Truyện ngắn: Thắm sắc đào Xuân

HQVN -

Mấy hôm nay không khí lạnh tăng cường; bầu trời âm u, rét đậm. Chẳng còn bao lâu nữa là hết năm. Cả làng hoa ven đô tất bật vào vụ. Những gia đình trồng đào như nhà cô Thủy bắt đầu cẩn trọng tuốt lá chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, ra nụ của đào. Ai ai cũng đang mong chờ một mùa đào bội thu.

Hôm nay, cô quyết định nghỉ một buổi làm để dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị Tết và đón khách đặc biệt đến chơi. Tối qua, nghe con gái đi làm về khoe: “Mẹ ơi, “cá heo” sắp vào bờ rồi, mẹ chuẩn bị tinh thần nhé!”. Nghe con gái thông báo vậy mà lòng cô Thủy rạo rực suốt đêm. Sáng sớm, khi Trang vừa dắt xe đi làm thì cô cũng xắn tay vào việc. Ban đầu cô định chờ đến chủ nhật này cái Trang được nghỉ thì hai mẹ con mới làm nhưng suy đi tính lại, phần vì muốn mọi việc xong càng sớm càng tốt, phần vì thương con gái, muốn để cho nó nghỉ ngơi nên cô quyết tâm làm luôn.

Tất bật suốt một ngày, cuối cùng đến tối mịt thì công việc cũng khá tươm tất. Nhà cửa, sân vườn sạch sẽ. Các vật dụng trong nhà đều được cô lau chùi, cọ rửa tỷ mẩn từ bộ lư đồng trên ban thờ đến bộ bàn ghế, giường tủ, xoong, nồi, chén bát. Vỏ chăn, ga, gối nệm cô cũng cho hết vào máy giặt rồi sấy một cách thơm tho như mới. Ngắm nhìn thành quả của một ngày lao động cật lực mà cô cảm thấy rộn niềm vui trong lòng. Chỉ vậy thôi mà không khí Xuân dường như đã về đến ngôi nhà của mình rồi. Chắc tý nữa cái Trang đi làm về sẽ bất ngờ lắm đây.

Về hưu được vài năm nay, cô Thủy tiếp tục làm nghề mà đại gia đình cô đã theo đuổi bao đời nay. Nhiều người bảo, bao năm đứng lớp dạy học rồi, bây giờ về nghỉ ngơi, đi đây đi đó cho thỏa thích chứ “làm đào” làm gì nữa cho thêm mệt. Nghe vậy cô Thủy chỉ cười và vẫn mải miết chăm chút những gốc đào thân yêu của mình. Về kinh tế hiện giờ cũng không phải lo nghĩ nhiều nhưng cô làm nghề là vì tình yêu, vì niềm đam mê với cái nghiệp của cha ông để lại. Ngôi nhà giờ có hai mẹ con ở, thằng Tú thì ở xa, cái Trang đi làm suốt ngày nên khá trống trải. Chồng cô trước đây là chủ một vườn đào có tiếng của vùng này nhưng cách đây bảy năm, chú đột ngột qua đời sau một cơn đau. Sự ra đi của người chồng để lại hai đứa con còn đang tuổi ăn tuổi học khiến cô lao đao suốt một thời gian. Diện tích vườn đào cô cũng phải cắt ra cho anh em bên chồng làm giúp, mình cô chỉ giữ lại hai sào để làm. Làm để vừa lưu giữ những ký ức với người chồng thân yêu của mình, vừa được lao động chân tay mà lại có thêm thu nhập cho cuộc sống.

Theo như dự kiến, khoảng hơn nửa tháng nữa, khi Bình vào đến đất liền và đi phép, về quê xong, gia đình cậu ấy sẽ từ Thái Bình ra đây để có một buổi gặp mặt hai bên, gọi là xin phép để cho hai đứa đi lại. Nghĩ đến chuyện tình yêu của Bình và Trang, cô Thủy thỉnh thoảng lại bảo với con gái. May mà mẹ không bị đau tim chứ nếu không thì sẽ không chịu nổi những bất ngờ như tiểu thuyết trinh thám này đâu. Quả thật, cuộc đời đem đến cho cô quá nhiều điều bất ngờ, mà điều đặc biệt lại ở chỗ, sự bất ngờ đó đều có mặt các thành viên của gia đình cô. Và chắc hẳn, gia đình của Bình cũng vậy. Có thể đó là sự sắp đặt của số phận, của cuộc đời này chăng???

***

Quân cảng Cam Ranh một ngày tháng 5.

Khi bình minh vừa thức dậy, ánh nắng non nớt chiếu lên mặt biển thì cũng là lúc con tàu 571 kéo ba hồi còi trầm đục rời cảng để ra với huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ra khỏi cửa vịnh, cảnh sắc bỗng nhiên mở ra rộng lớn đến ngỡ ngàng. Con tàu vẫn cắt sóng tiến đi. Cô Thủy cùng nhóm người đứng trên boong tàu ngắm cảnh và không khỏi xuýt xoa vì được đi trên con tàu lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại. Con tàu như một sứ giả của tình yêu, như sợi chỉ hồng nối đất liền với đảo xa. Đây là chuyến tàu đặc biệt đưa hơn một trăm thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại huyện đảo Trường Sa ra thăm người thân của mình. Khó có thể nói hết niềm vui của những người bố, người mẹ, người vợ khi biết tin mình có tên trong danh sách của đoàn đi Trường Sa bởi hai năm mới có một chuyến tàu như vậy. Đợt này cô Thủy ra thăm Tú- cậu con út đang là chiến sĩ Hải quân công tác ở đảo An Bang.

Một con sóng dềnh lên, cô Thủy cảm thấy mệt nên xin phép mọi người về phòng nghỉ trước. Thú thực, giờ đây trong lòng cô đang ngập tràn cảm xúc lâng lâng khó tả. Phần vì sắp được gặp lại cậu con trai sau hơn một năm xa cách, phần vì tâm trạng cô chưa thể trở lại bình thường bởi cuộc gặp gỡ bất ngờ hôm qua đã gợi lên trong cô bao nhiêu là kỷ niệm. Cả đêm qua cô chẳng thể nào ngủ được vì những suy nghĩ ngổn ngang chất chứa trăm bề.

Đầu giờ chiều qua, cô tình cờ gặp lại chú Thuận ngay trong hội trường Khách sạn Trường Sa. Đây là nơi tập hợp toàn bộ thân nhân cho chuyến thăm đảo. Các thân nhân có mặt đông đủ để nghe các thông tin về chuyến đi và làm nốt những thủ tục cuối cùng cho chuyến hải trình dài hơn một ngàn hải lý vào sáng sớm hôm sau. Trước khi lên tàu, toàn bộ thân nhân đều được kiểm tra sức khỏe lần cuối để quyết định có tham gia chuyến đi được hay không. Thật may mắn, cô Thủy đã vượt qua được môn “sát hạch” này.

Giây phút đầu tiên nhận ra nhau, cả hai người không khỏi ngạc nhiên và bối rối. Cả cô Thủy và chú Thuận đều không ngờ họ lại gặp nhau ở đây sau ba mươi năm bặt tin nhau.

- Đúng là trái đất tròn và quá nhỏ bé phải không Thủy?- Chú Thuận mỉm cười nhìn cô.

- Em quá bất ngờ đấy anh Thuận ạ. Em ra thăm cháu út là chiến sĩ ở An Bang. Còn anh?- Cô Thủy giọng vẫn chưa hết run, bàn tay nhỏ nhắn của cô vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay rắn rỏi của chú Thuận.

- Con trai đầu của anh ở Đá Lát, vậy chúng ta là bạn đồng hành rồi!

Hai ánh mắt nhìn nhau rồi lại lướt nhanh qua chỗ khác, cô Thủy vội rút bàn tay của mình lại rồi nói:

- Thời gian còn dài, chúng ta sẽ nói chuyện sau anh nhé. Giờ ta vào trong kia để nghe phổ biến nội quy, đi thôi anh!

Con tàu vẫn dập dềnh theo từng nhịp sóng, người cô Thủy cũng lắc lư theo nhịp đu đưa của chiếc giường. Nằm một chỗ vì mệt nhưng cũng nào có ngủ được đâu, trong đầu cô hiện lên biết bao hình ảnh xen lẫn cảm xúc khó tả. Vừa lo lắng, bồn chồn vừa mong ngóng, nôn nao. Vài ngày nữa đây, khi được gặp con ngay khi chiếc xuồng vừa cập đảo, không biết lúc đó mình có bật khóc vì hạnh phúc và vui mừng không nhỉ? Không biết cu cậu có đen hơn nhiều không? Hết nghĩ mông lung về con xong cô Thủy lại nhớ lại cuộc gặp chiều và tối qua với chú Thuận. Những ký ức của một thời xa xăm lại ùa về bên cô…

Ngày đó, cô Thủy là sinh viên của trường cao đẳng sư phạm. Là con gái của làng hoa nhưng bố mẹ cũng muốn cho con cái thoát ly, làm “người nhà nước”, còn làm nghề chỉ là phụ thôi. Với học lực của mình cộng với vẻ ngoài xinh xắn, thùy mị, đã có không ít chàng trai đến “trồng cây si” trước cửa nhà cô. Năm học thứ hai, thời điểm đó, phong trào viết “thư tọa độ” hết sức nở rộ. Học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước đều viết thư gửi các chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa. Cô Thủy và chú Thuận quen nhau trong hoàn cảnh như vậy. Chú Thuận lúc đó là sĩ quan thông tin, tuổi cũng ngấp nghé ba mươi nhưng vẫn “phòng không”. Cứ thế, những “cánh thư về từ đảo xa” và ngược lại đều đặn trong hai năm trời đã đem tình yêu đến với hai người. Cô Thủy cảm phục và yêu chú Thuận bởi tính chân thành, dù vất vả, hiểm nguy nhưng vẫn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Còn với chú Thuận, hình ảnh một cô giáo tương lai với nét nhu mì, biết cảm thông và chia sẻ đã chiếm trọn trái tim của người lính nơi miền bão tố.

Khi cô Thủy tốt nghiệp ra trường, trở về nhận công tác ở một ngôi trường gần nhà được hơn một năm thì chuyện tình yêu của hai người đã gặp trở ngại lớn. Một lá thư dài mấy trang giấy được cô Thủy gửi cho người yêu phương xa đã kể hết sự tình. Thực sự gia đình cô rất tôn trọng tình cảm của con gái, mọi người cũng đã được gặp chú Thuận khi chú về phép và ra chơi với gia đình. Mặc dù có cảm tình với người lính biển nhưng bố mẹ cô đều mong muốn con gái mình lấy một người trong làng, vừa gần gũi gia đình, vừa có điều kiện gìn giữ nghề truyền thống bao đời nay mà cả dòng họ đang làm. Mưa dầm thấm lâu, dù cũng muốn bảo vệ tình yêu của mình nhưng rồi cô cũng đã phải nghe theo lời khuyên của gia đình. Chú Thuận thì ở quá xa, những cánh thư là phương tiện duy nhất để liên lạc giữa hai người cũng dần vơi đi. Cả hai người đều rất nuối tiếc nhưng rồi cũng đành chấp nhận sự thật và hứa luôn giữ những ký ức, những hình ảnh đẹp về nhau. Thời gian cứ thế trôi đi, mỗi người cũng đều có cuộc sống, gia đình riêng của mình. Lá thư cuối cùng mà cô Thủy gửi cho chú Thuận cách đây ba mươi mốt năm. Đó là lá thư cô mời chú sắp xếp về Bắc để dự đám cưới của mình. Biết hoàn cảnh xa xôi cách trở, không về được, chú Thuận chỉ biết gửi lời chúc mừng chân thành nhất và mong cho cuộc sống của hai người luôn hạnh phúc, bình an…

***

- Đúng là trái đất tròn và quá nhỏ bé phải không Thủy? Câu nói của anh trong lần gặp nhau tại Cam Ranh em vẫn nhớ đấy, anh Thuận ạ!

- Thủy nhớ kỹ thế!

- Nhớ chứ, câu nói đó một lần nữa lại đúng một cách tuyệt đối, phải không anh?

- Chúng ta đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Quả thật, anh không nghĩ có những sự trùng hợp đến kỳ lạ như vậy đâu Thủy ạ!

- Em cũng vậy. Ai đó đã từng nói, cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ…

- … Nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình thương yêu…!

- Ối, anh vẫn còn nhớ câu nói đó sao?

- Đây là câu em viết trong lá thư thứ hai mươi mốt gửi cho anh!

- Đến đây thì em xin thua anh rồi đấy, thưa đồng chí Đại tá cựu chiến binh ạ!

- Vâng, cô giáo quá khen!

- Không phải!

- Vậy phải gọi thế nào cho đúng nhỉ?

- Bây giờ phải gọi là bà thông gia dần đi cho quen, ông nhé!

Những dòng tin nhắn thông qua ứng dụng zalo mà cô Thủy và chú Thuận gửi cho nhau làm cho hai người cảm thấy trẻ trung hơn nhiều. Và quan trọng hơn, cả hai đã quen dần với tình huống mà họ gặp phải chưa hề có trong suy nghĩ của mình. Hóa ra, người yêu của Trang lại là Bình, con trai của chú Thuận. Cô Thủy đã mấy lần gặng hỏi cái Trang rằng hai đứa chúng mày quen nhau như thế nào? Tại sao một đứa ở ngoài Bắc, một đứa ở tít trong Nam lai quen nhau, yêu nhau được cơ chứ? Nghe mẹ hỏi mà Trang phì cười. Trang rúc đầu vào người mẹ rồi trả lời bằng giọng tưng tửng: “Thời của thư tọa độ mà người ta còn yêu được nhau thì thời buổi công nghệ thông tin, mạng xã hội bùng nổ như thế này sao lại không hả mẹ!”. Con bé nói xong còn ngước lên nhìn mẹ nó cười rúch rích như cố ý trêu đùa. Cô Thủy lấy tay di di vào trán Trang vừa nói át đi nhưng cũng có vẻ như muốn chữa thẹn cho mình: “Các anh các chị là ghê gớm lắm đấy nhé, cứ toàn bỏ bom làm chúng tôi nghẹt thở mất thôi!”. Trang kể, chúng con quen nhau khi anh Bình còn công tác trong bờ, một năm sau thì anh ấy ra đảo. Con và anh Bình cũng mới biết chuyện mẹ và bác Thuận là bạn cũ của nhau. Cả hai chúng con ban đầu cũng hết sức bất ngờ vì mối quan hệ này, không ngờ có nhiều điều trùng hợp thật ngẫu nhiên trong cuộc sống. Nhưng mẹ biết không, con và anh Bình rất lấy làm vui và hãnh diện vì điều đó bởi số phận đã sắp đặt để gia đình ta và gia đình anh ấy được gần gũi nhau. Chúng con rất trân trọng tình cảm của mẹ và bác Thuận đã từng dành cho nhau. Anh Bình bảo với con, mẹ anh ấy cũng đã biết chuyện tình cảm của mẹ và bác Thuận từ ngày hai người mới cưới nhau, bác Thuận đã kể hết rồi. Giờ biết hai gia đình ta sắp thành thông gia của nhau, bác ấy cũng vui lắm đấy. Đúng là không trượt phát nào mẹ nhỉ??!!

Câu nói của Trang làm cô Thủy cười phá lên. Ánh mắt cô nhìn con gái với vẻ mãn nguyện, trong khóe mắt hình như có giọt nước long lanh. Cả hai mẹ con chìm dần vào giấc ngủ đêm muộn.

Ngoài kia, những cành đào bắt đầu hé nụ, e ấp sắc Xuân trong làn mưa mỏng rơi rơi…

Mạnh Thường

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn