Nam. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các đơn vị liên quan cung cấp đủ cơ số thuốc chữa bệnh, bảo đảm việc khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân vùng ngập lũ; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương và nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh ngay sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh...

Lực lượng vũ trang tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) huy động hàng chục ca nô để cứu dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Quân đội điều phương tiện, lực lượng cứu dân

* Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, mưa lũ những ngày qua tại các tỉnh miền Trung đã làm 2 người chết (Quảng Bình), mất tích 1 người (do lũ cuốn trôi), bị thương 3 người, ngoài ra mưa lũ cũng khiến 16.736 nhà bị ngập. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa, Minh Hóa bị ngập sâu 1m dài khoảng 2 km.

Để giúp dân ứng phó với mưa lũ, các địa phương đã huy động 1.050 người (Bộ đội 378, Dân quân 732), 18 xe ô tô các loại, 18 tàu, xuồng các loại. Tổ chức di dời được 485 hộ dân ra khỏi khu vực ngập úng đến nơi an toàn. Ngày 1-11, tàu cá QB 98750 TS, gồm 6 lao động, do Nguyễn Tiến Dũng (SN 1993) làm thuyền trưởng, trên đường vào Cửa Gianh, tỉnh Quảng Bình bị sóng đánh chìm. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình điều 30 cán bộ, chiến sĩ và 2 ca nô ra hiện trường tìm kiếm cứu nạn, cứu được 6 người đưa vào bờ an toàn. Cũng trong ngày 1-11, tàu cá QB 98567 TS có 3 lao động do Nguyễn Hữu Dũng (SN 1993) làm thuyền trưởng trên đường vào Cửa Gianh, tỉnh Quảng Bình bị hỏng máy thả trôi. Biên phòng Quảng Bình điều 8 cán bộ, chiến sĩ tàu BP 07-12-02, kéo tàu bị nạn vào bờ an toàn. 

Lực lượng chức năng xã Thạch Lâm (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đưa người già đi tránh lũ.  Ảnh : TTXVN

Trời còn mưa, lũ còn lên

* Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai: Nhìn chung, các hồ chứa ở khu vực Bắc Trung Bộ đạt từ 70-90% dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ đã đạt mức 100% dung tích thiết kế, thậm chí vượt dung tích thiết kế. Các hồ có dung tích thiết kế hơn 100 triệu m3 thuộc Hà Tĩnh hiện đạt mức cao như: Kẻ Gỗ, Sông Rác. 6 hồ chứa đã đầy nước có cửa van đang vận hành xả lũ: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng sông Trí, Kim Sơn, Bộc Nguyên. 

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương: Lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang lên nhanh. Dự báo, lũ sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, Kiến Giang (Quảng Bình), sông Thạch Hãn (Quảng Trị) tiếp tục lên nhanh, nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng xảy ra tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) ngập sâu khoảng 1-2,5 mét. Ngoài ra, từ chiều 1-11, mực nước các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động (BĐ) BĐ2-BĐ3, có nơi trên mức BĐ3; các sông ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió đông trên cao nên từ ngày 1 đến 4-11 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm/đợt, riêng các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 300-500mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Sóng biển cao từ 2-3m.

Quảng Trị, Hà Tĩnh: Hơn 5.700 hộ dân chìm trong lũ

* Ngày 1-11, nước lũ dâng đột ngột khiến hơn 2.000 hộ dân của 5 xã, thị trấn của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản của người dân bị lũ nhấn chìm. Theo báo cáo nhanh của huyện Cam Lộ, mưa lũ đã làm 1 người mất tích, 1 người bị thương. Lực lượng chức năng đã triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn di chuyển người dân và tài sản của người dân đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại. 

Trước tình hình đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và hàng chục ca nô đã được huy động để tham gia cứu hộ, cứu nạn giải cứu người dân đang bị mắc kẹt đến nơi an toàn. Ông Ngô Quang Chiến, Chủ UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết: Huyện đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ di dời các hộ dân ở những nơi thấp đến nơi cao. Tuy nhiên nước lên nhanh, chỉ trong 1 giờ nước lên cao đến hơn 2m, hiện có 5 xã nằm trong rốn lũ. Hiện nay, ngoài chỉ đạo lực lượng vũ trang và lực lượng tại chỗ của địa phương, chúng tôi cũng đã đề nghị với công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sư đoàn 968, Quân khu 4 huy động lực lượng và phương tiện giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả sau lụt gây ra.

* Mưa lớn tiếp tục gây ngập lụt nhiều nơi tại tỉnh Hà Tĩnh, hơn 2.700 nhà dân ở 5 huyện, thị xã bị ngập nước. Điển hình là huyện Hương Khê có 1.116 nhà bị ngập sâu từ 1-2m. Tại thị xã Kỳ Anh có 547 nhà dân nước ngập từ 0,5-1m. Tại huyện Cẩm Xuyên có 885 nhà bị ngập sâu trong nước. Các trục đường giao thông liên xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và Sông Rác đang bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông... Ngày 1-11, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với mưa lũ. 

Tại các xã thuộc huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch và Thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), nước dâng cao làm hàng nghìn ngôi nhà bị ngập từ 1-3m.

Quảng Bình: Bộ đội biên phòng di dân đến nơi an toàn

* Mưa to tại Quảng Bình đã khiến hơn 5.000 nhà dân ngập nước, hệ thống giao thông, trạm xá, chợ, trường học, trụ sở làm việc của xã... trên địa bàn tỉnh bị ngập, một số nơi bị chia cắt cục bộ. Tại huyện Quảng Ninh có hơn 1.000 nhà, thị xã Ba Đồn có gần 1.200 nhà, Bố Trạch có hơn 150 nhà, Quảng Trạch hơn 1.000 nhà, huyện rốn lũ Tuyên Hóa có gần 2.000 nhà bị ngập (riêng ở thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân, xã Cao Quảng, thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa có 194 hộ bị cô lập).

Ngay trong sáng 1-11, lãnh đạo và đoàn công tác của huyện Quảng Ninh đã đi kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc công điện của tỉnh về phòng, chống và ứng phó với mưa lũ; đồng thời thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, cắt cử cán bộ, lực lượng trực 24/24 giờ nhằm hướng dẫn, giúp dân xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Riêng tại xã Trường Sơn, huyện chỉ đạo xã, huy động lực lượng cán bộ địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp về cắm chốt ở các bản, làng, thôn xóm để hướng dẫn giúp đồng bào và vật nuôi di dời đến nơi an toàn, đồng thời chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn cho các em.

Hiện các lượng lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã huy động phương tiện để đưa người dân từ nơi thấp trũng đến những vùng cao để tránh lụt. Thượng tá Trần Đình Thường, Chánh văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Khu vực các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn những ngày qua có lượng mưa rất lớn, lượng nước đổ về nhiều nên nhiều thôn, xã bị ngập và chia cắt. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chia ra nhiều đoàn sẵn sàng, thường trực để tiến hành di dân nơi vùng thấp trũng lên vùng cao bảo đảm an toàn cho người dân.

Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế: Ngập, sạt lở nhiều tuyến đường

* Mưa lớn trong mấy ngày qua trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My vào chiều 1-11 đã gây sạt lở nặng, khiến giao thông nhiều nơi bị gián đoạn cục bộ. Nước lũ dâng cao gây ngập sâu ngầm Sông Trường thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My khiến giao thông trên tuyến Quốc lộ 40B, đoạn từ Km 70-Km 84 bị đình trệ hoàn toàn.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty Cổ phần Công trình giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam điều động hàng chục phương tiện các loại và hàng trăm công nhân đến hiện trường để san ủi lượng đất đá bị sạt lở, khơi thông cống rãnh, bảo đảm giao thông thông suốt. Tuy nhiên do mưa lớn, ngầm Sông Trường bị ngập sâu nên công tác khắc phục hậu quả chưa triển khai được. Tại các điểm sạt lở trên Quốc lộ 40B, Công ty Cổ phần Công trình giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam và chính quyền địa phương bố trí lực lượng trực canh không cho người và phương tiện qua lại để phòng ngừa rủi ro.

* Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Thị Thu Hương cho biết, mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường ở thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông. Nhiều tuyến đường và nhà dân ở trung tâm huyện lỵ và các xã lân cận bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn; Công ty thủy điện Thượng Lộ; các đơn vị thi công Đường Hồ Chí Minh và các cơ quan đoàn thể… cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí trực ban 24/24 giờ; sẵn sàng di dời sơ tán người và tài sản đối với các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Tại huyện Phú Lộc đã xảy ra ngập lụt cục bộ, hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Lộc Trì 1, thuộc địa bàn xã Lộc trì, huyện Phú Lộc đã phải nghỉ học từ sáng ngày 1-11.

Hoãn  5 chuyến bay giữa Hà Nội - Thừa Thiên-Huế do thời tiết xấu

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do thời tiết xấu tại Thừa Thiên-Huế, để bảo đảm an toàn, hãng không khai thác 5 chuyến bay giữa Hà Nội - Thừa Thiên-Huế trong ngày 1-11. Để hỗ trợ hành khách bị ảnh hưởng,Vietnam Airlines sẽ miễn phí chuyển đổi hành trình đến và đi từ Thừa Thiên-Huế sang đến, đi từ Đà Nẵng, với điều kiện chuyến bay còn chỗ. Vietnam Airlines cũng khuyến nghị hành khách có kế hoạch đi lại từ Thừa Thiên Huế trong thời gian này nên thường xuyến theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết nhằm chủ động trong lịch trình.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn