Không thể phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng 10
HQVN -
Cách đây 105 năm, ngày 7/11/1917, Cách mạng tháng 10 Nga (CMT10) nổ ra và giành thắng lợi. Hơn một thế kỷ trôi qua với bao biến cố thăng trầm nhưng giá trị lịch sử và thời đại của CMT10 vẫn vẹn nguyên, có ý nghĩa sâu sắc trong tiến trình phát triển của nhân loại tiến bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga, đứng đầu là Lê-nin, liên minh giai cấp công nông và nhân dân lao động Nga đã tiến hành cuộc CMT10 thành công, chặt đứt mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền chủ nghĩa đế quốc, mở đầu cho thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. CMT10 Nga đã đưa CNXH từ lý luận trở thành hiện thực, soi đường cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột trong đó có Việt Nam, vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đánh giá về tầm vóc sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, CMT10 chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Lê-nin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết. Ảnh: Tư liệu
Sau CMT10, Đảng Bôn-sê-vích Nga vừa lãnh đạo nhân dân kiên cường đấu tranh chống lại các thế lực tư sản, phản động, bảo vệ thành quả cách mạng, vừa tập trung củng cố chính quyền, xây dựng nhà nước XHCN, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. Hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Liên Xô đã giành được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, lần lượt đánh thắng liên minh đế quốc trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các thế lực phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành đầu tàu góp phần hình thành và dẫn dắt hệ thống các nước XHCN trên toàn thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
CMT10 thành công là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác - Lê nin. CMT10 và công cuộc xây dựng XHCN ở Liên Xô, Đông Âu và nhiều nước khác đã vạch ra những vấn đề có tính quy luật, để lại nhiều bài học lý luận và thực tiễn về con đường đi lên CNXH. Đó là về xây dựng khối liên minh công nông và nhân dân lao động; về sử dụng bạo lực cách mạng, lựa chọn thời cơ giành chính quyền; về xây dựng và giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân; kết hợp xây dựng với bảo vệ tổ quốc, độc lập dân tộc với CNXH…
Tuy nhiên, sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, CNXH hiện thực lâm vào khủng hoảng, thoái trào, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội xét lại ra sức công kích, phủ nhận, xuyên tạc ý nghĩa của CMT10. Chúng cho rằng CMT10 là “sự đẻ non”, “một sai lầm lịch sử”, “một cuộc phiêu lưu chính trị”, “đi chệch con đường phát triển của nhân loại”. Chúng hí hửng rằng “con đường mà CMT10 mở ra đã đi vào ngõ cụt”, “CNXH đến hồi kết thúc”, từ đó quy kết học thuyết Mác - Lê nin “lỗi thời và lạc hậu”, “soi rọi đến đâu lụi tàn đến đó”... Thậm chí trong đội ngũ những người cộng sản cũng có tư tưởng bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, ngộ nhận CNTB đã thay đổi bản chất để trở thành xã hội của tương lai.
Trước những luận điệu chống phá và nhận thức lệch lạc trên, chúng ta một lần nữa phải khẳng định lại rằng: CMT10 nổ ra và giành thắng lợi là tất yếu lịch sử và mang giá trị thời đại. Đó là cuộc cách mạng triệt để, nhân văn. Hơn một thế kỷ trôi qua, thế giới với muôn vàn biến động, nhưng không ai phủ nhận được tầm vóc vĩ đại của CMT10. Đối với Việt Nam, CMT10 là ánh sáng soi đường cho nhân dân ta giành độc lập dân tộc, vững bước tiến lên theo con đường XHCN. Hơn 90 năm qua, Đảng ta vẫn luôn kiên trì, kiên định con đường này và luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo bài học CMT10 vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam càng khẳng định giá trị trường tồn của CMT10, của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chúng ta thừa nhận, sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là tổn thất lớn cho phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Sự sụp đổ đó không phải do học thuyết Mác-Lênin lỗi thời mà căn nguyên là do những sai lầm nghiêm trọng của các đảng cầm quyền, cùng với đó là sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, sự phản bội, xét lại của một số người cộng sản. Từ biến cố này, bài học đầu tiên và chủ yếu cho chúng ta là sự lãnh đạo của đảng, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, là vấn đề sống còn của chế độ. Xem nhẹ công tác xây dựng đảng, không tuân thủ nguyên tắc tổ chức hoạt động của đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình… sẽ làm cho đảng không còn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, tất yếu dẫn đến thất bại.
Chúng ta cũng tuyệt đối không được mơ hồ, ảo tưởng CNTB đã thay đổi bản chất, xã hội tư bản cái gì cũng tốt đẹp. Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ... Tuy nhiên, CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta cũng khẳng định: “CNTB còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công… Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người luôn có những bước quanh co, phức tạp. Không thể vì sự sụp đổ của một mô hình CNXH cụ thể mà phủ nhận ý nghĩa của CMT10, xuyên tạc cả một hệ thống lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kao Dân
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đơn thư nặc danh để tố cáo sai sự thật - ( 15-11-24 01:00 )
- Cảnh giác trước âm mưu hủy hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ gốc rễ - ( 13-11-24 03:00 )
- Lại thêm những luận điệu xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân - ( 04-11-24 07:00 )
- Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - ( 14-10-24 10:00 )
- Sự phản khoa học của luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam - ( 30-09-24 09:00 )