Rà phá thủy lôi, bom từ trường trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1967-1968)

HQVN -

Ngày 1/6/1966, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định: “Vấn đề chống phong tỏa các cảng là nhiệm vụ cấp thiết” và chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tích cực nghiên cứu kế hoạch, chuẩn bị đối phó. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân làm đề án phòng, chống địch phong tỏa thủy lôi và giúp cấp trên chỉ đạo về chuyên môn. Chủ trương chung của Bộ là: “Phải hết sức tích cực đánh địch, đừng để địch phong tỏa cảng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện để khi địch phong tỏa cảng thì giải quyết được nhanh chóng; chuẩn bị phải tập trung và trọng điểm”.

Ngày 20/6/1966, Bộ Tổng Tham mưu ra thông báo về âm mưu của địch phong tỏa các cảng sông, biển và đường giao thông. Đồng thời Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ thị tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống và giao cho Hải quân làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện.

Để chủ động đối phó với nguy cơ địch sử dụng thủy lôi phong tỏa vùng biển miền Bắc, ngay từ đầu năm 1966, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra Nghị quyết lãnh đạo Quân chủng chủ động xây dựng kế hoạch chống địch phong tỏa đường thủy. Đến đầu tháng 4/1966, kế hoạch chống địch phong tỏa đã cơ bản hoàn thành và được Bộ Tư lệnh Quân chủng thông qua.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, từ ngày 23 đến 24/6/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Bộ Tham mưu triển khai ngay việc tổ chức hội nghị hiệp đồng giữa Hải quân với các lực lượng có liên quan để quán triệt chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, thảo luận kế hoạch chung và 2 đề án chống địch phong tỏa thủy lôi do Quân chủng Hải quân soạn thảo. Ngày 27/6/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trì tổ chức Hội nghị hiệp đồng chống phong tỏa thủy lôi với Quân khu 3, Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang và Công an vũ trang Hải Phòng; phân công trách nhiệm cho từng lực lượng.

Khí tài HDL9 điều khiển từ xa do Ngành Kỹ thuật Hải quân chế tạo năm 1967 để rà phá thủy lôi DST-36 trên sông Văn Úc, TP. Hải Phòng. Ảnh: TL

Trong đó, Hải quân tổ chức đội phá thủy lôi, có trách nhiệm nghiên cứu kỹ thuật, tìm cách tháo gỡ và huấn luyện, hướng dẫn cho lực lượng của các tỉnh, quân khu và lực lượng liên quan khác tham gia tháo gỡ, rà phá thuỷ lôi. Không quân dùng máy bay thả bom chìm để phá thủy lôi khi được Hải quân xác định vị trí. Quân khu Đông Bắc và Quân khu 3 tổ chức những đội tàu thuyền, thợ lặn... hiệp đồng với Hải quân để rà phá thuỷ lôi theo khu vực phân công. Các lực lượng khác và Công an Hải Phòng, Công an Quảng Ninh... sử dụng tàu cá của các xí nghiệp tổ chức những đội quan sát và hiệp đồng với Hải quân để tháo gỡ, rà phá thuỷ lôi.

Cùng thời điểm này, Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân đã dẫn đầu đoàn cán bộ Hải quân trực tiếp làm việc với Thành ủy và Ủy ban Hành chính TP. Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường biển, Tổng cục Thủy sản, cảng Hải Phòng... bàn kế hoạch hiệp đồng và phân công nhiệm vụ cụ thể các lực lượng trong hiệp đồng chống địch phong tỏa thủy lôi.

Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định thành lập cơ quan nghiên cứu kỹ thuật chống phong tỏa thủy lôi; tổ chức lực lượng rà phá thủy lôi; giao nhiệm vụ cho Phòng Công binh vừa tổ chức huấn luyện lực lượng làm nhiệm vụ chống phong tỏa của địch vừa cử người về các địa phương ven biển giúp đỡ việc tổ chức quan sát và huấn luyện kỹ thuật rà phá thủy lôi; giao nhiệm vụ cho Cục Hậu cần và các xưởng, trạm chủ động nghiên cứu, sản xuất khí tài, dụng cụ quan sát, rà phá thủy lôi của địch.

Ngày 2/7/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Đại đội 8 Công binh chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu, rà phá thủy lôi địch do đồng chí Hoàng Lưu làm Đại đội trưởng, đồng chí Trương Thế Hùng làm Đại đội phó kỹ thuật, đồng chí Độ làm Đại đội phó hậu cần và đồng chí Giám làm Chính trị viên. Lực lượng ban đầu của đội có 50 người, trong đó có một số giáo viên của Trường sĩ quan Hải quân làm nòng cốt.

Ngày 3/7/1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tiếp tục lập kế hoạch phòng, chống địch phong tỏa cảng Hải Phòng và khu Đông Bắc; xác định chủ trương, biện pháp đối phó với âm mưu phong tỏa của địch và nhiệm vụ cụ thể của ta. Ngày 11/7/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân hiệp đồng cụ thể với Cục Vận tải đường biển để khẩn trương khảo sát tìm luồng lạch khác và tổ chức khai thác các luồng mới, phân tán nơi neo đậu của các tàu... để đề phòng địch phong tỏa.

Ngày 20/7/1966, Quân ủy Trung ương tiếp tục chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tích cực đẩy mạnh công tác chuẩn bị chống địch phong tỏa. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tập trung nghiên cứu xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể, kịp thời tham mưu cho Bộ và chỉ đạo về nghiệp vụ kỹ thuật chống, phá thủy lôi cho các lực lượng vũ trang đồng thời tổ chức các đội tháo gỡ thủy lôi ở những khu vực trọng điểm. Do đã chủ động chuẩn bị trước nên cuối tháng 8/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chủ trì tổ chức diễn tập hiệp đồng rà phá thủy lôi với máy bay của Không quân và các lực lượng ở khu vực Hải Phòng để rút kinh nghiệm chung.

Để có được kỹ thuật ban đầu về rà phá, tháo gỡ thủy lôi của địch, tháng 9/1966, Quân chủng Hải quân đề nghị với Bộ Quốc phòng nhờ Liên Xô cho chuyên gia sang giúp mở lớp huấn luyện tháo gỡ thủy lôi cho 40 cán bộ, chiến sĩ tại cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng; nhờ Trung Quốc cử chuyên gia sang giúp mở lớp huấn luyện về rà phá bom, mìn tại Trường sĩ quan Hải quân.

Ngày 20/10/1966, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ chỉ huy quân sự đối với các đoàn tàu vận tải quốc doanh và đánh cá (tổng cộng 170 chiếc, có 8 chiếc của Cục Vận tải đường biển). Quân chủng đã trang bị súng 14,5mm và 12,7mm cho các tàu thuyền để sẵn sàng đánh trả máy bay, tàu chiến địch đồng thời hướng dẫn các tàu thuyền tổ chức quan sát, phát hiện máy bay, tàu chiến địch xâm phạm đánh phá và thả thủy lôi...

Ngày 29/12/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu kỹ thuật trực thuộc Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân để nghiên cứu các loại phương tiện, VKTB của các nước viện trợ nhằm cải tiến cho phù hợp với điều kiện của ta và nghiên cứu cải tiến chế tạo mới phục vụ cho chiến đấu của Quân chủng. Đầu tháng 1/1967, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã mở được 4 lớp tập huấn cho 112 người ở các khu vực Hải Phòng, Cát Hải, Cát Bà, Quân khu Đông Bắc về công tác quan sát phát hiện, xác định vị trí thủy lôi, mở một lớp lặn mò thuỷ lôi và một lớp kỹ thuật tháo gỡ thủy lôi cho các đơn vị, thời gian 45 ngày, đồng thời cung cấp một số phương tiện khí tài rà phá cho các địa phương ven biển, những thiết bị này chủ yếu là khí tài thô sơ.

Như vậy, ngay từ đầu, công tác phòng, chống địch phong tỏa sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường đã được chỉ đạo chặt chẽ, chủ động và chuẩn bị rất tích cực, có phân công nhiệm vụ cho các lực lượng hiệp đồng cụ thể, trong đó, Hải quân giữ vai trò là nòng cốt, chủ lực, đột phá, đi tiên phong trong cuộc chiến đấu quan trọng này.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn