Thu ngọt say, nồng nàn
HQVN -
Như một sự sắp đặt đầy hữu ý của thiên nhiên, khi ngọn heo may chùng chình chạm ngõ, phả chút se lạnh mơn man cũng là lúc thu nhón gót qua thềm, mang theo đầy đặn miền hoa trái. Dường như mọi tinh tuý đất trời đều tụ lại ở một miên trường lộng lẫy sắc hương…
Ảnh minh họa
Hẳn là mùa thu đã được ưu ái đặc biệt mà không mùa nào trong năm có được. Trên nền trời thăm thẳm xanh, nắng gió tình tự biến tấu thành những cung điệu đắm say lòng người. Tất cả như được gột rửa để khoẻ khoắn tinh tươi, khoác lên vai mùa bức tranh trong trẻo.
Yêu sao cái sắc vàng mê dụ của những bông cúc giản dị, khiêm nhường mà không kém phần kêu sa, khuê các. Để cứ mỗi độ thu về, loài hoa mà người ta nhớ tới và gợi nhắc đầu tiên là hoa cúc. Màu hoa ấy nghiễm nhiên trở thành phách hồn của tình thu, điển hình cho sắc thu mà không dễ trộn lẫn với bao loài hoa cùng đua chen hương sắc. Nếu không phải là màu hoa đa tình và ám ảnh, làm sao có thể có những câu thơ đắm đuối này: “Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc” (Nguyên Sa), “Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em…”(Xuân Quỳnh). Không nghi ngờ gì nữa, khi loài hoa ấy đã hoá thân thành những thi ảnh đầy day dứt của thi nhân, như một cái cớ để giãi bày nỗi niềm tâm sự: “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi” (Hoàng Nhuận Cầm).
Về cùng tiết heo may bảng lảng, bời bời dâng hương, sẽ là thiếu sót vô cùng nếu không nhắc tới một loài hoa đã trở thành một phần của thơ, của nhạc, của những yêu thương nồng say, dệt thêu nên bao câu chuyện hẹn hò: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một buổi sáng bỗng trở thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ/ Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu…”(Nguyễn Phan Hách). Để rồi hương hoa ấy như là chứng nhân của tình yêu tuổi trẻ, của mùa thu lứa đôi mãi còn thổn thức, lay động bồi hồi: “Hương hoa sữa phải một lần thơm quá/ Bàn tay em ngây dại để anh cầm/ Cái nóng ấm của mười năm mất ngủ/ Sớm nay buồn nghe lạnh nhắc hồi âm”(Trương Nam Hương).
Trong không gian dịu dàng, trong trẻo của những khoảnh khắc thu, ta còn bắt gặp cả một bầu trời cổ tích ấu thơ khi ở đó mùa thu hào phóng ban tặng cho con người một vườn hoa trái nồng hương đẫy vị. Thật đáng khen cho sự khái quát tài tình khu vườn mùa thu chỉ vỏn vẹn bằng mấy dòng thơ này: “Na hé nhìn mắt biếc/ Hồng thẹn ửng má đào/ Thị bỏ bùa cổ tích/ Bưởi phải lòng ca dao” (Hoàng Anh Tuấn).
Khu vườn mùa thu là khu vườn của ca dao, cổ tích với “quả na mở mắt tròn xoe”, “quả thị thơm cô Tấm rất hiền” giao hoan cùng từng chùm hồng đong đưa chín mọng, trái bưởi căng tròn chễm chệ trên mâm cỗ Trung thu. Còn nữa, trong ký ức xưa cũ, làm sao quên được hình ảnh chiếc đèn được kết từ chuỗi hạt bưởi nổ tí tách hoà lẫn tiếng cười giòn tan của đám trẻ quê trong đêm rước đèn họp bạn. Quả mùa thu chính là món quà quê mộc mạc, chân chất mà cưu mang cả miền hoài cảm ấu thơ.
Có lẽ, những loài hoa trái ấy như thể nắm giữ sứ mệnh riêng của mình, chỉ tựu về và hò hẹn với mùa thu mà đua hương khoe sắc, hiến dâng thơm thảo, ngọt lành. Để mỗi độ thu về, ta lại được đắm mình và yêu thiết tha một miền dư hương ngọt say, nồng nàn…
Ngô Thế Lâm
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn