Tết anh sẽ về...

Truyện ngắn của NGUYỄN ÁNH NGUYỆT

Hiền tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi nhưng không bám trụ thủ đô mà xin về dạy Văn ở một trường trung học phổ thông gần nhà. Chị được phân công Chủ nhiệm lớp 12A5, chuyên ban xã hội toàn con gái, cô và trò chỉ chênh nhau vài tuổi. Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, từ bàn giáo viên nhìn xuống, Hiền thấy ngồi ở vị trí phụ huynh của em Nguyễn Thúy Hằng có anh sĩ quan trẻ, mặc quân phục Hải quân rất đẹp. Thấy Hiền chăm chú nhìn với ánh mắt ngạc nhiên, anh sĩ quan đứng dậy, có chút ngượng nghịu song vẫn giữ được phong thái chững chạc của nhà binh: “Báo cáo cô chủ nhiệm, tôi là Minh, anh trai của Hằng. Nhân dịp về nghỉ phép nên được bố mẹ giao nhiệm vụ đi họp cho em gái. Xin thay mặt gia đình, lĩnh hội đầy đủ nội dung cuộc họp hôm nay!”. Sự xuất hiện của anh sĩ quan Hải quân với chiếc áo trắng nổi bật, khiến không khí buổi họp sôi nổi hẳn lên. Một vài tiếng cười khúc khích, dăm ba câu trêu đùa khe khẽ của mấy cô học trò tinh nghịch. Hiền có cảm giác đôi mắt anh sĩ quan trẻ kia đang dõi theo chị từng cử chỉ. Tự nhiên chị thấy bối rối, hai má đột nhiên ửng đỏ. Đây là lần họp phụ huynh đầu tiên trong đời giáo viên, lại bị một anh sĩ quan đẹp trai chiếu tướng, chị lúng túng đến mức có lúc suýt quên cả những điều định nói. May mà cuối cùng, buổi họp cũng trôi qua nhẹ nhàng, không xảy ra điều gì sơ suất. Cuối buổi họp, Minh còn chủ động đến gặp Hiền xin số điện thoại để tiện trao đổi, hỏi thăm việc học tập của em gái. Hiền cho Minh số điện thoại mà trong lòng thấy vui vui…

Lớp học toàn con gái nên ít những trò ngỗ nghịch. Nhưng khó khăn lớn nhất của Hiền ngày mới nhận lớp là cái bóng thầy chủ nhiệm cũ quá lớn, ấn tượng thầy để lại trong các em quá sâu đậm. Suốt hai năm lớp 10 và 11, thầy đã là một phần không thể thiếu của các em. Năm cuối cấp, vì lý do riêng, thầy phải chuyển công tác. Hiền mới chân ướt chân ráo ra trường được giao tiếp quản lớp thay thầy. Dù biết rõ đây là sự phân công của hiệu trưởng, nhưng tập thể lớp vẫn ích kỷ và cực đoan cho rằng Hiền chính là nguyên nhân khiến thầy chủ nhiệm cũ phải ra đi. Tiết học đầu tiên, chúng bày ra đủ các trò làm Hiền không thể chuyên tâm dạy học. Đứa nói chuyện riêng, đứa ngủ gật, đứa thì hồn treo ngược cành cây… Kinh nghiệm ứng phó với đối tượng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” chưa có, trước sự chống đối ngấm ngầm, quyết liệt của các em, đôi lúc Hiền bất lực muốn khóc. Nhưng một thời gian sau, bằng sự tậm tâm và kiên trì, Hiền dần dần chiếm được tình cảm của học sinh.

Mọi chuyện bắt đầu từ buổi học cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Hiền gọi Hằng- nữ học trò cá biệt lên bảng kiểm tra bài cũ. Đang trả lời câu hỏi, bỗng nhiên mặt Hằng tái sạm, giọng nói thều thào, hơi thở yếu ớt rồi đổ gục xuống bàn ngất xỉu. Cả lớp sợ hãi ồ lên nhốn nháo. Hiền vội chạy lại đỡ Hằng dậy, để Hằng nằm thẳng thoải mái rồi dùng ngón tay trỏ day mạnh vào huyệt nhân trung. Kinh nghiệm này chị học được từ người bố vốn là một bác sĩ đông y. Một lúc sau thì Hằng tỉnh. Chưa yên tâm, Hiền bế thốc cô học trò to gần gấp đôi mình chạy phăng phăng xuống phòng y tế. Chả hiểu sao thường ngày Hiền yếu ớt, bê cái bàn cái ghế cũng thở phì phò, mà lúc ấy, chị lại có sức mạnh phi thường đến thế. Có lẽ chính sự lo lắng, tình thương và trách nhiệm đối với học trò đã tiếp thêm sức mạnh cho chị. Hóa ra, Hằng bị tụt đường huyết vì nhịn ăn để giảm cân. Sau lần ấy, Hiền thường xuyên gần gũi, chỉ cho Hằng cách ăn uống, tập luyện để kiểm soát cân nặng một cách khoa học. Cả lớp cũng bắt đầu yêu quý cô giáo, bỏ hẳn các trò nghịch ngợm, trêu chọc cô như những ngày đầu. Hằng từ chỗ luôn đầu têu quậy phá bỗng trở thành cánh tay phải đắc lực của cô.

***

2. Sau buổi họp phụ huynh, Minh thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho Hiền với lý do quan tâm đến tình hình học tập và thi tốt nghiệp trung học phổ thông của em gái. Nhà chỉ có hai anh em, Minh hơn Hằng 12 tuổi. Có lần khi cô trò tâm sự, Hiền thắc mắc sao bố mẹ Hằng đẻ cách xa nhau thế. Hằng hồn nhiên trả lời: “Bố em là lính đảo cô ạ. Từ lúc sinh anh Minh xong, bố cứ đi biền biệt. Mỗi lần bố về phép là một lần mẹ em lên kế hoạch sinh thêm con, nhưng lần nào cũng hụt. May quá có đợt bố được nghỉ dài ngày nên mẹ mới đẻ ra em đấy ạ”. Hiền phì cười, con bé 18 tuổi rồi mà ruột để ngoài da, nhí nhảnh, vô tư như trẻ con. Minh thì khác, anh chững chạc, sâu sắc. Thỉnh thoảng trong những lần gọi điện, Minh hay kể cho Hiền nghe về cuộc sống của anh và đồng đội giữa trùng khơi. Ngày Minh tốt nghiệp sĩ quan cấp phân đội rồi viết đơn tình nguyện ra quần đảo Trường Sa công tác, mẹ anh khóc hết nước mắt. Mẹ không muốn đứa con trai duy nhất lại tiếp tục con đường binh nghiệp ở nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên xa gia đình như bố anh. Nhưng vì bố Minh luôn động viên và tin tưởng con trai, nên dần dần bà cũng yên tâm, và còn tự hào vì cả chồng và con đều là lính đảo.

Minh họa: ĐẠI DƯƠNG

Khi được phân công về công tác tại quần đảo Trường Sa, Minh thích nghi với môi trường mới rất nhanh. Chẳng bao lâu anh đã có nước da bánh mật và nụ cười tỏa nắng, hệt như nhiều cư dân sống lâu đời trên đảo. Mỗi lần gọi điện về cho Hiền, Minh thường say sưa kể về cuộc sống ở ngoài đảo xa, về những lần anh và đồng đội lao vào cơn sóng dữ để cứu tàu cá của ngư dân gặp nạn ở An Bang, rồi về những kỷ niệm lần đầu ăn tết xa gia đình ở đảo Tiên Nữ - nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Và cả những đêm quây quần sinh nhật đồng đội bên cột mốc chủ quyền, không có người thân, không có bánh, không có nến, chỉ có món quà giản dị là những vỏ ốc và những nhành hoa muống biển tím ngắt, lính đảo khéo tay đan thành vòng tròn như vòng nguyệt quế, quàng vào cổ tặng nhau, cả đảo từ cán bộ đến chiến sĩ nắm chặt tay nhau hát mừng sinh nhật, tiếng hát như át tiếng sóng… Thời gian xa gia đình dài, thời tiết lại khắc nghiệt, những người chọn “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” như Minh phải rèn luyện bản lĩnh và tinh thần sắt thép để giữ gìn từng rạn san hô, từng con sóng bạc đầu, từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc...

Hiền bị cuốn vào những câu chuyện Minh kể, đâm ra có tâm lý chờ đợi cuộc gọi từ anh. Có một thứ tình cảm sâu kín len lỏi trong lòng Hiền, giống như nỗi nhớ, giống như tình yêu, nhưng Hiền cố gạt đi, cố tự giễu mình là dở hơi, mơ mộng. Mới chỉ gặp nhau một lần trong cuộc họp phụ huynh, vài ba câu chuyện qua điện thoại, đã biết gì về nhau đâu mà nhung với nhớ. Thế nhưng trái tim thật khó bảo, nó đập dồn dập mỗi khi điện thoại báo có tin nhắn của Minh gửi đến. Hiền cũng lờ mờ cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà Minh dành cho, chị hy vọng, chờ đợi ở anh một lời hò hẹn. Con gái là phái yếu, trâu đi tìm cọc, chứ cọc nào đi tìm trâu. Hiền nghĩ thế…
Vậy mà nhoắng một cái, Hiền và Minh đã thành vợ chồng. Lời tỏ tình cũng thật đặc biệt, bởi nó không phải do nhân vật chính nói ra. Giờ thỉnh thoảng nghĩ đến, Hiền lại bật cười. Hôm lớp 12A5 gặp mặt thông báo trúng tuyển đại học và tri ân thầy cô giáo, Hằng dẫn anh trai đến dự. Lúc tan tiệc, Minh mời Hiền và em gái đi uống cà phê. Trong không khí dìu dịu cuối thu và tiếng nhạc trữ tình êm ả, Hằng cố tình giả vờ ra ngoài nghe điện thoại, tạo điều kiện cho anh trai nói với cô giáo những lời thân mật. Nhưng nửa tiếng sau quay vào, vẫn thấy hai người trò chuyện rất xã giao, Hằng không chịu được, nó đẩy Minh ngồi sát cạnh Hiền rồi bất ngờ hỏi: “Anh nói đi, anh có yêu cô giáo em không?”. Hiền thấy Minh lúng túng, hai tai ửng đỏ. Hằng lại bồi tiếp: “Nói nhanh đi, anh có yêu cô giáo em không? Không chứ gì. Vậy thì thôi! Cô Hiền, cô trò mình đi về!”. Rồi nó dứt khoát kéo Hiền đứng dậy, giả bộ bỏ đi. Minh vội vàng giơ tay ngăn lại, hốt hoảng: “Có, anh có yêu!”. Câu trả lời dứt khoát và thái độ lo lắng sợ Hiền đi mất của Minh khiến hai cô trò đều bật cười. Hóa ra, ngay từ hôm họp phụ huynh, Hằng đã muốn làm mối cho anh trai với cô giáo. Chính nó ép Minh mặc quân phục đi họp để gây ấn tượng với cô. Đúng là trăm sự tại duyên, chưa bao giờ Hiền nghĩ cô học trò ngỗ ngược khiến chị nhiều lần tức muốn khóc một ngày không xa lại trở thành cô em chồng dịu dàng, tình cảm và chu đáo…

***


3. Biết tin sẽ được đi cùng đoàn thân nhân ra thăm chồng ngoài Trường Sa, Hiền luống cuống chạy ra chợ mua quà mà hai chân cứ díu lại như người say sóng. Qua những câu chuyện chồng kể, Hiền biết ở đảo bây giờ đã đỡ thiếu thốn hơn nhờ được nhà nước và nhân dân quan tâm. Nhưng với tâm lý người làm vợ, chị vẫn muốn sắm sửa cho chồng từ những vật dụng nhỏ nhất. Cưới nhau xong hai vợ chồng chưa kịp ấm hơi nhau thì Minh đã hết phép phải quay lại đơn vị, nên đến giờ họ vẫn là cặp vợ chồng son. Thế nên, mấy chị em trong tổ giáo viên Văn trêu đùa Hiền là “chuyến đi này nhất định phải tuyển cho bằng được một chú hải quân con”. Nghe các chị nói vậy, Hiền thấy vui vui và hy vọng…

Trường Sa thử thách Hiền bằng những cơn say sóng nôn ra mật xanh mật vàng. Sau hơn hai ngày đêm nằm bẹp dí trong khoang tàu dù đang mùa biển lặng, Hiền choàng tỉnh khi nghe tiếng reo hò ngoài boong. Trước mắt Hiền là một chấm nhỏ ở đường chân trời. Cái chấm đó cứ to dần, to dần... cho đến khi hiện ra cả một hòn đảo rợp màu xanh cây cối. Nhìn thấy Hiền, Minh cứ sững người không tin là sự thật, dù đã được thông báo trước. Căn phòng của hai lính đảo được trưng dụng để cho đôi vợ chồng son hưởng những ngày phúc hạnh phúc bên nhau…

Ngày đầu dẫn vợ đi chào đồng đội, Minh tự hào khi vợ anh được khen xinh đẹp, dịu hiền. Năm ngày ở đảo, Hiền càng thêm hiểu, thêm thương chồng và những người lính nơi đây. Nhìn bữa cơm chỉ toàn đồ hộp, Hiền ước giá ở đất liền, chị sẽ nấu cho các anh những bữa ăn thật nhiều rau xanh, thêm cả nồi canh chua cá lóc mà Minh vẫn khen vợ nấu món này là số một. Lính đảo sống cực vậy mà lãng mạn lắm, lúc rảnh họ xuống biển chọn những vỏ ốc đẹp đem về kết thành hoa ốc. Hiền cũng được chồng tặng một cành hoa xinh xinh như thế. Ra đảo, Hiền ngỡ ngàng khi thấy các lớp học trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa vẫn ngày ngày vang tiếng ê a đánh vần. Chị không nghĩ ngoài biển đảo xa xôi, nơi chỉ có nắng và gió, lại có những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên đến lớp. Mai đây, các em sẽ là những mầm xanh đâm chồi, nảy lộc; sẽ tiếp nối truyền thống dũng cảm, kiên cường của cha ông và khẳng định sức sống mãnh liệt nơi đảo xa.

Đêm cuối cùng bên nhau, vợ chồng Hiền thức trắng. Trong vòng tay ấm áp của chồng, Hiền lặng lẽ nghe chuông đồng hồ thong thả điểm từng tiếng một. Thời gian trôi nhanh quá. Ngày mai Hiền phải trở về đất liền, trở về với công việc, cuộc sống hằng ngày và đối mặt với nỗi cô đơn thui thủi. Cảm giác tủi thân cứ trào lên nghèn nghẹn. Hiền gục đầu vào ngực Minh khóc nức nở. Minh cố mím chặt môi để không rơi nước mắt. Đàn ông nào phải sắt đá, đêm nằm một mình cũng nhớ vợ đến nôn nao. Minh ôm Hiền vào lòng, khẽ đặt lên tóc Hiền một nụ hôn và thì thào: “Cố lên vợ nhé! Đợi anh chút, Tết này anh sẽ về”…

Giây phút chia tay, Hiền khóc, nước mắt chảy dài trên mặt. Dưới chân cầu cảng, người chồng yêu dấu của chị đang nhìn theo vợ lưu luyến. Thời gian ở Trường Sa ít ỏi quá, chưa đủ để cả hai vơi bớt nhớ nhung. Hiền không muốn xa chồng, không muốn tạm biệt mảnh đất đầu sóng ngọn gió mà chồng chị đã coi như quê hương thứ hai. Chị chỉ muốn bỏ tất cả để chạy ào xuống ôm chặt lấy anh.

Tàu hú một hồi còi dài báo hiệu giờ khởi hành đã đến. Mọi người lục tục sắp xếp buồng nghỉ và hành lý. Có người gọi tên Hiền, nhưng Hiền vờ như không nghe thấy. Hiền cứ đứng trên boong tàu nhìn mãi về phía Trường Sa cho đến khi cả hòn đảo và bóng dáng người đàn ông yêu thương của chị chỉ còn là một dấu chấm nhỏ bé giữa trùng khơi mênh mông...

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn