Tàu hộ vệ lớp Talwar của Hải quân Ấn Độ

HQ Online -

Hải quân Ấn Độ hiện đang có 6 tàu hộ vệ lớp Talwar đang hoạt động. Chiếc thứ 7 (INS Tushil) mới được hạ thuỷ ngày 28/10/2021 tại Nhà máy Yantar ở thành phố Kaliningrad, Liên bang Nga.

 

Tàu hộ vệ INS Tushil trong lễ hạ thuỷ ở thành phố Kiliningrad, Liên bang Nga

Tàu hộ vệ lớp Talwar được phát triển từ lớp tàu hộ vệ Dự án 1135 Burevestnik (chim báo bão) của Liên Xô, được NATO đặt tên mã là lớp Krivak. Đây là lớp tàu đông đảo nhất trong Hải quân Liên Xô với 40 chiếc được đóng trong giai đoạn 1970 - 1993. Lớp tàu này có đặc trưng là khả năng chống ngầm, phòng không rất mạnh, sức cơ động cao. Đây cũng là lớp tàu thường gặp của Hải quân Liên Xô trước đây trên khắp đại dương thế giới. Hiện nay, tàu hộ vệ lớp 1135 Burevestnik chỉ còn 3 chiếc đang phục vụ trong Hải quân Liên bang Nga.

Theo đơn đặt hàng tàu hộ vệ lớp Talwar từ Hải quân Ấn Độ, Dự án 1135 đã được Nga phát triển lên thành 11356 với đặc điểm chính là tàu được trang bị một số vũ khí, hệ thống điện tử tiên tiến của Nga và Ấn Độ. Thân tàu được vuốt lại cho đảm bảo tính tàng hình, giảm thiểu tiếng ồn, bố trí hangga trước boong bay trực thăng, tăng cường tính đa năng bên cạnh việc giữ nguyên năng lực chống ngầm và phòng không của lớp 1135 nguyên bản. Trong các năm từ 1999 - 2012, Hải quân Ấn Độ đã tiếp nhận và đưa vào biên chế 6 tàu, trong đó loạt 3 tàu thứ hai được trang bị tên lửa BrahMos cùng với radar, sonar, một số thiết bị điện tử tiên tiến khác do Ấn Độ sản xuất.

Tàu hộ vệ Talwar của Hải quân Ấn Độ

Mặc dù lớp Talwar (Dự án 11356) là sản phẩm dành cho xuất khẩu nhưng sự thành công của lớp tàu này trong Hải quân Ấn Độ đã khiến Hải quân Nga tiếp tục phát triển Dự án 11356 lên thành 11357 (các tàu hộ vệ lớp Đô đốc Grigorevich) để sử dụng trong Hải quân Nga.

Đặc điểm của lớp tàu nội địa này là được trang bị vũ khí mạnh hơn, tiên tiến hơn, như các loại tên lửa phòng không, chống ngầm, đối hạm đều được bố trí trong các bệ phóng thẳng đứng, trang bị pháo chính A192 cỡ nòng 130mm. Khí tài điện tử (radar, sonar…) đều là hàng nội địa của Nga nhưng hệ thống máy chỉ huy bắn vũ khí chống ngầm tiến tiến (hệ thống Purga) thì vẫn là hàng Ấn Độ.

Chương trình 11357 (lớp Đô đốc Grigorevich) gồm 6 tàu hộ vệ tên lửa đóng cho Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga. Tuy nhiên, chương trình này mới đóng được 3 tàu thì phải dừng lại do Nga bị cấm vận, không nhận được hệ thống động lực từ Ucraina. Vì vậy, 2 thân vỏ đã đóng xong được bán cho Ấn Độ. Trong đó, INS Tushil được hoàn thiện từ thân vỏ của tàu Đô đốc Butakov, thân vỏ còn lại (Đô đốc Istomin) sau khi hoàn thiện sẽ là INS Tamala.

Nga cũng chuyển giao công nghệ để Ấn Độ tự đóng thêm loạt 2 tàu Talwar trong nước. Như vậy, Hải quân Ấn Độ sẽ có 10 tàu hộ vệ lớp Talwar nhưng vẫn còn thiếu nếu so với nhu cầu gồm 24 tàu của hải quân nước này.

Minh Ngọc

Một số tính năng của tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar:

Dài 124,8m; rộng 15,2m. Lượng giãn nước đầy tải 4.300 tấn. Kíp tàu 180 người (18 sĩ quan). Hệ động lực COGAG M7N.1E của Zorya-Mashproekt. Tốc độ tối đa 30M/h; tầm hoạt động 4.800 hải lý (14M/h); thời gian hoạt động 30 ngày.

Vũ khí: 24 tên lửa phòng không Shtil; 8 tên lửa đối hạm Klub hoặc BrahMos; 1 pháo 100mm A-190; 2 pháo 30mm AK-630 hoặc 2 hệ pháo-tên lửa phòng không tầm gần Kashtan; 2 giàn phóng ngư lôi 533mm 2 ống; 1 giàn phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000; 1 trực thăng Ka-28 hoặc Ka-31 hoặc HAL Dhruv do Ấn Độ sản xuất.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn