Tự tin khi thành thạo ngoại ngữ

HQVN -

Gần 20 giờ, không khí yên ắng bao trùm Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân. Từ các khu nhà ở, đông đảo cán bộ, chiến sĩ hồ hởi băng qua những khoảng sân hướng về hội trường của đơn vị. Với tác phong nhanh, gọn, tất cả cùng ổn định vị trí, sẵn sàng cho buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) ngoại ngữ.

“Chìa khóa” làm chủ VKTBKT

Buổi sinh hoạt của CLB hôm nay có chủ đề “Teammate”. Khởi đầu buổi sinh hoạt, 8 chiến sĩ trẻ cùng nhau trình bày một ca khúc bằng tiếng Anh hâm nóng bầu không khí hẳn lên. Do quân số đông nên tổ chuyên trách CLB đã chia đều số người tham gia thành 4 đội và bắt đầu bước vào phần thi tìm từ vựng và phát âm. Đến lượt đội nào mà không tìm được hoặc phát âm sai sẽ bị phạt bật ếch 15 lần. Tiếp đó mỗi đội cử một thành viên đại diện trình bày bài thuyết trình về “đồng đội”. Cuối cùng đội nào tìm được nhiều từ và có bài thuyết trình tốt hơn chiến thắng.

Chiến sĩ Lữ đoàn 679 biểu diễn ca khúc tiếng Anh

Cùng chúng tôi dự buổi sinh hoạt, Trung tá Phạm Văn Hữu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn cho biết: Lữ đoàn quản lý, khai thác khối lượng lớn VKTBKT bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện và SSCĐ. Để khai thác hệ thống vũ khí, trang thiết bị này, một trong những yêu cầu quan trọng đối với cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị là phải thông thạo ngoại ngữ. Từ thực tế đó, Lữ đoàn đã có nhiều giải pháp nâng cao trình độ ngoại ngữ cho bộ đội. CLB này là một minh chứng cụ thể cho những nỗ lực “phủ” ngoại ngữ của đơn vị. Ban đầu, thành phần tham gia chủ yếu là những người dưới 35 tuổi.

CLB thành lập từ tháng 4/2021, sinh hoạt định kỳ vào 20 đến 21 giờ tối thứ 5 của tuần thứ 3 hàng tháng, với mục đích xây dựng môi trường để bộ đội sử dụng ngoại ngữ. Đặc biệt, CLB còn giúp cán bộ, chiến sĩ làm quen với cách hoạt động nhóm, trao đổi kinh nghiệm về học tập một cách hiệu quả, phát triển kĩ năng nghe-nói tiếng Anh, tiếng Nga một cách tự nhiên, hào hứng. Đồng thời, thông qua các hoạt động để tạo sân chơi lành mạnh, sôi nổi và bổ ích.

Thiếu úy QNCN Nguyễn Viết Cường, Kỹ thuật viên Trạm Kỹ thuật kể: Trước đây, tôi đã được học tiếng Anh, có kiến thức nền nhưng lâu không sử dụng nên quên dần. Qua các buổi sinh hoạt của CLB, tôi dần nhớ và nắm lại kiến thức. Tôi luôn cố gắng nói thật nhiều để có sai cũng được sửa. Giờ tôi thấy tự tin hơn khi đứng trước tập thể”.

Còn Binh nhất Vân Xuân Thắng, Chiến sĩ Trung đội Cảnh vệ, Phòng Tham mưu chia sẻ: Trong các buổi sinh hoạt, tôi cố gắng ghi chép lại những từ mới. Tranh thủ những khi rảnh rỗi tôi tự ôn lại từ vựng, tập đặt câu và thực hành nói với đồng đội. Nhờ đó, trình độ tiếng Anh của tôi được cải thiện dần.

Lan tỏa sâu rộng

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phong trào học ngoại ngữ tại Lữ đoàn đã có từ nhiều năm nay. Nhưng khi thực hiện hướng dẫn của Ban Thanh niên Quân đội về việc phát động, tổ chức thực hiện phong trào học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 thì phong trào có nền nếp và quy củ hơn với 1 CLB, 5 tổ học tập (3 tiếng Nga và 2 tiếng Anh) tại 4 đội, trạm và khối cơ quan.

Các tổ chuyên trách do chính trị viên quyết định, số lượng từ 3 đến 5 đồng chí, có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, chương trình học tập, thực hành các kỹ năng ngoại ngữ cho thành viên trong tổ…

Tổ học tập tiếng Nga của Trạm Kỹ thuật

Thượng úy Trần Ngọc Vương, Chính trị viên phó Trạm Kỹ thuật, phụ trách tổ học tập tiếng Nga tại Trạm cho biết: Việc học ngoại ngữ ở đơn vị quân đội có một số khó khăn nhất định như: Thời gian hạn hẹp, việc rèn luyện các kỹ năng hạn chế… Để khắc phục những điều ấy, giảng viên sẽ hệ thống lại kiến thức từ luyện âm, từ vựng, ngữ pháp đến thực hành giao tiếp; đặc biệt chú trọng việc lồng các từ vựng về chuyên ngành. Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp tạo môi trường giao tiếp, thực hành ngoại ngữ ngay trong các giờ làm việc trực tiếp với vũ khí, trang bị…

Dần dần các tổ, CLB thu hút đông đảo sĩ quan, QNCN và chiến sĩ tham gia với phương châm “người biết dạy người chưa biết”, “người biết nhiều dạy người biết ít”, “thế hệ trước dạy cho thế hệ sau” và “lấy tự học làm chính”.

Đại úy Nguyễn Văn Đồng, Ngành trưởng Ngành Vô tuyến điện, Trạm Thông tin-ra đa, từng học ở Nga, thường xuyên tham gia bổ túc tiếng Nga cho đồng đội tiết lộ: Đối với các bạn trẻ thì học dễ dàng hơn. Còn những người lớn tuổi một chút thì học ngoại ngữ khởi đầu sẽ rất vất vả nhưng các anh, các chú vẫn rất chịu khó. Chỉ 3 tháng sau là đã thoát ra được sự ngại ngùng, chủ động tìm hiểu và yêu thích ngoại ngữ hơn.

Đánh giá về phong trào, Đại tá Phùng Đức Cường, Lữ đoàn trường khẳng định: “Đây là một phong trào lớn, có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong thời đại 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; cũng là một sự cụ thể hóa trong đẩy mạnh Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; là một điểm nổi bật góp phần giúp đơn vị làm chủ trang bị, khí tài để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn sẽ tiếp tục theo dõi, rút kinh nghiệm, đẩy mạnh phong trào hơn nữa. Lữ đoàn sẽ phối hợp với các tổ chức quần chúng ở địa phương, đơn vị kết nghĩa, nhà trường, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ được giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ”.

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn