Quân dung tươi tỉnh...

HQVN -

Bụng thóp, ngực nở, cằm thu, miệng ngậm, mắt nhìn thẳng, quân dung tươi tỉnh… Đó là những yêu cầu bắt buộc khi thực hiện tư thế đứng nghiêm-bài huấn luyện đầu tiên của tân binh trong môi trường quân ngũ. Giữ cho quân dung tươi tỉnh không chỉ là yêu cầu của điều lệnh đội ngũ, mà còn nét đẹp thể hiện phong thái, bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ…

1
Đã qua ngưỡng ngũ thập, gần 35 năm tuổi quân, 30 năm tuổi Đảng, mang quân hàm đại tá…, nhưng dấu ấn ngày đầu quân ngũ với tôi vẫn tươi rói như mới hôm qua. Luyện tập tư thế đứng nghiêm là bài học đầu tiên chúng tôi được huấn luyện. Trong điều lệnh đội ngũ, các khẩu lệnh của người chỉ huy đều có dự lệnh và động lệnh. Chỉ có “nghiêm” và “nghỉ” không có dự lệnh. Nghe dứt khẩu lệnh, quân nhân phải thực hiện ngay và luôn. Phân tích dài dòng thế nhưng thực hiện thì chỉ trong chớp mắt. Những yêu cầu khác chỉ mang tính kỹ thuật. Riêng “quân dung tươi tỉnh” thì đó là thần thái. Muốn giữ cho tư thế nghiêm trang, quân dung tươi tỉnh, quân nhân cần sự tự tin, bản lĩnh. Và đó chính là nét đẹp văn hóa, phong cách Bộ đội Cụ Hồ. Để có được điều đó là cả một quá trình rèn luyện. Những người đã trải qua môi trường quân ngũ, được tôi luyện trong kỷ luật sắt, tự giác, nghiêm minh, họ luôn có những nét riêng dễ nhận thấy. Từ đi đứng, nói năng đến ứng xử các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày…

Tổ Quân kỳ Lữ đoàn 126 duyệt đội ngũ. Ảnh: Duy Khánh

Nhớ cái thời còn mang quân hàm trung úy, một lần được nghỉ phép, tôi dẫn bạn gái đi dạo phố. Giữa san sát nhà hàng, quán nhậu, đèn xanh, đèn đỏ rợp phố đêm, tôi chỉ dám dắt tay nàng vào cái quán chè thập cẩm ở góc công viên. Bởi, muốn có hai chỗ ngồi trong những nhà hàng sang chảnh ấy là đi đứt gần tháng lương trung úy. Ở một hoàn cảnh khác, có lẽ tôi sẽ thấy tự ti lắm. Nhưng, nhờ bộ quân phục, nhờ những ngôi sao trên vai áo, nhờ quân dung tươi tỉnh mà chỉ cần hai ly chè thập cẩm cũng đủ để tôi tạo dấu ấn với bạn gái và những người xung quanh. Giữa bao la rực rỡ xiêm áo, màu quân phục có một vị trí rất riêng, chiếm trọn tình cảm và sự quý mến của người dân thành phố. Ngay cả đám thanh niên tóc hoe, tóc đỏ, xăm trổ đứng túm tụm ở công viên cũng phải kìm cơn hứng thú ghẹo con gái nhà lành khi thấy tôi nắm tay nàng đi ngang qua. Kỳ nghỉ phép, với quân nhân, nó thi vị và ý nghĩa không chỉ với bản thân mình mà còn mang đến những sắc màu lãng mạn, niềm tin, nguồn năng lượng tích cực cho gia đình, người thân, người thương…

Cuộc sống bộ đội giản dị vậy nhưng lúc nào cũng quân dung tươi tỉnh. Những người con gái đem lòng yêu bộ đội, lấy bộ đội, biết là quanh năm “nuôi con bằng kẹo, nuôi vợ bằng thư” nhưng họ chấp nhận trong tâm trạng hạnh phúc. Làm vợ bộ đội, với nhiều chị, nhiều cô, đôi khi còn là sự kiêu hãnh. Cũng nhờ hậu phương như thế, nhờ sự yêu mến, cảm thông từ lòng dân như lòng mẹ bao la như thế nên bộ đội, dù vất vả, khó khăn trăm bề vẫn luôn vững tin, vững lòng, luôn quân dung tươi tỉnh…
Thế hệ những người lính chúng tôi chưa một ngày phải nếm trải bom đạn chiến trường. Sinh ra, lớn lên trong thời bao cấp, nhập ngũ trong thời kỳ đổi mới, dẫu có khó khăn, gian khổ và tất nhiên là… nghèo nhưng so với thời cha anh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vẫn còn sướng chán!

Đi từ cái lõi của môi trường quân ngũ bước ra đời sống xã hội, nhìn rộng dài ra thế giới mới thấy rõ, mới thấm thía sâu sắc cái giá của hòa bình. Những rung chấn địa chính trị ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, những cuộc xung đột vũ trang đầy chết chóc ở Ukraina, Dải Gaza… hiện nay cho thấy, nếu vì bất cứ một lý do nào, nhà cầm quyền đẩy đất nước đến miệng vực chiến tranh thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Được sống trong một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển, đó là niềm hạnh phúc của nhân dân. Nhắc điều ấy, nhấn mạnh vấn đề có tính chân lý ấy để thấy rằng, đừng vì những yếu kém đang tồn tại trong bộ máy công quyền, đừng vì thấy nhiều cán bộ vướng vòng lao lý mà suy nghĩ cực đoan rồi vội vã nghe theo, hùa theo, tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, rồi quay lưng, trở cờ, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc…

Chiến sĩ Hải quân. Ảnh: Nguyễn Vũ Hậu

2
Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn báo chí được đi cùng các đoàn công tác ra thăm, chúc Tết quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam và các vùng biển, đảo Tổ quốc. Được tham gia những chuyến đi ý nghĩa ấy là niềm vinh dự lớn lao của người làm báo. Những cây bút nổi tiếng, vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, họ luôn coi đó là cơ hội tuyệt vời để tìm kiếm đề tài, khai mở tiềm năng sáng tạo của bản thân, ấp ủ cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.

Nhà báo, nhà văn Bùi Tiểu Quyên, công tác tại Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ. Sau nhiều năm cầm bút, sáng tác nhiều đề tài, thể loại, Bùi Tiểu Quyên nhận ra bản thân có duyên với mảng văn học thiếu nhi. Sau chuyến đi công tác Trường Sa, năm 2021, Bùi Tiểu Quyên cho ra đời cuốn truyện “Cà Nóng chu du Trường Sa”, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Trong tác phẩm của mình, tác giả hóa thân thành chiếc máy ảnh Canon (Cà Nóng) kể cho các bạn nhỏ nghe về hành trình đi Trường Sa với những khám phá, trải nghiệm thú vị. Nhiều tình tiết, câu chuyện được thể hiện theo phong cách dân gian, mang đậm sắc màu cổ tích. Từ chuyến chu du của nhân vật Cà Nóng, nhà văn truyền tải thông điệp về tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền, hình ảnh cao đẹp đầy thân thương và lãng mạn của các chú Bộ đội Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đến với bạn đọc nhỏ tuổi. Cuốn sách của chị đã được trao Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022. Những chuyến đi Trường Sa giúp Bùi Tiểu Quyên thực hiện bộ sách về đề tài biển, đảo và Bộ đội Hải quân với những tác phẩm hấp dẫn như: “Phong ba nơi đầu sóng”, “Biển ấy là của mình”…

Đề tài biển, đảo và Bộ đội Hải quân ngày càng hấp dẫn giới sáng tác. Không chỉ trong văn học, báo chí, những năm gần đây, nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh khai thác về mảng đề tài này đã chiếm được tình cảm của khán giả. Hình ảnh người chiến sĩ Hải quân được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật, hội tụ những nét đẹp của con người Việt Nam thời đại mới: Trung thành, bản lĩnh, trí tuệ, sẵn sàng đương đầu với thử thách, khó khăn… Từ thực tiễn cuộc sống coi con tàu, hòn đảo là nhà, biển cả là quê hương, người chiến sĩ Hải quân tỏa sáng vẻ đẹp của đức hy sinh, giá trị nhân văn và tinh thần lãng mạn cách mạng…

3

Quân đội ta đang trong quá trình xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại theo định hướng của Đảng. Xây dựng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chiến lược phát triển. Chúng ta đang cần những chính sách đột phá vĩ mô, trước hết là cải thiện mạnh mẽ chất lượng đời sống cho bộ đội. Việc bộ đội phải “nuôi con bằng kẹo, nuôi vợ bằng thư” không còn phù hợp với nhịp sống thời đại. Trẻ con bây giờ có mấy đứa còn thích kẹo, và phụ nữ thời nay còn mấy người thích đọc thư. Thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo, không gian mạng đã làm đời sống con người và xã hội xê dịch, chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng theo xu thế tiện ích, tiện lợi. Việc cải cách chế độ, chính sách tiền lương sao cho cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có đủ thu nhập để lo cho vợ con, gia đình đang là đòi hỏi cấp bách. Cải tiến đời sống quân nhân cũng chính là giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội, là động lực để bộ đội giữ vững thần thái quân dung tươi tỉnh. Cần sự thấu hiểu, đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội để điều chỉnh chính sách, giúp môi trường Quân đội trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhân lực, nhân tài.

Tôi có anh bạn thân cùng học ở Trường Sĩ quan Chính trị gần 30 năm trước. Hơn 20 năm gắn bó với biển đảo, nhiều năm công tác ở Trường Sa, cuộc đời anh cứ biền biệt xa nhà. Dịp Tết năm 2022, khi đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, anh nhận được tin đau xé lòng, vợ anh trên đường đi làm về khuya bị tai nạn giao thông qua đời. Đồng đội ở đảo lập bàn thờ bái vọng giữa muôn trùng sóng gió. Tôi gọi điện về cho lãnh đạo địa phương nhờ các anh quan tâm, giúp gia đình lo tang sự. Bạn tôi sau đó phải xin về hưu sớm để chăm sóc hai đứa con nhỏ còn đang tuổi ăn, tuổi lớn…
Kể lại chuyện này để bạn đọc có thêm những góc nhìn cận cảnh về đời sống, sự cống hiến, hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ, của người chiến sĩ Hải quân. Để giữ vững quân dung tươi tỉnh, họ đã và đang phải nén lại những thứ khó nói hết bằng lời…

Tùy bút của Phan Tùng Sơn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn