Thêm minh chứng bác bỏ luận điệu xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam
HQVN -
Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Đây chính là một trong những minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thời gian qua.
Ngày 11/10/2022, tại trụ sở ở New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã công bố kết quả bỏ phiếu bầu 14 quốc gia vào HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu tán thành rất cao (145/189) để lần thứ 2 trở thành thành viên của tổ chức này, sau lần đầu tiên vào năm 2013, trong nhiệm kỳ 2014-2016.
Chúng ta biết rằng, lâu nay, với bản chất phản động cố hữu, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và cả một số tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam thường sử dụng chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” làm mũi nhọn chống phá nước ta. Mục đích của chúng không gì khác là tạo ra những bất ổn, rối loạn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam, hướng lái nước ta đi theo quỹ đạo của CNTB.
Những kẻ nhân danh dân chủ, nhân quyền thường lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản trị quốc gia, quản lý xã hội, điều hành đất nước, rồi vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, các vụ việc bức xúc, khiếu kiện của người dân, hoặc những vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận… để ra sức xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, không có tự do, dân chủ. Một số đối tượng phạm tội hình sự tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam bị các cơ quan chức năng xử lý, được chúng gắn cho cái mác “nhà hoạt động dân chủ”, “nhà đấu tranh vì nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”, rồi quy chụp Việt Nam “đàn áp, phân biệt đối xử những người bất đồng chính kiến”…
Tranh cổ động của VH
Gần đây, khi Việt Nam ứng cử, rồi trúng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, các thế lực thù địch liên tục xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở nước ta. Chúng cho rằng Việt Nam không xứng đáng làm thành viên của tổ chức có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu. Ngay trước thời điểm Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu bầu HĐNQ, tổ chức phản động Việt Tân và một số tổ chức nhân quyền, liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ châu Âu, Ca-na-đa, Hoa Kỳ… bằng nhiều cách thức khác nhau ra sức chống phá Việt Nam.
Điển hình, ngày 3/10/2022, đại diện tổ chức khủng bố Việt Tân lên tiếng phản đối Việt Nam tham gia HĐNQ LHQ trong buổi họp báo của UN Watch (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ). Tiếp đó, ngày 4/10/2022, nhiều tổ chức nhân quyền kiến nghị LHQ không cho Việt Nam ứng cử vào HĐNQ. Ngày 8/10/2022, liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ từ châu Âu, Hoa Kỳ, Ca-na-đa cùng kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ bác tư cách ứng cử HĐNQ của Việt Nam. Cùng với đó là hàng loạt trang mạng của các tổ chức, cá nhân phản động lên tiếng chế giễu, mỉa mai, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, “làm đủ trò trước phiên bỏ phiếu”, thậm chí lớn tiếng kiến nghị “Việt Nam phải thay đổi nếu muốn là thành viên HĐNQ LHQ”…
Trước những luận điệu chống phá, xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch, chúng ta cần khẳng định rằng: Việt Nam đủ tư cách, đủ uy tín và hoàn toàn xứng đáng để làm thành viên HĐNQ LHQ. Sự tín nhiệm cao của các nước khi bầu Việt Nam vào HĐNQ LHQ đã phản ánh khách quan, chính xác cho nhận định đó.
Chỉ có những kẻ mang tâm địa xấu xa, mưu đồ đen tối mới cố tình không nhìn thấy một sự thật rằng: Trong quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu cao nhất. Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo đảm theo hiến pháp, pháp luật. Những năm qua, người dân Việt Nam đã và đang được thụ hưởng ngày càng tốt hơn thành tựu phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực. Đó chính là giá trị quan trọng nhất, phổ quát nhất của nhân quyền-một lĩnh vực rộng lớn, có nhiều cách tiếp cận khác nhau và luôn mang dấu ấn đặc thù về lịch sử, văn hóa… của mỗi quốc gia, dân tộc, không thể tùy tiện áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền của quốc gia này, dân tộc này cho quốc gia khác, dân tộc khác.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam quốc tế về quyền con người, nỗ lực thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và 2 lần là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021). Việt Nam cũng đã hoàn thành Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của HĐNQ LHQ và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3. Cho nên, Việt Nam có đủ uy tín, sự minh bạch và kinh nghiệm để hoàn thành tốt vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Cùng với an ninh, hòa bình và phát triển, thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là 1 trong 3 trụ cột của LHQ. HĐNQ là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, trở thành thành viên HĐNQ LHQ là thắng lợi ngoại giao của Đảng, Nhà nước Việt Nam, qua đó góp phần lan toả thông điệp về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, luôn đề cao các giá trị nhân văn, nhân đạo, luôn nỗ lực vào sự phát triển và tiến bộ chung của nhân loại.
Sự kiện Việt Nam trúng cử HĐNQ LHQ một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời cho thấy sự ghi nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực. Đây là minh chứng sinh động, đầy sức thuyết phục để phản bác những luận điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận những tiến bộ và thành tựu nhân quyền ở nước ta.
Kao Dân
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ( 04-09-24 02:00 )
- Phê phán nhận thức lệch lạc về bảo đảm chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang - ( 28-08-24 10:00 )
- Bác bỏ luận điệu xuyên tạc mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ - ( 12-08-24 09:00 )
- Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền - ( 17-07-24 01:00 )
- Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình - chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam - ( 01-07-24 06:00 )