Tương lai số và giảm thiểu phát thải cho ngành cảng biển Châu Á - Thái Bình Dương

HQ Online -

Từ ngày 24 đến 27/10 tại Thái Lan, Mạng lưới dịch vụ cảng biển châu Á - Thái Bình Dương (APSN) đã tổ chức kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập và chuỗi các hoạt động gồm: Diễn đàn phát triển cảng, phiên họp thường niên của Hội đồng cố vấn và Hội đồng thành viên lần thứ 15 của cảng biển APEC. 

Đại tá Bùi Văn Quỳ (thứ hai từ trái sang) chủ trì phiên họp

Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn cảng APEC, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á chủ trì phiên họp và diễn đàn.

Phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải là xu hướng tất yếu theo định hướng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, chuyển đổi số là xu hướng thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững không chỉ của ngành logistics, vận tải biển mà còn của nền kinh tế.

Chuỗi sự kiện thường niên của APSN năm 2023 với điểm nhấn quan trọng, đánh dấu cột mốc kỷ niệm 15 năm thành lập với các hoạt động gồm: Diễn đàn phát triển cảng hướng đến tương lai kỹ thuật số và công nghệ giảm phát thải; phiên họp thường niên của Hội đồng cố vấn lần thứ 12 và Hội đồng thành viên lần thứ 15 của cảng biển APEC.

Quang cảnh hội nghị

Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tăng cường hợp tác với các cảng thành viên trong khu vực APEC.

Đại tá Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong quá trình phát triển cảng biển hiện đại và chia sẻ: Để hướng tới tương lai số và phát triển xanh, cần phải đạt được những mục tiêu ngắn hạn và trung hạn: Khuyến khích các bên liên quan trong chuỗi cung ứng tham gia vào hệ sinh thái số và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiến đến thực hiện “thủ tục hàng hải một cửa” (Maritime Single Window) theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và "hành lang hàng hải xanh" (Green Maritime Corridor).

Theo thống kê về lượng khí thải CO2 vận chuyển quốc tế toàn cầu, ngành vận tải biển đang chiếm 10% lượng phát thải toàn cầu trong năm 2022 và có thể tăng đến 17% vào năm 2050 nếu không được kiểm soát. Trước thực trạng đó, việc triển khai các hành động nhằm hiện thực hóa cam kết mức phát thải ròng bằng “0” tại COP26 đã đặt ra vấn đề cấp bách cho các cảng APEC nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đạt được mục tiêu.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội đồng cố vấn đã thống nhất và đề xuất các định hướng sau:

Một là, xác định chủ đề chính cho diễn đàn năm 2024 là: “Hành lang hàng hải xanh (Green Maritime Corridor)” và “Thuận lợi hoá thương mại, thủ tục hàng hải một cửa (Trade facilitation and Maritime Single Window)”.

Hai là, tăng cường sự hợp tác giữa các cảng thành viên trong khối APEC như: Trao đổi và tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm từ các cảng hiện đại, tự động hoá, cảng xanh; hợp tác đào tạo và trao đổi chuyên môn với các trung tâm nghiên cứu, học viện và các trường hàng hải của các nền kinh tế thành viên với nhau.

Ba là, ngoài giải thưởng cảng xanh đang được thực hiện, đề xuất thêm các giải thưởng vinh danh cho cảng thông minh (Smart port) và các nhà khai thác cảng, công ty cung cấp dịch vụ logistics có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Các sự kiện về cảng biển APEC 2023 tại Thái Lan là một bước tiến quan trọng trong việc định hình tương lai chuyển đổi số và giảm phát thải của chuỗi cung ứng trong khu vực. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã chủ trì và đề xuất nhiều giải pháp tương lai số và phát triển cảng xanh, được các đại biểu và APSN đánh giá cao.

Tin, ảnh: Trúc Linh

 

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn