Nghệ thuật đặc sắc hát Bả trạo trong lễ hội cầu ngư
HQVN -
Mỗi dịp xuân mới các vùng miền trên khắp đất nước đều có những lễ hội mang bản sắc riêng. Người dân đồng bằng Bắc Bộ tự hào mỗi khi nhắc đến làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Người xứ Huế mê mẩn với điệu hò mái nhì, mái đẩy man mác, đậm chất thơ. Người miền Tây Nam Bộ với dạ cổ hoài lang thấm đẫm tình người. Cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung lại hãnh diện khi thưởng thức những câu hát Bả trạo ngọt ngào trên sóng nước mênh mang.
Hát Bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian-một loại hình phối hợp nhịp nhàng giữa ca hát và biểu diễn mang đậm tính nghi lễ của ngư dân vùng duyên hải miền Trung (từ khu vực Quảng Bình, Quảng Trị đến Bình Thuận). Bả Trạo có nghĩa là cầm chắc tay chèo, một số địa phương đọc trệch âm thành Bá trạo có nghĩa là trăm tay chèo. Dù hiểu theo nghĩa nào thì đó cũng là loại hình hát chèo thuyền, diễn tả một cách linh hoạt, sáng tạo cuộc sống, in dấu đậm nét tâm linh, tín ngưỡng của người dân miền duyên hải Trung Bộ vốn cả cuộc đời lênh đênh trên sóng nước.
Xuất phát từ thực tiễn, lấy cái nhỏ bé của con người đối diện với cái bao la, rộng lớn của biển cả. Mỗi ca từ trong hát Bả trạo đều thể hiện sự đoàn kết, gắn bó tình người keo sơn như anh em một nhà để đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trải qua bao thế hệ, người dân nơi đây luôn hướng về biển, biển bao dung như lòng mẹ. Cuộc sống mưu sinh của họ hầu như phụ thuộc khá nhiều vào biển cả. Những lúc trời yên, biển lặng thì không sao nhưng cũng có thời điểm đối diện với mưa to, sóng dữ khiến cho ngư dân làng chài luôn khát khao, tìm kiếm cho mình một điểm tựa để họ yên tâm khai thác hải sản. Từ đây, câu hát Bả trạo ra đời.
Hát Bả trạo trong Lễ rước Nghinh Ông tại phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Trong điệu hò ngân vang ấy, có cả vị mặn mòi của biển hoà quyện vào nhịp chèo khua trên sóng nước thanh bình, mong biển cả sẽ bao dung, chở che, mang đến niềm vui cho cuộc sống người dân làng chài. Vì vậy, mỗi câu hát Bả trạo không chỉ thể hiện sự ngưỡng vọng của ngư dân với biển cả bao la, mà ẩn sâu trong từng câu, từng chữ còn là tinh thần đoàn kết, sức mạnh nội sinh, không quản ngại trước khó khăn, gian khổ.
Nhạc cụ sử dụng trong hát Bả trạo tương đối đơn sơ, mộc mạc như tính cách của người dân làng chài, chỉ có đàn cò, trống, kèn và sênh (một loại nhạc cụ cổ, dùng 2 miếng gỗ để gõ vào nhau). Chính thứ âm thanh phát ra từ những vật dụng quen thuộc ấy khiến cho người bản xứ cảm thấy mình như được hoà vào cuộc sống thôn dã đậm đà bản sắc địa phương. Cái độc đáo mang đậm hồn cốt quê hương khiến người nghe lắng đọng trong từng câu hát. Từ lối hát nhặt khoan, điệu chèo khỏe khoắn đến câu hò biển ngọt ngào hay điệu đưa linh liêu trai khiến bao khán giả, khách du lịch mê đắm lòng người.
Đội hình hát Bả trạo thường sử dụng từ 12-18 tay chèo, chọn ra từ những thanh niên khoẻ mạnh, được dàn dựng mô phỏng hình dáng con thuyền đang lướt sóng ra khơi. Quá trình biểu diễn, mọi động tác của các tay chèo đều tuân theo nhịp điệu và lời xướng lĩnh của người chỉ huy, còn gọi là Tổng mũi. Động tác chèo thuyền rất uyển chuyển, lúc khoan thai, lúc mạnh mẽ theo giai điệu lời ca, câu hò tuỳ vào hoàn cảnh lúc trời yên, biển lặng hay sóng to, gió lớn. Phương pháp chèo thuyền được cách điệu và nghệ thuật hóa cho phù hợp với văn hoá người dân bản địa nhưng phải diễn tả hết được sự sáng tạo của cuộc sống trên biển, từ hoạt động bình thường đến tổ chức, thực hiện các nghi lễ trong tín ngưỡng, tâm linh.
Trong hát Bá trạo, buổi trình diễn không cần đến sân khấu hoành tráng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác mà thường được tổ chức ở bãi cát ven biển hay sân trước lăng thờ thần cá Ông, điều này khiến cho khán giả cảm nhận được không gian gần gũi, sát thực với cuộc sống hằng ngày.
Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh, sắc thái văn hoá riêng các vùng, miền cũng như số lượng khán giả mà hát Bả trạo có thể phân ra từ 3-5 phần nhưng không phá vỡ bố cục. Về cơ bản vẫn phải thể hiện đầy đủ, trọn vẹn một lần ra biển và trở về an toàn như: Lễ xin ra khơi, Hò kéo lưới, Cầu thần linh, về bến an toàn. Không khác nhiều so với các loại hình nghệ thuật dân gian mang đặc trưng văn hoá biển, đảo, nội dung và ý nghĩa của hát Bả trạo là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cá tôm đầy khoang, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa đặc thù miền duyên hải, tinh thần đoàn kết một lòng, tương thân tương ái của ngư dân làng chài…
Trang phục và màu sắc trong hát Bả trạo được lựa chọn dựa vào biểu tượng của những nhân vật từ nghệ thuật tuồng, chèo, cả biểu tượng linh thiêng trong Phật giáo cũng như sự cân bằng âm dương trong văn hoá dân gian. Do giá trị quý báu của nghệ thuật hát Bả trạo, loại hình này đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Hằng năm, hát Bả Trạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong Lễ hội Cầu ngư của người dân vùng duyên hải Trung bộ. Đây là một trong những di sản văn hóa đáng tự hào của địa phương và cần đến sự chung tay, gìn giữ, bảo tồn để loại hình nghệ thuật dân gian này ngày càng được đông đảo người dân biết đến.
Bài, ảnh: Hồ Anh Mão
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Triển lãm và thông tin về biển đảo tại Đà Nẵng - ( 10-09-24 07:00 )
- Học viện Hải quân: Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ( 06-09-24 08:00 )
- Tổng duyệt chương trình tham gia Hội thi tuyên truyền viên trẻ toàn quân năm 2024 - ( 05-09-24 02:00 )
- Vùng 3: Hơn 5.000 bài tham gia các cuộc thi - ( 05-09-24 07:00 )
- Học viện Hải quân: Hội thi tuyên truyền viên trẻ năm 2024 - ( 31-08-24 01:00 )