Tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trên chiến trường Trường Sơn

Thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, cứu nước có nhiều yếu tố, trong đó có phần công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT).

Đây là yếu tố rất quan trọng. Có thể nhìn nhận nội dung của CTĐ, CTCT trên chiến trường Trường Sơn thể hiện ở các khía cạnh là:

1- Đầu tiên là khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết định đúng đắn của Trung ương Đảng đến Quân ủy Trung ương đối với chiến trường Trường Sơn. Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn là tổ chức lãnh đạo trực tiếp mọi hoạt động chiến đấu từ chiến trường đến các tổ chức đơn vị cơ sở.

Vai trò đảng viên, cấp ủy viên được đề cao, tiểu đội có đảng viên (thực tế có 2-3 đảng viên). Trung đội có tổ đảng, chi bộ cấp đại đội có chi ủy, từ cấp tiểu đoàn trở lên có đảng ủy. Chi bộ quyết định nhiệm vụ từng thời kỳ, từng trận đánh. Đảng viên thường xuyên tiến lên phía trước. Lúc khó khăn, ác liệt hoặc bị tổn thất người, đảng viên đứng ra nhận trách nhiệm trước và luôn đề ra những biện pháp mới khắc phục để tiếp tục chiến đấu đánh thắng địch. Trong chiến đấu, nhiều đảng viên hy sinh. Một sự kiện tiêu biểu là năm 1968, 1969 địch đánh phá ác liệt làm tắc đường, xe không vận chuyển hàng giao cho chiến trường được. Nhiều người cho là phải trở lại phương thức gùi thồ. Nhưng Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn đã họp ra quyết định phải thắng địch bằng mọi cách, quyết chiến đấu để thông đường và chỉ ra nhiều biện pháp cần khắc phục. Sau đó gần một tháng với sự nỗ lực cao, Bộ đội Trường Sơn đã đánh địch mở thông hệ thống đường từ các cửa khẩu, đưa hoạt động vận chuyển vào quỹ đạo và liên tục không ngừng.

Tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trên chiến trường Trường Sơn

Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu.


2-Thắng lợi trong công tác lãnh đạo tư tưởng với Bộ đội Trường Sơn: Điểm đầu tiên là xác định quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đây là xác định ý chí và tình cảm và cũng là lòng yêu nước của cán bộ, chiến sĩ-những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn. Điều quan trọng nữa là xây dựng lòng dũng cảm, ý chí kiên cường vượt lên mưa bom bão đạn của địch cũng như những khó khăn của địa bàn rừng núi nhiệt đới. Vì vậy, công tác giáo dục, chuẩn bị tốt tư tưởng cho bộ đội phải được tiến hành liên tục, trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi bước vào từng trận đánh. Điều cần thiết là làm cho bộ đội tin tưởng đơn vị, vào thắng lợi cuối cùng. Rồi từ kết quả thắng lợi để củng cố niềm tin cho bộ đội. Khi tổn thất cũng được đánh giá phân tích kỹ để tạo niềm tin cho bộ đội, sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp theo. Một sự kiện nổi bật nữa là từ năm 1965 đến 1966 địch đánh quá ác liệt, tổn thất xe cộ lớn, vận chuyển kết quả thấp. Một số cán bộ lãnh đạo có tư tưởng dao động, lấy phòng, tránh là chính. Sau khi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào làm Tư lệnh (tháng 1-1967) đã đi thị sát chiến trường và đề xuất chủ trương mới. Bước ngoặt là việc đánh giá đúng đắn địch-ta. Đảng ủy chỉ ra những thế mạnh của đế quốc Mỹ, nhưng cũng chỉ ra không ít hạn chế của đối phương. Trên tinh thần phân tích sâu sắc tình hình thực tế giữa ta và địch, Đảng ủy ra quyết định tổ chức lại chiến trường, có nhiều lực lượng mà tập trung là bộ đội xe, bộ đội công binh, bộ đội phòng không; thực hiện yêu cầu đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Thực hiện chiến đấu binh chủng hợp thành, mở nhiều đường, có thế trận rộng lớn, bao la, địch không thể đánh phá ngăn chặn.

Công tác tư tưởng phải làm cho bộ đội nắm vững tư tưởng quân sự của Đảng, của quân đội được vận dụng trong Bộ đội Trường Sơn và cho từng binh chủng, từng đơn vị. Đó là tư tưởng tấn công, liên tục tấn công. Với các binh chủng, các lực lượng lại có điểm riêng: Bộ đội xe có tinh thần “gan vàng, dạ ngọc” luôn vững tay lái, còn người còn xe còn hàng luôn tiến lên phía trước. Bộ đội công binh với tinh thần “tường đồng, vách sắt” mở nhiều đường mới, đường tránh, khắc phục bom đạn địch, không để tắc đêm, hạn chế tắc giờ, kiên trì bám trụ trọng điểm. Bộ đội phòng không và lực lượng tham gia đánh máy bay địch thì quyết tâm “nhìn thẳng quân thù mà bắn", bảo vệ xe vận chuyển trên đường, bảo vệ công binh ở các trọng điểm, quay nòng pháo theo bánh xe lăn. Bộ đội giao liên với tinh thần nối liền tình nghĩa Bắc Nam, quyết tâm đưa nhanh nhiều quân vào Nam, nhiều thương binh ra Bắc cứu chữa. Ở lực lượng thanh niên xung phong lại có tinh thần “Thanh niên xung kích vượt khó khăn, dũng cảm tiến lên”.

3-Việc phát động thi đua lập công cũng có vai trò rất quan trọng. Mỗi năm, mỗi mùa khô, các lực lượng được giao nhiệm vụ, trên cơ sở đó xác định chỉ tiêu phấn đấu của mình. Ở Trường Sơn có Phong trào “đạt cờ thưởng của Bác Hồ”, Phong trào “thi đua bắn rơi máy bay Mỹ”, Phong trào “vượt cung, tăng chuyến đưa nhiều hàng cho chiến trường”, Phong trào “đường cầu thông suốt bảo đảm tốt nhất cho bộ đội xe lập công”… Mỗi lần chiến đấu ngày đêm đều có xác định kết quả và những người, đơn vị làm tốt nhiệm vụ, từ Bộ tư lệnh đến các đơn vị đều có thông báo biểu dương kịp thời. Mỗi mùa khô, Bộ tư lệnh có xem xét trao cờ thưởng Hồ Chủ tịch cho đơn vị nào xuất sắc nhất.

Từng thời gian 2-3 năm/lần có hội nghị thi đua toàn chiến trường và xem xét bầu chọn chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng và đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Quá trình chiến đấu khi đơn vị và cá nhân có công xuất sắc đặc biệt cũng đề nghị Nhà nước khen tặng các loại huân, huy chương, phong trào thi đua có tác dụng thúc đẩy tinh thần chiến đấu lập công của bộ đội.

4-Công tác cán bộ được thực hiện đúng đắn, sáng tạo, tạo dựng được đội ngũ cán bộ mạnh cả về số lượng và chất lượng đáp ứng mọi yêu cầu cho nhiệm vụ phát triển ngày càng to lớn và nặng nề cho đến khi hoàn thành thắng lợi hoàn toàn.

Nguồn cán bộ ban đầu (giai đoạn 1959-1964) lấy từ các đơn vị, cơ quan từ miền Bắc điều vào, như cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, các quân, binh chủng, kể cả cán bộ dân chính đảng Bộ Giao thông vận tải. Từ năm 1965 trở đi, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy vững mạnh, rộng khắp. Bộ đội Trường Sơn vừa chiến đấu, vừa tự tổ chức đào tạo cán bộ các cấp. Năm 1968, Đảng ủy Bộ tư lệnh có nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ; năm 1970 khi lực lượng mở rộng hơn lại có chuyên đề về tổ chức lực lượng đi đôi có chuyên đề về cán bộ. Ở Trường Sơn với nhiều đơn vị, nhiều binh chủng, nhiều cấp nhưng luôn bảo đảm số lượng cán bộ cần thiết. Khi cán bộ hy sinh, bị thương đã có ngay cán bộ bổ sung để làm nhiệm vụ. Vai trò của cán bộ từ trên xuống dưới được phát huy. Cán bộ thực hiện tốt 4 trực tiếp.

5-Phát huy vai trò đội ngũ văn học nghệ thuật và báo chí để nâng cao đời sống tinh thần chiến đấu của bộ đội, tạo ra sự lạc quan cách mạng. Đời sống văn hóa của bộ đội được đáp ứng ngay trong chiến đấu. Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn coi đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật và thông tin báo chí như một binh chủng. Trường Sơn có một lực lượng làm nhiệm vụ này rất đông, từ những người chuyên trách, tại chức, đến những văn nghệ sĩ các tỉnh cả miền Bắc, miền Nam tham gia.

Ở đại đội, tiểu đoàn có đội văn nghệ; trung đoàn, sư đoàn có đội ngũ chuyên trách; cấp chiến trường có đoàn văn công chuyên trách, có nhiều bộ môn: Ca hát, kịch, chèo. Sự hoạt động của đội ngũ này đến tận cơ sở, trận địa pháo phòng không, trọng điểm công binh, trạm giao liên, đơn vị xe và ngay trước, sau mỗi trận chiến đấu hoặc sau đợt địch đánh phá. Ngoài việc được cung cấp báo chí từ miền Bắc, Bộ đội Trường Sơn lại có tờ báo “Trường Sơn” được xuất bản tại chỗ, số lượng báo chí xuống được đến cấp đại đội. Bên cạnh lực lượng văn nghệ sĩ của Bộ đội Trường Sơn còn có nhiều đoàn nghệ thuật của Trung ương, của quân đội, của các tỉnh (kể cả ở miền Nam) vào biểu diễn, phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. 

6-Luôn coi trọng việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, của quân đội: Chiến tranh diễn ra ở Trường Sơn rất ác liệt, cùng với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn nên đời sống của bộ đội cũng có nhiều khó khăn. Vì vậy, số người bị thương vong, nếu kể cả ốm đau bệnh tật khá lớn. Khi chiến tranh kết thúc, tổng hợp lại Bộ đội Trường Sơn có hơn 23.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương binh, hàng vạn người chết vì ốm đau bệnh tật, nhất là vì sốt rét. Do đó, lãnh đạo Bộ đội Trường Sơn coi việc thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách với các lực lượng chiến đấu ở Trường Sơn cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Về tổ chức, từ cấp trung đoàn trở lên có cơ quan chính sách và ở mỗi cấp đều có cán bộ chủ trì phụ trách. Bộ đội Trường Sơn luôn thực hiện nghiêm việc thực hiện chính sách đối với mọi cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia... Thực hiện tốt công tác chính sách đã tạo được lòng tin của bộ đội.

Bên cạnh đó, Bộ đội Trường Sơn cũng làm tốt chính sách với tù binh, hàng binh địch trong đó có việc chôn cất, chuyển giao giặc lái và tù binh, hàng binh là quân nhân Mỹ-ngụy đến nơi tiếp nhận một cách chu đáo.

7-Thực hiện tốt việc tổ chức công tác giúp bạn, tăng cường đoàn kết phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước bạn, đặc biệt là với bạn Lào.

Địa bàn chiến trường Trường Sơn ở cả nước Lào và Campuchia. Các đơn vị tình nguyện và chuyên gia có nhiều chiến công phối hợp với bạn Lào giải phóng một vùng rộng lớn Trung Nam Lào (7 tỉnh) và giúp bạn tham gia xây dựng từ cơ sở đến cấp tỉnh, cấp quân khu, đồng thời cũng giúp nhiều bản làng, nhiều huyện tăng gia sản xuất.

Bộ đội Trường Sơn luôn chỉ đạo hướng dẫn thực hiện nghiêm kỷ luật dân vận, kỷ luật với nhân dân bạn, tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân bạn. Do đó tạo được lòng tin với nhân dân bạn. Khi rút quân về nước, Bộ đội Trường Sơn để lại nhiều dấu ấn sâu đậm về tình nghĩa sắc son Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia.

8-Thực hiện nghiêm túc kỷ luật bí mật chiến trường: Bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ từ khi còn “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, ở không dấu vết” đến khi chiến trường mở ra rộng lớn suốt đường Tây Trường Sơn, từ Bắc vào Nam đến tận Cà Mau, ở cả địa bàn nước bạn Lào, Campuchia, chúng ta có đến 5 trục dọc, 21 trục ngang, có nhiều căn cứ sát địch nhưng Bộ đội Trường Sơn giữ được bí mật từ hệ thống đường, đến kho tàng, đến các lực lượng và nhiệm vụ các thời kỳ nên tạo ra được bất ngờ với đế quốc Mỹ và tay sai.

Kết thúc chiến tranh, khi tiếp nhận được tài liệu kho tàng lưu trữ của địch, chúng ta thấy rằng, địch đã công nhận là không hiểu hết được bí mật của đường Trường Sơn, tuyến chi viện chiến lược mang tính chất quan trọng để Việt Nam thắng lợi hoàn toàn.

Trên đây là những nét chính về vai trò của CTĐ, CTCT và cũng là kinh nghiệm thiết thực của Bộ đội Trường Sơn, từ đó lập nên kỳ công, kỳ tích, huyền thoại Trường Sơn.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn