Rèn cán, luyện quân ở Lữ đoàn Tàu ngầm 189

Năm 2016, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là một trong 11 đơn vị Hải quân được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” và Bộ tổng Tham mưu tặng cờ “Đơn vị huấn luyện thể lực giỏi”. Rút kinh nghiệm kết quả huấn luyện năm vừa qua, năm 2017, Lữ đoàn 189 tiếp tục đề ra các giải pháp quyết liệt hơn, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện chuyển giao, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao.

Huấn luyện làm chủ trang bị kỹ thuật mới ở Trung tâm Huấn luyện tàu ngầm

Chúng tôi có mặt tại Lữ đoàn Tàu ngầm 189 vào thời điểm Lữ đoàn tổ chức Lễ ra quân huấn luyện năm 2017. Gương mặt tươi vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn cùng với sự chu đáo, chính qui trong công tác tổ chức mang màu sắc của một đơn vị tàu ngầm hiện đại hứa hẹn một mùa huấn luyện bội thu.

Nâng cao chất lượng huấn luyện chuyển giao, làm chủ trang bị mới

Vừa tiếp nhận các tàu mới vừa huấn luyện khai thác, làm chủ, duy trì khả năng SSCĐ nên nhiệm vụ huấn luyện năm 2017 đặt ra nhiều yêu cầu mới, khẩn trương đối với Lữ đoàn 189. Đại tá Hoàng Lương Ngọc, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 chia sẻ: Để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện năm 2017, bên cạnh việc quán triệt nghiêm mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Hải quân, nhất là nhiệm vụ huấn luyện do đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng giao cho Lữ đoàn tại lễ ra quân huấn luyện năm 2017; Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 189 đã có nghị quyết chuyên đề về huấn luyện; tổ chức phát động thi đua nhằm phát huy tinh thần tự giác, sự cống hiến tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Các đại biểu tham quan mô hình học cụ trong lễ ra quân huấn luyện ở Lữ đoàn 189

Trong nhiệm vụ huấn luyện năm nay, huấn luyện chuyển giao, khai thác, làm chủ trang bị mới tiếp tục được Lữ đoàn đặc biệt quan tâm. Rút kinh nghiệm từ những mặt hạn chế về huấn luyện năm qua, đối với các tàu mới tiếp nhận, sau khi chuyên gia sang hướng dẫn, Lữ đoàn thống nhất kế hoạch, cử các đồng chí có ngoại ngữ, trình độ giỏi để tiếp thu chuyên môn từ chuyên gia rồi hướng dẫn lại cho kíp mới; đồng thời giao cho một chỉ huy Lữ đoàn trực tiếp bám nắm các tàu để chỉ huy công tác huấn luyện chuyển giao. Khi có tàu mới về, Lữ đoàn thành lập các kíp tàu rút gọn được tuyển chọn từ các kíp tàu ngầm đi trước, chọn những đồng chí có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tác phong chỉ huy để trực tiếp hướng dẫn và kèm cặp giúp đỡ các kíp tàu ngầm mới. Các cơ quan Lữ đoàn đều phải có mặt để chỉ đạo, theo dõi quá trình huấn luyện chuyển giao. Các đồng chí nghiệp vụ trưởng hàng ngày phải theo dõi các kíp tàu huấn luyện. Kết thúc huấn luyện hàng ngày, nghiệp vụ trưởng phải báo cáo kết quả cho Tham mưu trưởng Lữ đoàn về kết quả huấn luyện kíp tàu mới nhận. Sau đó, Tham mưu trưởng báo cáo với Lữ đoàn trưởng để kịp thời có giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém trong ngày.

Rèn cán, luyện quân, đảm bảo an toàn

Có mặt tại Trung tâm Huấn luyện tàu ngầm Lữ đoàn 189, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự qui mô, bề thế, hiện đại và những yêu cầu cao đối với các học viên đang huấn luyện tại đây. Dù ở trong phòng lạnh nhưng các thủy thủ đều ướt đẫm mồ hôi khi thực hành các nội dung huấn luyện, tình huống SSCĐ. Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 189 cho biết: Lữ đoàn luôn phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Huấn luyện bởi các nội dung, trang thiết bị tại đây đều giống như ở tàu ngầm thực tế nên chúng tôi sắp xếp lịch huấn luyện tại đây luôn khoa học, tỷ mỷ; tránh chồng chéo, lãng phí thời gian học; sau mỗi nội dung đều kiểm tra đánh giá kết quả. Trước khi các tàu ngầm đi biển, các kíp tàu đều được kiểm tra việc xử lý tình huống trên biển theo từng cấp độ khác nhau, nếu chưa đạt yêu cầu phải huấn luyện lại mới được xuống tàu đi biển.

Một buổi huấn luyện thể lực của các thủy thủ Tàu ngầm Lữ đoàn 189

Khác với các đơn vị khác, các đơn vị tàu ngầm phải huấn luyện liên tục 12/12 tháng, bất kể ngày đêm, có yêu cầu rất cao về hệ số kỹ thuật và công tác đảm bảo an toàn. Do đó, ngoài việc các cơ quan Lữ đoàn phải bám sát đơn vị, nắm chắc các nội dung huấn luyện để phân công cán bộ phụ trách, Lữ đoàn còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra kết quả huấn luyện, tình trạng kỹ thuật tàu. Nếu không đạt, các tàu phải huấn luyện lại, huấn luyện bổ sung mới được đi biển. Sau mỗi chuyến đi biển về, các tàu đều tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ huy các tàu khác cũng phải có mặt để cùng trao đổi kinh nghiệm; đồng thời ghi chép lại các tình huống, sự cố mà các tàu đã xử lý thành cẩm nang để phổ biến trong toàn đơn vị.

Theo Đại tá Hoàng Lương Ngọc, công tác huấn luyện cán bộ là một trong những khâu quan trọng quyết định kết quả huấn luyện của đơn vị. Hàng tháng, Lữ đoàn duy trì nghiêm chế độ tập huấn cán bộ, chế độ học tập, tự học tập của cán bộ; trong đó đẩy mạnh việc kiểm tra và hội thao huấn luyện. Vào buổi tối, đơn vị đều duy trì các bài tập nhóm, hội thao kíp chiến đấu để đánh giá khả năng của từng kíp. Trong hội thao kíp chiến đấu, Lữ đoàn tổ chức kíp chiến đấu 3 tàu trở lên. Sau mỗi bài hội thao đều tổ chức làm rõ những điểm mạnh điểm yếu của từng kíp để rút ra bài học kinh nghiệm.

Năm nay đơn vị tiếp tục thực hiện đột phá về thực hiện qui tắc an toàn. Bởi mất an toàn đối với tàu ngầm là thảm họa lớn. Hàng ngày, cán bộ thuyền, ngành đều tổ chức kiểm tra việc nắm bắt qui trình, qui tắc đảm bảo an toàn đối với tất cả các thủy thủ. Quá trình huấn luyện, khai thác, các vị trí đều thực hiện theo khẩu lệnh, mệnh lệnh của trên, không được phép làm tắt làm ẩu. Trước khi đi biển đều tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác kỹ thuật. Trong thanh tra huấn luyện, đơn vị đều đưa ra các tình huống mất an toàn hoặc có sự cố để các thủy thủ xử lý tình huống.

Với các giải pháp mới, quyết liệt hơn, chúng tôi tin rằng mùa huấn luyện năm 2017, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích mới, tiếp tục là đơn vị huấn luyện giỏi cấp Bộ Quốc phòng.

Bài, ảnh: Trọng Thiết

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn