Thấy gì qua hai “cơn địa chấn” ở World Cup 2022

HQ Online -

Mới chỉ qua mấy trận đấu vòng bảng, World Cup 2022 đã chứng kiến những bất ngờ thú vị. Trong đó, Saudi Arabia và Nhật Bản là những đội tuyển đã tạo ra “cơn địa chấn” không thể tin nổi trước các ứng viên vô địch Argentina và Đức.

Ngoài việc có cùng tỷ số 2-1, còn có nhiều điểm chung trong cả hai trận Saudi Arabia thắng Argentina và Nhật Bản thắng Đức mà giới chuyên môn đã mổ xẻ, phân tích kỹ. Đương nhiên, chỉ qua một trận thắng mà kết luận Saudi Arabia và Nhật Bản đã tiệm cận đẳng cấp với Argentina và Đức là sai lầm. Bỏ qua yếu tố may rủi, sẽ là hợp lý hơn cả nếu đánh giá hai “cơn địa chấn” trên ở khía cạnh phong độ, chiến thuật và đặc biệt là tinh thần.

Niềm vui của các cầu thủ Saudi Arabia sau khi ghi bàn vào lưới Argentina. Ảnh: REUTERS

Trước hết, hãy nói về hai đội thua cuộc. Về mặt chiến thuật, “đánh rắn phải đánh dập đầu”, nhưng cả Argentina và Đức đều đã không làm được điều này. Cho nên cả hai đã không thể đánh sập được ý chí, sự phản kháng của đối thủ, vô tình kích thích tinh thần chiến đấu của đối thủ, khiến đối thủ càng đá càng tự tin. Cả hai đội cửa trên chỉ biết tự trách mình.

Với Argentia là sự thiếu quyết liệt trong việc kết liễu đối thủ, thiếu tính nhịp điệu trong tấn công nên không phá vỡ được khối phòng thủ cực kỳ khó chịu của Saudi Arabia. Với Đức là sự chủ quan, kiêu binh, thể hiện qua cái cách mà trung vệ Rudiger vừa chạy vừa nâng cao đùi che chắn bóng, rồi sau đó nở nụ cười như thể chế nhạo tiền đạo Asano bên phía Nhật Bản. Và rồi chính tiền đạo Asano sau đó đã ghi bàn thắng quyết định mang về chiến thắng cho Nhật Bản.

Khởi đầu suôn sẻ với thế trận tấn công áp đặt toàn diện. Sớm ghi bàn để khẳng định lợi thế và sự áp đảo. Duy trì thế trận một chiều trong toàn bộ hiệp 1 với tỷ lệ cầm bóng lên tới trên dưới 80%. Nhưng Argentia và Đức bất lực trong việc nâng tỷ số lên 2-0, dù đã một hay vài lần đưa được bóng vào lưới đối phương nhưng không được công nhận do lỗi việt vị và rất nhiều cơ hội khác bị bỏ lỡ do sự thiếu chính xác trong đường bóng cuối cùng.

Khi hàng công không thể ghi bàn thì hàng thủ của Đức và Argentina đã không duy trì được sự tập trung và bộc lộ sai lầm. Bàn thua đầu tiên của Argentina có lỗi lớn của trung vệ Romero, còn của Đức là sự chậm chạp của hậu vệ cánh Sule. Bàn gỡ hòa là nút thắt của cả hai trận đấu. Để đối phương gỡ hòa trong thời điểm đang thể hiện sự áp đảo khiến tinh thần, sự kiêu hãnh của Argentina và Đức bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến cái đầu thiếu tỉnh táo. Những đôi chân trở nên nóng vội, thiếu chính xác trong những tình huống quyết định. Và cuối cùng quy luật nghiệt ngã của bóng đá lại lên tiếng: Tấn công nhiều nhưng không ghi được bàn thắng thì sẽ bị thủng lưới và thất bại.

Hậu vệ phải Sakai xoạc bóng ngăn cản Musiala. Ảnh: EPA

Thứ hai, Argentina và Đức sai lầm nhưng không thể không dành sự ngợi khen cho hai đội thắng cuộc. Rõ ràng là Nhật Bản và Saudi Arabia đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đã lường trước được sức mạnh vượt trội của đối thủ, cho nên đã có một cách tiếp cận trận đấu hợp lý, theo kiểu “dĩ đoản chế trường”. Họ dành sự tôn trọng cho các ứng viên vô địch nhưng không hề run sợ. Họ thừa hiểu đôi công ngay từ đầu với Đức, Argentina là tự sát, cho nên lựa chọn cách đá áp sát, lấy bảo đảm an toàn phần sân nhà là ưu tiên và chỉ tấn công trong từng thời điểm.

Có thể thấy, các cầu thủ Saudi Arabia còn có sự chuẩn bị rất tốt về mặt thể lực, không ngại các tình huống va chạm, lối chơi khá tinh quái, sẵn sàng phạm lỗi khi cần thiết. Còn Nhật Bản thì phát huy được sở trường là sự khéo léo, nhanh nhẹn và tốc độ của các cầu thủ ở hai biên, đánh đúng vào điểm yếu xoay xở chậm chạp và bẫy việt vị không tốt của đối thủ. Ngoài ra, cả hai thủ môn Gonda của Nhật Bản và Al Owais của Saudi Arabia đã chơi quá xuất sắc, có hàng loạt pha cứu thua xuất thần, làm nản lòng các chân sút bên phía Đức và Argentina.

Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng cả Nhật Bản và Saudi Arabia đều phải nhận hai bàn thua từ đá phạt 11m, hậu quả tất yếu của sức mạnh tấn công nghẹt thở đến từ đối phương. Nhưng họ không bị vỡ trận. Sau khi thoát thua vài lần, cả Nhật Bản và Saudi Arabia đã trở lại mạnh mẽ trong hiệp hai. Sau giờ nghỉ, tinh thần chiến đấu là thứ đáng để cả thế giới nể phục tuyển Nhật Bản và Saudi Arabia, khác hẳn khi Iran đấu với tuyển Anh.

Cũng phải dành lời khen ngợi cho huấn luyện viên Moriyasu và Renard về khía cạnh chỉ đạo chiến thuật, đặc biệt là khả năng làm tâm lý, truyền lửa tinh thần chiến đấu tuyệt vời cho các cầu thủ của mình. Khi tinh thần chiến đấu được khơi dậy thì nó trở thành một thứ vũ khí đáng sợ. Những chú “Chim ưng xanh” có những giây phút thi đấu như lên đồng, khiến cho sắc “Trắng và xanh nhạt” trở nên nhạt nhòa. Những võ sĩ “Samurai xanh” thì bất ngờ làm cho “Xe tăng Đức” tuột xích. Tất cả đều diễn ra ở hiệp 2 và đều được thực hiện bằng hai cú đánh chí mạng.

Kao Dân

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn