Thầy “nhà binh”
HQVN -
“Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hay là “Không thầy đố mày làm nên”… bằng những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc, các thế hệ ông cha đã nhắc nhở con cháu phải ghi tâm tạc dạ truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Tôi là một trong những thế hệ học trò thấm thía hơn bao giờ hết ơn nghĩa sâu nặng mà các thầy, cô nói chung, các thầy trong quân đội nói riêng đã ban tặng trong suốt hành trình binh nghiệp của mình.
Những ngày đầu được mang trên mình bộ quân phục áo yếm Hải quân, cánh lính chúng tôi thích thú, háo hức vô cùng. Đó là điều một thời ngồi trên ghế nhà trường tôi hằng mơ ước. Những năm 1990, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ nhà ở cho đến hội trường, nhà ăn, nhà bếp… đều làm bằng cây rừng, mái lợp tranh, vách thưng vỏ cây, nền đất, nằm bằng phản. Những ngày đầu tiên đầy bỡ ngỡ, có những lúc tưởng chừng như bỏ cuộc bởi những vất vả nơi thao trường, những khuôn khổ chuẩn mực trong môi trường quân đội… Nhưng người thầy “nhà binh”- cái tên trìu mến ấy, cánh tân binh chúng tôi dành riêng để gọi cấp trên của mình. Các thầy đã viết vào trang giấy trắng đầu tiên trong đời binh nghiệp của chúng tôi, đó là hình hài Tổ quốc, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”. Các thầy đã chỉ bảo, dìu dắt, nâng đỡ chúng tôi đủ nghị lực vượt qua tất cả.
Hướng dẫn học viên về nghiệp vụ thông tin. Ảnh: PV
Các bài học về mười một chế độ trong ngày, gấp chăn màn, sắp đặt quân tư trang trong ba lô, các quy định tác phong quân nhân…, những ngày đầu bỡ ngỡ nhưng nhanh chóng trở thành nền nếp, đúng theo quy định. Các thầy là trung đội trưởng, phó đại đội trưởng trực tiếp lên lớp cho chúng tôi các bài điều lệnh đội ngũ tay không, điều lệnh có súng, các bài thể dục sáng, võ thuật, chiến thuật… Các thầy tận tình, chỉ bảo cho chúng tôi từ những động tác nhỏ nhất, miệt mài, nhẫn nại, uốn nắn những động tác chưa chuẩn. Tối đến, các thầy dạy chúng tôi hát các bài hát quy định trong quân đội. Thầy bảo, hãy tập hát các bài ca cách mạng khí thế vui nhộn, hùng hồn để phấn đấu, rèn luyện đúng chất lính.
Lo cho chúng tôi từ miếng ăn, giấc ngủ đến những khi ốm đau hoặc hay tin gia đình có chuyện buồn, các thầy luôn kịp thời động viên chia sẻ. Người thầy “nhà binh” không chỉ trang bị cho chúng tôi về kiến thức quân sự mà còn là những người cha, người anh dìu dắt chúng tôi trong suốt cuộc đời quân ngũ.
Trong những ngày tháng 11 này, cả nước hân hoan chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh, tri ân những người thầy. Trong tôi, hình ảnh người thầy “nhà binh” là một trong những “tượng đài lớn” để luôn kính trọng, học tập và noi theo. Giờ đây, có thầy đã xuất ngũ, nghỉ hưu về với cuộc sống đời thường, có thầy đã chuyển ngành, cũng có thầy đã về với tổ tiên. Nối nghiệp các thầy, tôi nguyện sẽ truyền đạt lại những gì mà các thầy đi trước đã dặn dò, chỉ bảo, sẽ tiếp tục gieo hạt chờ ngày bội thu, truyền lửa và chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai.
Phạm Hồng Soi
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn