Sức sống của một lời hiệu triệu dân tộc

HQ Online -

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến cách đây đã 70 năm. Đất nước ta đã trải qua những bước tiến dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ 6-3-1945 và Tạm ước 14-9-1946, thực dân Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn; cho quân đổ bộ vào Đà Nẵng… Nghiêm trọng hơn, ngày 18-12-1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng trong vòng 48 giờ… Trước tình thế nghiêm trọng đó, Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng và nhận định: Khả năng hòa bình không còn nữa, nếu tiếp tục nhân nhượng, thuận theo những điều kiện lúc này của thực dân Pháp thì đồng nghĩa với việc trao độc lập, chủ quyền của ta cho chúng. Nhân dân ta chỉ còn một con đường duy nhất là cầm vũ khí đứng lên.

Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, ngày 19-12-1946, tại nhà ông Nguyễn Văn Dương ở Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Mở đầu lời kêu gọi, Người chỉ rõ dã tâm của thực dân Pháp bằng những lời ngắn gọn mà đanh thép: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Dù chúng ta đã tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, đối phương chủ trương gây chiến. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải dùng chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa.

Khi đã buộc phải kháng chiến thì Bác động viên toàn dân đứng lên chiến đấu: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Giường tủ, sập gụ tủ chè được huy động làm chiến lũy trên những con phố của Thủ đô

Để chuẩn bị vào kháng chiến, trước hết phải xây dựng cho toàn dân quyết tâm chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Và Người khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Nhưng để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược hùng mạnh, chúng ta phải kháng chiến theo đường lối và phương châm nào? Trước đó, Người đã đưa ra lời giải chính xác, đó là tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với phương châm lâu dài và dựa vào sức mình là chính: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”; “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Chưa tới 200 từ, nhưng từng chữ trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng ăn sâu, bám rễ, thấm nhuần vào tâm khảm nhân dân, trở thành mệnh lệnh thúc giục triệu triệu quân dân Việt Nam đứng lên cầm vũ khí chiến đấu vì dân tộc.

Sau 9 năm thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng nếm mật nằm gai, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non… làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc đối phương phải ký Hiệp định Giơnevơ. Theo đó, nền độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam được công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đấu tranh để thống nhất đất nước.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần quật khởi, quyết chiến quyết thắng được dân tộc Việt Nam kế tục và phát huy suốt cuộc kháng chiến 30 năm đánh bại thực dân Mỹ xâm lược. Toàn dân ta đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo nguyện ước của Bác Hồ.

70 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua biết bao thăng trầm thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Ngày nay, Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn giữ nguyên tính thời sự. Đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sự nghiệp xây dựng CNXH còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, nước Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định thế và lực quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phúc Vinh (TH)

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn