Quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không để đứt gãy nền kinh tế

Ngày 3-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2020, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu kép, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 bước sang giai đoạn 2. Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn, đề ra các giải pháp xử lý những vấn đề đặt ra, trong đó có phòng, chống dịch, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tình hình thực hiện các gói cứu trợ vừa qua...

Nền kinh tế xuất siêu 6,5 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số CPI tháng 7-2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước-mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển ổn định nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng (khoảng 30.000ha lúa và rau màu bị khô hạn). Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không để đứt gãy nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh: THỐNG NHẤT

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Thu hút FDI được cải thiện, 7 tháng đạt 18,8 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ nhưng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào.

Dịch Covid-19 trong tầm kiểm soát

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không, những ngành chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19 thì đã tiến triển đáng mừng.

Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 7 đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao, khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên cần thực hiện mục tiêu kép, với tinh thần chỉ đạo là không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng, chống dịch. Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách xã hội một cách tràn lan. Sắp tới sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh. Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới quốc gia, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế.

Quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không để đứt gãy nền kinh tế

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: THỐNG NHẤT

Quyết tâm giải ngân hết 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giảm tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. 

Thủ tướng chỉ đạo kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Theo Thủ tướng, việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch Covid-19 quay trở lại. Mở rộng tín dụng, bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ có liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III-2020 và năm 2021. Việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-8 để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan.

Về đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4% trong năm nay, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020.

* Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản hoàn tất. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp với ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương để rà soát lần cuối và xem xét tình hình dịch bệnh nhằm lựa chọn phương án. Phần lớn địa phương thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn.

Bộ đề xuất, với tình hình như hiện nay, các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì bộ sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp. Các địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết bảo đảm điều kiện an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện đúng Luật Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định và giao cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về nội dung. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong từng địa phương trên tinh thần bảo đảm an toàn.

Theo QĐND điện tử

Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 thành 2 đợt

Chiều 3-8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, trả lời những câu hỏi của phóng viên về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thành hai đợt. Theo đó, Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội sẽ lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Các địa phương còn lại sẽ thực hiện thi đúng kế hoạch (kỳ thi diễn ra từ ngày 8 đến 10-8) theo phương án bảo đảm phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những đối tượng đang là bệnh nhân (F0) sẽ được xét đặc cách theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho kỳ thi, các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước cũng sẽ thi vào đợt 2. Với việc xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT tiếp tục có công văn để các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi bằng cách có phương thức tuyển sinh phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh và bảo đảm công bằng khách quan. 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn