Trực thăng Ka-29: Phương tiện chiến đấu “mới hồi sinh” của Hải quân Nga

Trực thăng vận tải-tấn công Ka-29 được Liên Xô tạo ra vào những năm 1970, đã được Hải quân Nga hiện đại hoá và đang quay trở lại phục vụ trong các lực lượng vũ trang.

Trực thăng chống ngầm do Liên Xô chế tạo

Nhằm chống lại tàu ngầm của đối phương và tiến hành các hoạt động cứu hộ trên biển, Liên Xô đã quyết định chế tạo trực thăng chiến đấu đa năng Ka-29 dựa trên cơ sở trực thăng Ka-27. Ban đầu phương tiện này được đặt tên là Ka-27TB, do kiến trúc sư trưởng Sergei Fomin phụ trách vào năm 1973. Sau đó, nguyên mẫu đầu tiên đã bay lên bầu trời vào mùa hè năm 1976.

Vào tháng 5-1979, trực thăng Ka-29 được khuyến nghị đưa vào sản xuất. Nhưng quá trình sản xuất hàng loạt chỉ được bắt đầu vào năm 1980. Theo đó, trực thăng đa năng này được trang bị cho các tàu đổ bộ cỡ lớn thuộc Đề án 1174, ngoài ra, chúng trở thành một phần của các nhóm tuần dương hạm mang máy bay chiến đấu của quân đội Liên Xô.

Trực thăng Ka-29: Phương tiện chiến đấu “mới hồi sinh” của Hải quân Nga

Trực thăng Ka-29 là vũ khí chống ngầm do Liên Xô chế tạo. Ảnh: Mil.ru 

Trực thăng Ka-29 là phương tiện vận tải và chiến đấu phổ thông được chế tạo theo thiết kế 2 cánh quạt đồng trục. Thân máy bay hoàn toàn bằng kim loại, thuộc loại nửa liền khối, với kích thước hình học nhỏ gọn. Ka-29 được trang bị hệ thống cánh quạt gấp, đồng thời bộ hạ cánh được thiết kế đặc biệt để cất cánh và hạ cánh trên boong. Các cánh quạt có kích thước phù hợp với khung máy bay theo chiều dài, chiều cao và chiều rộng. Buồng lái nằm ở khung đầu tiên, còn khoang chở hàng được bố trí phía sau. Sàn và bộ nguồn của trực thăng tạo thành khoảng chứa các bình nhiên liệu.

Ka-29 được trang bị 2 động cơ tuốc bin TV3-117KM, đạt công suất 1.700 mã lực. Trực thăng được trang bị hệ thống chữa cháy tự động và các bình chữa cháy cầm tay để dập tắt các đám cháy trong buồng lái.

Về đặc điểm kỹ thuật, Ka-29 có chiều dài 11,6m, chiều cao 5,4m, trọng lượng cất cánh tối đa là 11.500kg. Ka-29 có thể đạt tốc độ tối đa là 280km/giờ. Phạm vi hoạt động 180km, trần bay thực tế  đạt 5.000m. Phi hành đoàn điều khiển trực thăng gồm có 2 người: phi công và người điều hành.

Buồng lái Ka-29 có giáp bảo vệ theo tiêu chuẩn của trực thăng tấn công trước loại đạn 7,62mm. Ngoài ra, hệ thống PKV-252 cho phép điều khiển trực thăng bay tự động và bán tự động. Tổ hợp dẫn đường NKV-252 gồm la bàn vô tuyến, hệ thống định vị đèn hiệu vô tuyến, máy đo tốc độ Doppler và máy đo độ cao vô tuyến. Ka-29 có thể vận chuyển hàng hóa lên đến 4 tấn.  

Là một máy bay trực thăng hỗ trợ hỏa lực cho tấn công đổ bộ, Ka-29 là máy bay đặc biệt không đối thủ tương xứng tại thời điểm nó được chế tạo ra. Trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, máy bay trực thăng vận tải hạng trung UH-1Z có sự tương đồng về hầu hết các đặc điểm, nhưng kém hơn nhiều về vũ khí trang bị. Khả năng tấn công của Ka-29 tương đương với trực thăng tấn công AH-1Z Viper phục vụ cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Hồi sinh phương tiện chiến đấu đa năng

Những chiếc máy bay K-29 gần như được đưa vào diện cắt giảm khi Hải quân Nga có kế hoạch thay đổi thành phần hạm đội cách đây không lâu. Tuy nhiên, Nga sau đó đã ký hợp đồng với Pháp về việc cung cấp 2 tàu tấn công đổ bộ đa năng lớp Mistral. Theo kế hoạch, mỗi tàu đổ bộ này sẽ trang bị tối đa 16 máy bay trực thăng. Số lượng và thành phần của chúng phụ thuộc vào các nhiệm vụ được đặt ra.

Cụ thể, Hải quân Nga lên kế hoạch thành lập 2 nhóm không quân, với khoảng 30 trực thăng Ka-52K Katran và Ka-29. Nhờ đó, chất lượng của Ka-29 cũng được cải thiện, nhằm thích ứng với các nhu cầu của hải quân và phù hợp với dự án tàu đổ bộ Mistral.

Trực thăng Ka-29: Phương tiện chiến đấu “mới hồi sinh” của Hải quân Nga

Trực thăng Ka-29 đáp xuống boong tàu chiến của Nga. Ảnh: Mil.ru 

Những chiếc trực thăng chiến đấu này sau đó được đại tu. Các bộ phận cánh quạt, động cơ và hộp số đã được sửa chữa. Đồng thời, được trang bị lại hệ thống vũ khí hiện đại và một số thiết bị tác chiến điện tử.

Mặc dù hợp đồng cung cấp tàu đổ bộ Mistral từ Pháp sau đó thất bại, Ka-29 đã được hiện đại hoá và thực hiện nhiệm vụ trong hạm đội của Nga. Theo đánh giá của các chuyên gia, Ka-29 hiện có khả năng hỗ trợ tấn công đổ bộ trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Khoang máy bay có sức chứa 16 lính thủy đánh bộ, với đầy đủ trang bị và vũ khí tiêu chuẩn. Nếu cần, Ka-29 cũng có thể trở thành phương tiện cứu thương, sơ tán hàng chục người bị thương trên tàu.

Việc sử dụng những chiếc trực thăng Ka-29 trong các cuộc tập trận chiến thuật quy mô lớn trong những năm gần đây cho thấy, xét về chức năng vận tải và hỏa lực trong các hoạt động ngắn hạn, Ka-29 có nhiều ưu điểm hơn so với lớp trực thăng Mi-24. Ví dụ, Ka-29 đã vượt qua Mi-24 về khả năng tải thẳng đứng và trần bay. Hơn nữa, tải trọng đạn và súng máy của Ka-29 tương đương với Mi-28 và Ka-52 đời mới nhất. Chúng cũng có trang bị tên lửa dẫn đường, vũ khí hạng nhẹ và bom.

Trong kho vũ khí của Ka-29 có 1 súng máy  nòng cỡ 7,62mm. Ở phía bên thân máy bay trang bị một khẩu pháo 2A42 30mm, tương tự như loại được sử dụng trên Ka-50 và BMP-2. Cơ số đạn của nó là 250 viên. Phi công sử dụng ống ngắm ASP-17VK để nhắm bắn mục tiêu. Không giống như ống ngắm K-10T, nó được kết hợp với máy đo laser và máy tính đường đạn tự động, tạo ra các góc dẫn và cả chuyển động mục tiêu.

Hệ thống ngắm bắn cho phép phi công phát hiện, nhận biết mục tiêu và nhắm bắn tên lửa. Trong kho vũ khí của trực thăng Ka-29 còn xuất hiện các tổ hợp chống tăng Shturm-B, được trang bị tên lửa dẫn đường siêu thanh với tầm phóng lên tới 5km và dẫn đường qua kênh vô tuyến. Nó cũng có thể treo các tên lửa không điều khiển 57mm S-5 (tối đa 128 tên lửa) hoặc tên lửa S-8 80mm (tối đa 80 tên lửa). Ngoài ra, trực thăng có thể mang bom cháy nặng nửa tấn.

Ka-29 rất hiệu quả trong việc hỗ trợ tấn công cho các hoạt động của lực lượng thủy quân lục chiến. Nếu cần thiết, những cỗ máy này có thể là một phần sức mạnh của các nhóm tàu chiến tấn công đường không. Điều này đã được thể hiện trong cuộc tập trận quy mô lớn “Zapad-2021” gần đây của Hải quân Nga.

Theo các chuyên gia, mỗi hạm đội của Nga sẽ được trang bị các phân đội trực thăng Ka-29, từ 4 đến 8 phương tiện chiến đấu. Ka-29 có thể được tham gia các chuyến đi dài ngày trên các tàu chống ngầm lớn thuộc Dự án 1155 (loại tàu thể hiện rất tốt trong các hoạt động chống khủng bố và chống cướp biển). Ngoài ra, Ka-29 có thể trang bị cho các tàu tuần tra thuộc Đề án 22160 Dmitry Rogachev và các khinh hạm mới có sàn chở trực thăng khác.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn