Tàu phóng lôi từ Hạ Long vào Hòn Mê đánh địch

Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Thuyền trưởng HQ333, Tiểu đoàn 135

HQVN -

19 giờ ngày 1-8-1964, Phân đội 3 (tàu 333, 336, 339) của Tiểu đoàn 135 Hải quân được lệnh về cảng lắp ngư lôi chiến đấu. Một tiếng sau, công tác chuẩn bị sẵn sàng xuất kích đã xong. 21 giờ 30, Phân đội 3 nhận lệnh hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) trước 3 giờ sáng 2-8 thả neo đợi lệnh.

Đội tàu tuần tiễu 142, 146 của Khu tuần phòng ở Thanh Hóa cũng được lệnh xuất kích hiệp đồng chiến đấu với Phân đội 3. Hải trình ngót 200 hải lý, nếu thời tiết tốt, Phân đội sẽ chỉ mất khoảng 4 giờ hành quân. Tuy nhiên, không may đêm ấy biển động, có lúc sóng nước tràn ngập boong tàu, cuộc hành quân của Phân đội 3 dài hơn dự kiến, phải đến 8 giờ ngày 2-8 mới đến được Hòn Nẹ.

Tàu phóng lôi xuất kích đánh địch. Ảnh: TL

Vào đến Hòn Nẹ chuẩn bị thả neo, Phân đội lại được lệnh di chuyển hơn 50 hải lý đến Hòn Mê thả neo đợi lệnh. Rất may là lúc này sóng gió yên hơn, cả ngày mặt biển lặng như mặt hồ. 12 giờ 30 ngày 2-8, Phân đội 3 đã hành quân đến Bắc Hòn Mê thả neo rồi ngụy trang cẩn thận. 10 phút sau, Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng lệnh cho Phân đội chuẩn bị chiến đấu. Đại úy Lê Duy Khoái, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 135 chỉ đạo các tàu tháo ngụy trang, nhổ neo thả trôi và tăng cường quan sát trên không, trên biển. Khoảng 10 phút sau, các tàu phát hiện phía Đông Bắc đảo Hòn Mê có một tàu màu đen, nửa trên sơn trắng đang chạy về hướng Bắc. Phán đoán chắc là tàu Ma-đốc của địch đang đi về phía Bắc, Phân đội 3 kiểm tra lại máy móc, vũ khí chờ lệnh.

Đến 14 giờ, được lệnh của Sở chỉ huy tiền phương, 5 tàu của ta xuất kích. Tàu T142, T146 tốc độ chậm nên bị tụt lại phía sau, xa dần đội hình chiến đấu. Phân đội 3 đi đội hình 1 hàng dọc, cự ly cách nhau 1/2 liên. Đến gần vùng biển có tàu địch, ra đa của kỳ hạm 333 mở máy sục sạo mục tiêu và các tàu tăng tốc độ, tăng cường quan sát, ngừng phát sóng ra-đi-ô và thông tin. Khi quan sát thấy mục tiêu lờ mờ, Tàu 333 mở ra đa bám mục tiêu. Đồng chí Luyện, Chiến sĩ ra đa Tàu 333 báo cáo phát hiện tàu Ma-đốc ở mạn trái, cự ly 80 liên thì bất ngờ Tàu Ma-đốc bắn pháo 127 ly vào đội hình Phân đội 3. Tàu 333 đã bắt đầu dính nhiều mảnh đạn bên mạn và trên mặt boong. Sóng yên biển lặng mà có lúc con tàu vẫn chao đảo quá mạnh. Các tàu ta vẫn kiên quyết áp sát mục tiêu để công kích ngư lôi. Đến cự ly cách địch 30 liên, Phân đội 3 chuẩn bị lên đội hình chiến đấu, pháo địch càng bắn dữ dội. Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột kịp thời lệnh cho Tàu 336 và Tàu 339 chọn góc mạn và cự ly tốt nhất vào hướng chiến đấu phóng ngư lôi. Các tàu nhanh chóng chấp hành mệnh lệnh. Tàu Ma-đốc phát hiện tàu ta vào hướng chiến đấu, liền quay mũi chạy ra.

 Tàu phóng lôi cơ động trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: TL

Quyết không để tàu địch chạy thoát, Tàu 333 mở góc mạn, tăng tốc độ tối đa để tàu 336, 339 tiếp cận góc mạn có lợi. Tàu địch vừa chạy vừa tập trung hỏa lực bắn vào đội hình Phân đội 3. Đến 15 giờ 24, Tàu 339 vượt lên và phóng ngư lôi vào tàu địch ở góc mạn phải, 110 độ, cự ly 8 liên. Tiếp đến, Tàu 336 phóng ngư lôi ở góc mạn 120 độ, cự ly 7 liên nhưng bị rốc két của máy bay địch bắn vào phía trước đài chỉ huy khiến Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự và 1 pháo thủ hy sinh. Tàu 339 cũng bị địch bắn hỏng 1 máy chính, 1 pháo thủ, 1 chiến sĩ cơ điện hy sinh. Hai tàu 336 và 339 dù mất khả năng cơ động chiến đấu vẫn kiên cường dùng súng bộ binh đánh trả máy bay địch.

Thấy loạt phóng ngư lôi đầu chưa gây tổn thất cho tàu địch, Phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng Tàu 333 cho tàu mở tốc độ tối đa, mục đích để phân tán hỏa lực địch và chọn trận địa tốt để phóng ngư lôi. Quá trình vận động, Tàu 333 bị pháo địch bắn chặn dữ dội; toàn bộ hệ thống thông tin bị hư hỏng; cột ăng ten 607, 609 bị gãy, báo vụ phải chắp nối mới giữ được liên lạc nội bộ, nhưng không thể liên lạc được với cấp trên. Hai bên mạn Tàu 333 bị nhiều mảnh đạn xuyên thủng, bốc cháy. Để đảm bảo an toàn, Tàu 333 buộc phải phóng bỏ ngư lôi trái. Pháo thủ Phạm Bá Phong vững vàng trên mâm pháo chờ lệnh mặc hỏa lực địch bắn như vãi đạn. Tàu 333 kiên cường chống đỡ và bám sát mục tiêu. Các chiến sĩ giữ vững vị trí chiến đấu. Thuyền trưởng, chiến sĩ ngư lôi, nghiệp vụ hàng hải bị thương nhẹ.

Vượt qua làn đạn địch, Tàu 333 đi vào hướng chiến đấu, quả ngư lôi phải chuẩn bị, pháo 14 ly 5 bắt mục tiêu. Khi đến cự ly 6 hoặc 5 liên, pháo Tàu 333 bắn quét lên boong tàu địch và phóng ngư lôi ở góc mạn 70-80 độ. Kết thúc phóng ngư lôi, Tàu 333 quay ngược hướng với tàu địch rời khỏi vị trí chiến đấu. Trên trời, tốp máy bay địch bay rất thấp, lồng lên phóng rốc két và pháo 20 ly hòng tiêu diệt tàu ta để yểm trợ cho tàu Ma-đốc tháo chạy. Khẩu 14 ly 5 hai nòng vừa trút đạn lên boong tàu Ma-đốc lập tức chuyển sang đánh trả tốp máy bay địch. Tất cả vũ khí có trên tàu đều được huy động lên boong để đánh máy bay. Khoảng 30-40 phút sau, trời đã nhá nhem tối, cả tàu chiến và máy bay Mỹ rút khỏi vùng trời, vùng biển nước ta, trận chiến đấu kết thúc.

Do hệ thống thông tin bị hỏng nên không liên lạc được với biên đội, Tàu 333 quay lại khu vực chiến đấu của tàu 336 và 339 nhưng chỉ tìm được Tàu 336 rồi kéo về Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tàu 339 tự sửa máy, chạy về Hòn Nẹ đưa thương binh, liệt sĩ lên bờ rồi trở về căn cứ Vạn Hoa. Khoảng 22 giờ đêm 2-8, tàu 333 và 336 mới về đến Sầm Sơn. Bộ đội cùng nhân dân địa phương đã nhanh chóng đưa thương binh, liệt sĩ về tuyến sau, sửa chữa hư hỏng, bổ sung một số trang thiết bị cần thiết cho tàu. Tàu 333 và 336 cùng 2 tàu tuần tiễu tiếp tục tham gia trận đánh máy bay Mỹ diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 5-8 tại Lạch Trường, Thanh Hóa, hạ 2 máy bay Mỹ.

 Các chiến sĩ Hải quân nhận Bằng khen của Quân chủng Hải quân sau trận đánh tàu khu trục Ma đốc ngày 2-8-1964. Ảnh: Đoàn Tý (TTXVN)

Trong trận chiến đấu với tàu Ma-đốc ngày 2-8-1964, mặc dù có sự chênh lệch quá lớn về tàu, vũ khí nhưng với quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Phân đội 3 đã không sợ hy sinh, dũng cảm chiến đấu đánh bị thương tàu Ma-đốc, hạ 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc chúng phải tháo chạy khỏi hải phận của ta. Về phía ta, 2 tàu bị hư hỏng máy móc và bị thương; 1 thuyền trưởng, 2 pháo thủ, 1 chiến sĩ cơ điện bị hy sinh; 6 đồng chí bị thương nặng.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn