Tuổi 20 và những con tàu cảm tử

HQ Online -

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến công chống đế quốc Mỹ phong toả sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với những nhân chứng tham gia chiến công này. Đồng chí Trần Xuân Sắc, người lái con tàu cảm tử, nguyên chiến sĩ Tàu T150, Trung đoàn 171 Hải quân.  Tàu T150 được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ngày 9/5/1972, đế quốc Mỹ cho hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4... từ Hạm đội 7 ở Biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường xuống luồng Nam Triệu, Hải Phòng mở đầu cho cuộc phong tỏa sông biển miền Bắc lần thứ hai. Giao thông ra vào các cảng bị tê liệt, 26 tàu của Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc, Cu Ba... bị kẹt tại cảng Hải Phòng với hàng chục ngàn tấn hàng chưa kịp bốc dỡ và hàng trăm ngàn tấn hàng tồn đọng ở các kho bãi cảng không chuyển đi được. Các tàu đang ở phao số 0 không vào được cảng phải quay ra khơi. Tàu Hải quân chở hoa tiêu tìm đường để các tàu tìm vào các nơi trú đậu an toàn ở khu vực vịnh Hạ Long. Mỹ tuyên bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày để yêu cầu các tàu nước ngoài nhanh chóng rời khỏi các cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả.

Tác giả trò chuyện với đồng chí Trần Xuân Sắc. Ảnh: KB

3 tiếng sau khi Mỹ phong toả thuỷ lôi ở cửa Nam Triệu, đồng chí Trần Xuân Sắc và đồng đội được giao nhiệm vụ lái Tàu T150 chạy cảm tử trên vùng biển địch rải thuỷ lôi để mở đường. Khi ấy ngoài thuyền trưởng và cơ điện thì 7 người trên chiếc tàu đang ở tuổi 20. Họ lật chiếc yếm xanh trên áo thuỷ thủ để lấy bút sơn màu đỏ ghi tên mình cùng số hòm thư lên áo để nếu như họ không may hy sinh thì sẽ còn tên trên cổ áo. Họ đeo vào cổ tay 1 chiếc đèn pin. Đó là những động tác chuẩn bị cho lúc thuỷ lôi nổ, bị chìm xuống biển họ có thể nháy đèn cấp cứu. Chào cờ, hát quốc ca, đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam-nghi lễ đã xong và Tàu 150 lên đường băng qua khu vực địch thả thuỷ lôi xem nổ hay không nổ.

Vì sao Mỹ lại thả thuỷ lôi xuống Hải phòng? Sở dĩ Mỹ chọn rải thuỷ lôi ở cửa biển Nam Triệu, Hải Phòng là để ngăn tàu thuyền không ra khơi được, tiếp theo là ngăn sự viện trợ của các nước XHCN, để miền Bắc không tiếp tế, chi viện được cho chiến trường miền Nam. Đây là những nỗ lực của chính quyền Johnson tiếp sau chiến dịch Linerbacker 1 dùng B52 ném bom Hải Phòng để leo thang chiến tranh hòng gây sức ép cho đàm phán tại Hội nghị Paris và đối đầu với cuộc tiến công như vũ bão của ta trong xuân hè năm 1972 tại khắp các chiến trường.

Tàu T150 nặng 50 tấn chạy trên bãi lôi ra đến phao số 0 để xem thuỷ lôi có nổ không. Ăn chiều xong 5 giờ họ xuất phát, ra đến bãi lôi là trời tối, đèn biển đã tắt hết; ra đến phao số 0 là 2 giờ sáng và không thấy thủy lôi nổ. Tàu được lệnh cập mạn tàu Cu Ba đón 1 số đồng chí Biên phòng và Hải quân làm nhiệm vụ vào bờ. Tàu chạy về cảng là 5 giờ sáng, thủy lôi vẫn không nổ. Tàu may mắn thoát chết.

Sau chuyến đi đó, dựa vào nghiên cứu của các kỹ sư trong và ngoài quân đội thiết kế ra thiết bị khung dây điện từ (là sợi dây cáp điện bọc cao su có khả năng phóng từ phá thuỷ lôi) Xưởng X46 (nay là Nhà máy X46, Cục Kỹ thuật Hải quân) chế tạo ra khung dây từ để kéo trên bãi thủy lôi. Khung dây từ được kéo sau tàu để kích thuỷ lôi nổ ở phía sau. Tàu T150 được giao nhiệm vụ là chiếc tàu kéo dây từ đó. Chạy trên bãi lôi như đi giữa bãi mìn, con tàu đã nhiều lần kích lôi nổ. Lúc thuỷ lôi nổ, tàu như khựng lại, đất, cát, nước cao chục met trùm lên tàu. Con tàu bị cả quả núi nước nhấn chìm. Thường thì tàu bị nhấn chìm đuôi, mũi tàu hếch lên trời. Tất cả thuyền viên phải bám chặt vào tàu và người lái tàu thì phải nhắm mắt nhắm mũi giữ chặt tay lái giữ cho con tàu không bị lật nhào. Tàu T150 là tàu đầu tiên phá được thuỷ lôi MK52 ở cửa biển Nam Triệu.

Từ tháng 5-12/1972, Tàu T150 nhận nhiệm vụ đi ra phá thuỷ lôi. Ban ngày tàu không đi được vì có máy bay Mỹ rình rập trên đầu, phải neo đậu ở nơi trú tránh, đến 6 giờ tối mới đi phá thuỷ lôi, trước 3 giờ sáng là phải về. Về đến nơi thì các thủy thủ mới biết chắc mình còn sống.

Tháng 12/1972, tàu bị khu trục ngoài phao số 0 phát hiện và đuổi bắn. Tàu không chạy nhanh được vì đằng sau còn khung từ phá thuỷ lôi quá nặng và vướng. Kéo dây cáp là cả một thử thách lớn với thuỷ thủ. Họ học theo cách kéo pháo lên Điện Biên Phủ, mỗi nhịp kéo là một dịp hò dô đồng thanh. Có lần các chiến sĩ vừa nấu nồi chè mang ra ăn thì thuỷ lôi nổ. Chè cháo tung hết xuống biển. Nhưng chưa khổ bằng khi đứt dây cáp điện, phải mò mẫm tìm lại vũ khí để mai còn “cày cuốc”. Mỗi lần đi nhận nhiệm vụ như vậy là phải ở trên biển 5-7 ngày, Tàu 150 trọng tải nhỏ nên chỉ có thể mang theo được ít thực phẩm và nước ngọt. Cả đội rất ít khi được ăn rau xanh, chỉ ăn rau sấy khô và đồ hộp. Mỗi ngày chỉ được 1 ca nước để đánh răng, rửa mặt, 1 xô nước để tắm.

Niềm vui lớn nhất khi trở về đất liền của thuỷ thủ là được tắm thoải mái và được ăn rau. Với Trần Xuân Sắc là được đọc thư của mẹ. Có lần mẹ viết: “Mẹ mừng quá khi hay tin con còn sống vì trước nghe đồn con bị nổ tàu hy sinh rồi”.

Để những chuyến tàu được tự do ra khơi đánh cá, những chuyến hàng (đường) từ Cu ba tiếp tế cho miền Bắc, vũ khí từ nước bạn Liên Xô, Trung Quốc được cập cảng để rồi từ đó chuyển xuống Tàu Không số lên đường vào Nam, có đóng góp của những chuyến đi mạo hiểm kích nổ thuỷ lôi của các con tàu T150, T152, T154, T142…

Mặc dù khó khăn là vậy nhưng các thủy thủ đều quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bởi ai cũng tin rằng đất nước sẽ thống nhất, miền Nam nhanh chóng được giải phóng và mọi người sẽ được trở về với gia đình. Thứ hai là tuổi thơ của các anh không được đi cắm trại ở các bờ biển nên họ mơ ước con cháu sau này sẽ được vui chơi bên bờ biển. Tháng 6/1973 Trần Xuân Sắc được về thăm mẹ, ăn canh cua mẹ nấu rồi lại chào mẹ lên đường.

Quân chủng Hải quân nay đã lớn mạnh, đã có những con tàu hiện đại hơn nhiều năm xưa. Nhưng những câu chuyện tuổi 20 và những con tàu cảm tử sẽ còn được nhắc tới như những biểu tượng về trí thông minh và lòng dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hiện nay đồng chí lái tàu Trần Xuân Sắc đã trở thành bác sĩ phẫu thuật thần kinh sọ não và cột sống, chuyên gia điều trị cai nghiện ma tuý… Mới đây ông đã đi sang Mỹ, thăm nơi sản xuất ra những quả thuỷ lôi và bom từ trường và kể câu chuyện Tàu 150 cho nhiều người được biết trong chương trình Mở đường ra biển trên VTV1 phát sóng tối ngày 25/6/2023. Cuộc sống luôn có nhiều điều bất ngờ, nhất là cho những người sống sôi nổi như tuổi 20.

Tạ Bích Loan

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn