TP.Hải Phòng: Hướng đến đảm bảo sức khỏe người dân vùng biển, đảo

HQVN -

Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317). Đề án đã mang lại những thay đổi trong chăm sóc sức khoẻ người dân vùng biển, đảo.Thực tế ở Bạch Long VỹBạch Long Vỹ là huyện đảo tiền tiêu nằm chính giữa Vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế biển. Huyện đảo cách đất liền khoảng 140 km. Dân số ở đây biến động từ 2 đến 2 nghìn người bao gồm cả ngư dân thường trú và tạm trú. Ngoài ra, trên Vịnh Bắc Bộ có hàng nghìn tàu cá tương ứng với 3 đến 5 nghìn ngư dân của các tỉnh ven biển cả nước tham gia khai thác thủy hải sản trên ngư trường quanh đảo. 

Số lượng ngư dân tạm trú đột ngột tăng cao khi có bão, gió mùa nên nhu cầu chăm sóc y tế là rất lớn. Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vỹ là bệnh viện tuyến đảo xa bờ nhất của thành phố Hải Phòng, là cơ sở y tế dân sự duy nhất trên đảo đảm nhiệm chức năng khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân huyện đảo và ngư dân. Đây là bệnh viện khám chữa bệnh miễn phí hoàn toàn.  Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vỹ chia sẻ: qua khám chữa bệnh sàng lọc cho thấy bệnh phổ biến trên đảo gồm bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các tai nạn thương tích, sang chấn, giảm áp (liên quan đến đặc thù nghề biển). Được sự quan tâm Trung ương và địa phương, thời gian qua, cơ sở y tế ở đảo đã được cải thiện đáng kể về nhân lực, trang thiết bị để đáp ứng phần nào việc khám, chữa bệnh cho quân và dân.

Từ năm 2012 đến 2015, Bệnh viện đã khám chữa bệnh cho 9.136 lượt bệnh nhân, 26 ca mổ cấp cứu, 352 ca mổ tiểu phẫu, trở thành địa chỉ tin cậy, hỗ trợ đắc lực về y tế cho nhân dân trên đảo cũng như ngư dân toàn quốc tham gia đánh bắt hải sản tại Vịnh Bắc Bộ.Kết quả ban đầu của Đề án 317Trong hơn 2 năm qua, Trung ương và Thành phố Hải Phòng đã bố trí nguồn kinh phí hơn 260 tỷ đồng cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế huyện đảo và y tế ven biển.

Hải Phòng hiện có 5 bệnh viện và 3 trung tâm y tế ở các xã đảo và ven biển được đầu tư, nâng cấp, đưa vào sử dụng; 5 trung tâm y tế vùng biển đảo đang được đầu tư xây dựng. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố đều đủ điều kiện xử lý các trường hợp cấp cứu từ biển, đảo chuyển về... Thành phố cũng đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 317, triển khai xuống cơ sở từ rất sớm. Tính đến nay, ngành y tế phối hợp với các ngành mua hơn 500 tủ thuốc tặng ngư dân thuộc các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn thành phố...

                   Trao tặng tủ thuốc cho các chủ tàu ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên.

                                                                                                                                Ảnh: Quang Dũng

 

Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án cũng nảy sinh một số khó khăn như: trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo thiếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt; nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo còn khó khăn, chưa có đủ đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển...Để phát triển bền vữngTheo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học biển Việt Nam, thời gian tới, Hải Phòng cần xây dựng mô hình y tế khám chữa bệnh từ xa tại huyện đảo Bạch Long Vỹ; khẩn trương sát nhập Bệnh viện đa khoa huyện đảo Bạch Long Vỹ với hệ thống quân dân y trên đảo để thành lập Trung tâm Y tế quân dân y; tập huấn sơ cứu cho ngư dân.

Đặc biệt, Hải Phòng nên đi đầu cả nước trong việc đóng mới tàu biển đa năng, chịu được sóng trên cấp 8, có chức năng là tàu bệnh viện, hoạt động lưu động trên biển. Đối với vùng đảo gần và vùng ven biển cần tổ chức tập trung lực lượng y tế vào 1 bệnh viện hoặc trung tâm y tế; còn trạm y tế xã có thể thay thế bằng phát triển mô hình “bác sĩ gia đình” tại các cụm dân cư. Đề án 317 chỉ rõ cấp cứu tại chỗ là ưu tiên hàng đầu để bảo đảm sức khỏe người dân đi biển vì thế vấn đề quan trọng nhất mà Hải Phòng cần phải giải quyết ngay đó là việc đào tạo cán bộ, y bác sĩ có đủ năng lực và trình độ.

Cùng với đó, thành phố cần có cơ chế khuyến khích đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ tình nguyện ra phục vụ ở đảo; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, ngành, địa phương để có phương tiện chuyên dụng vận chuyển người bệnh từ đảo về đất liền...Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh cho các trạm y tế xã đảo độc lập… Với số lượng tàu thuyền đánh bắt hoạt động trên vịnh Bắc Bộ ngày càng nhiều, hy vọng sự tích cực triển khai Dự án 317 của Trung ương và Hải Phòng sẽ giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển sản xuất, tham gia giữ vừng chủ quyền biển, đảo quê hương.

                                                                                                                                                   Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn