Quân chủng Hải quân

Huy động toàn lực lượng rà phá mở luồng

Trước yêu cầu cấp bách của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân huy động toàn bộ lực lượng rà phá thủy lôi của Quân chủng phối hợp với các lực lượng chống phong tỏa của các đơn vị trong và ngoài quân đội, tiến hành rà quét, làm sạch các bãi thủy lôi bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện giao thông đi lại trên sông, biển.

Với bản chất phản động, hiếu chiến và thái độ ngoan cố, lật lọng của đế quốc Mỹ, Hội nghị Pa-ri về lập lại hòa bình ở Việt Nam bị bế tắc. Ngày 18-12-1972, Mỹ mở chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II-một cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất vào miền Bắc nước ta. Chúng huy động một số lượng lớn máy bay chiến lược B52 và máy bay chiến thuật hiện đại F111 ồ ạt đánh phá vào các mục tiêu: Đường giao thông, bệnh viện, trường học, nhà ga, khu phố, bến xe…ở các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Chúng tiếp tục thả hàng loạt thủy lôi xuống cửa Nam Triệu, cảng Hải Phòng, luồng Lạch Miều vào Hòn Gai, luồng Hang Trống vào Cửa Ông... Song chiến dịch Lai-nơ Bếch-cơ II từ ngày 18 đến 29-12-1972 của chúng đã bị quân, dân ta đập tan, làm nên chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” vang dội. Tuy nhiên, đến ngày 15-1-1973 chúng mới chấm dứt việc thả thủy lôi ở khu vực sông biển phía Nam Quân khu 4.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, cán bộ, chiến sĩ Hải quân tiếp tục vượt qua mọi hy sinh gian khổ, cùng với các lực lượng rà phá thủy lôi quyết tâm phấn đấu thông luồng nhanh, bảo đảm cho “mạch máu” giao thông trên các luồng lạch sông, biển được thông suốt, an toàn. Ngày 18-1-1973, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Cục Vận tải đường biển tổ chức rà quét khai thông luồng Nam Triệu vào cảng Hải Phòng, bảo đảm cho các tàu thuyền hàng ngàn tấn của ta và quốc tế ra vào cảng an toàn.

Thắng lợi của việc rà phá thủy lôi đã góp phần đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, cùng với những chiến thắng của quân, dân ta trên chiến trường miền Nam đã buộc Mỹ phải chấp nhận sự thất bại nhục nhã, quay lại bàn đàm phán. Ngày 27-1-1973 chúng đã phải ký Hiệp định Pa-ri cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt can thiệp về quân sự, rút hết quân của Mỹ và các nước đồng minh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Tàu của Trung đoàn 171 Hải quân dẫn dắt tàu nước ngoài ra vào cảng Hải Phòng, tháng 1-1973

Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân nhiệm vụ lớn rất cấp bách là lập đề án, tổ chức lực lượng rà phá thủy lôi, bom từ trường của địch bảo đảm an toàn hệ thống giao thông thủy để phục vụ công cuộc khôi phục, xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và củng cố quốc phòng; đồng thời giám sát mọi hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ vào rà phá thủy lôi ở vùng biển miền Bắc theo quy định của Hiệp định Pa-ri.

Đầu tháng 2-1973, lực lượng rà quét của Hải quân đã tích cực rà phá, mở luồng Nam Triệu, Hải Phòng, tàu ta đã dẫn dắt, hộ tống an toàn các tàu trọng tải lớn của Nhà nước qua lại. Sau đó, các tàu của ta đã hướng dẫn, đưa hàng chục tàu trọng tải hàng ngàn tấn của Cu-Ba, Liên Xô, Trung Quốc... theo luồng Nam Triệu vào cảng Hải Phòng an toàn.

Giữa tháng 3-1973, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Hội nghị hiệp đồng rà phá thủy lôi giữa Quân chủng với Quân khu Tả Ngạn, Quân khu 4, Công an nhân dân vũ trang, Cục Vận tải đường biển và các cơ quan nghiên cứu kỹ thuật của nhà nước, quân đội. Hội nghị đề ra mục tiêu rà quét, giải quyết triệt để bom trên các luồng vận chuyển. Mỗi đơn vị được phân công rà quét trên một khu vực, bảo đảm phá hết thủy lôi địch, dẫn đường, hộ tống các tàu ra vào cảng.

Trên cơ sở đề án và kế hoạch hiệp đồng, Quân chủng Hải quân tiếp tục là lực lượng giữ vai trò nòng cốt chủ lực trong chiến dịch rà phá thủy lôi. Bộ Tư lệnh Quân chủng tiếp tục rà quét, mở các luồng chính, bảo đảm cho tàu thuyền trong nước và nước ngoài ra vào cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, Bến Thủy, Sông Gianh, Nhật Lệ…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Hải quân gấp rút tổ chức xây dựng lực lượng kết hợp với đẩy mạnh công tác huấn luyện bổ sung. Các tiểu đoàn tàu chiến đấu ở khu vực sông Mã, sông Gianh, Cửa Việt được củng cố và trang bị các loại máy phóng từ. Mỗi khu vực có một đại đội công binh hàng hải làm nhiệm vụ rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bảo đảm hàng hải. Trung đoàn 171 được trang bị nhiều khí tài, trang bị kỹ thuật thực hiện rà quét chủ yếu ở khu vực biển Hải Phòng, Đông Bắc và tăng cường cho các khu vực khác khi cần thiết. Đội 8 công binh được bổ sung quân số và tăng cường các phương tiện tháo gỡ làm nhiệm vụ rà phá ở trên bờ, mép nước và những nơi trọng điểm xây dựng công trình theo yêu cầu của các khu vực. Tham mưu trưởng Hải quân trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức huấn luyện cho các đơn vị, lực lượng về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của phương tiện rà phá, về chiến thuật tổ chức chỉ huy và kế hoạch hiệp đồng rà phá…

Từ ngày 10-3-1973, lực lượng tàu quét thủy lôi của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 và các đơn vị bạn đã chia ô, khoanh vùng trên khu vực luồng Lạch Miều vào Hòn Gai, phá nổ 11 quả thủy lôi, khai thông luồng trước ngày 15-3.

Ở luồng Hang Trống-Đồng Tráng vào cảng Cửa Ông, sau một tuần rà quét, luồng đã được làm sạch và ngày 31-3, tàu Hải quân ta hộ tống một tàu lớn của Liên Xô ra biển an toàn. Tại luồng Cửa Vạn vào Hòn Gai, lực lượng của Quân chủng tiếp tục rà quét, kiểm tra hai bên hàng phao dẫn luồng và hộ tống tàu lớn nước ngoài ra vào; đến cuối tháng 3 có hơn 40 lần chiếc tàu lớn vào cảng Hòn Gai an toàn.

Cùng với lực lượng của Quân chủng Hải quân, lực lượng rà phá của các quân khu ven biển và cơ quan nhà nước cũng được huy động đến những khu vực được phân công, góp phần nhanh chóng phá gỡ hết thủy lôi, bom mìn của địch trên toàn bộ các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc.

HQVN (còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn