Thành phố Hải Phòng: Siết lại hoạt động khai thác hải sản
HQVN -
Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ra "thẻ vàng" cảnh báo đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban này về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Hải Phòng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, tổ chức thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC. Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp giám sát việc khai thác hải sản được triển khai như: Kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào bến, xử lý nghiêm các tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
Mặt khác, Sở NN&PTNN đã tổ chức cho 100% tàu đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Các chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện việc ghi nhật ký, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định đảm bảo bật 24/24 giờ bắt đầu từ khi xuất bến.
Trong 8 tháng qua, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã tiến hành 12 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử phạt hành chính 41 cá nhân vi phạm, nộp ngân sách nhà nước gần 100 triệu đồng. Các lỗi vi phạm gồm: Không đăng ký lại tàu cá theo quy định, không ghi biển nhận biết tàu cá, không có chứng chỉ chuyên môn… Không có trường hợp nào vi phạm khai thác trái phép tại các vùng biển nước ngoài. Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho biết, thành phố hiện có 2.907 tàu cá, trong đó 742 tàu có công suất trên 90 CV và 200 tàu trên 400 CV đánh bắt xa bờ, 42 tàu tham gia khai thác tại vùng đánh cá chung Việt Nam-Trung Quốc. Do đặc thù nghề khai thác thủy sản của Hải Phòng là nghề cá nhân quy mô nhỏ, nhiều tàu công suất nhỏ nên khó khăn cho công tác quản lý. Mặt khác, vẫn còn thiếu phương tiện, con người, kinh phí để kiểm tra, kiểm soát trên biển nên việc kiểm soát khai thác bất hợp pháp phụ thuộc phần lớn ở ý thức của ngư dân đi đánh bắt.
Mặc dù, sản phẩm thủy sản của Hải Phòng không trực tiếp xuất khẩu sang Châu Âu nhưng trung bình hàng năm có từ 2 đến 3 nghìn tấn thủy sản xuất khẩu vào thị phần các nước áp dụng tiêu chuẩn Châu Âu như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... Nên từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận không vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp cho 14 lô hàng thủy sản tương đương 623,6 tấn.
Tất cả giải pháp cấp bách đó đều hướng đến mục tiêu là nâng cao kiến thức pháp luật để ngư dân hiểu rõ, tuân thủ nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển cũng như nắm vững các quy định của quốc gia có biển lân cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. Từ đó, khắc phục cảnh báo của EC, đưa nghề cá phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm.
Thu Thủy
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Công điện ứng phó với bão số 9 - ( 18-11-24 06:00 )
- BIZ MBBank: Đối tác tin cậy của doanh nghiệp xuất nhập khẩu - ( 05-09-24 08:00 )
- Siêu bão Man-yi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 - ( 18-11-24 08:00 )
- Từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó với diễn biến bão Man-yi - ( 17-11-24 09:00 )
- Bão Toraji vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8 - ( 12-11-24 02:00 )