Phản bác luận điệu cho rằng học thuyết Mác đã lỗi thời: Bài 1: Những luận điệu cũ rích của các thế lực thù địch

HQVN -

Thời gian qua, khi Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tiếp tục trung thành, kiên định, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới thì các thế lực thù địch lại cho rằng đó là sự trung thành “mù quáng”, bởi vì học thuyết của Mác đã “lỗi thời và lạc hậu”.

Đây là luận điệu tuy không mới nhưng nguy hiểm, vì nó tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, do đó cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ đồng thời phải kiên trì bảo vệ tính cách mạng, khoa học của học thuyết Mác.

Nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chống phá cách mạng Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch và bọn phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước vẫn ra sức tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đáng chú ý, trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều bài viết, với những luận điệu cho rằng Đảng ta trung thành “mù quáng” với học thuyết Mác. Chúng hô hào học thuyết Mác “đã lỗi thời”, đến hồi “cáo chung” và đó chỉ là một học thuyết sai lầm, chẳng có giá trị gì cho nên đã bị nhân loại “lãng quên”...

Việc các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, phủ nhận, phỉ báng học thuyết Mác thật ra không có gì mới. Bởi vì, ngay từ khi ra đời vào thế kỷ XIX, học thuyết Mác đã bị giai cấp tư sản xem là “bóng ma ám ảnh châu Âu” và bị chúng chống đối kịch liệt. Nguyên nhân là bởi học thuyết Mác không những đã lột trần bản chất bóc lột xấu xa, tàn bạo của CNTB mà còn dẫn dắt, soi đường cho giai cấp vô sản đoàn kết lại và vùng lên đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, bình đẳng, tôn trọng phẩm giá con người.

Tháng 2/1848, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản ra đời, học thuyết Mác không còn là “bóng ma” nữa mà từ đây đã trở thành lý luận soi đường cho phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Công xã Pari năm 1871, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới nổ ra và thành công (dù chỉ tồn tại trong 72 ngày), đã cho thấy, khi có học thuyết cách mạng thâm nhập, dẫn dắt, giai cấp công nhân và lao động quốc tế đã bước lên vũ đài chính trị, khẳng định sứ mệnh lịch sử của mình. Đặc biệt, chính “bóng ma” ấy đã được Lê nin bổ sung, phát triển, tuyên truyền, thâm nhập vào phong trào công nhân Nga, để làm nên cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. “Bóng ma” ấy cũng là cảm hứng, là động lực cho phong trào cách mạng thế giới phát triển để rồi hình thành nên một hệ thống các nước XHCN, có tác dụng cổ vũ, giúp đỡ các quốc gia, dân tộc thuộc địa, bị áp bức đứng lên đấu tranh giành lại độc lập, và qua đó tiếp tục khẳng định sức sống trường tồn, giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác.

Sau khi hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ (1991), các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hào về sự “cáo chung” của chủ nghĩa Mác. Người ta gán cho Mác rất nhiều sai lầm. Các nhà tư tưởng, chính trị tư sản rêu rao về sự diệt vong của CNCS. Đáng buồn là ngay trong hàng ngũ những người cộng sản, có người từng giữ trọng trách lớn, từng là “môn đồ trung thành” của chủ nghĩa Mác cũng vội vàng “đổi màu”, hùa theo luận điệu cho rằng học thuyết Mác đã “lỗi thời”. Điều này đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XHCN Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lê nin và con đường XHCN”.

Một trong những nguy cơ rất lớn hiện nay là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một số người ngại nói về chủ nghĩa Mác và CNXH. Cá biệt có người cho rằng “lý luận nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”, “nhiều nước tư bản không theo chủ nghĩa Mác nhưng vẫn giàu mạnh”. Rồi họ đưa ra dẫn chứng “nhiều chủ doanh nghiệp tư sản như Bill Gate, Elon Musk, Mark Zuckerberg có bóc lột đâu, ngược lại còn đóng góp rất nhiều cho các quỹ từ thiện, nhân đạo”, “các nước tư bản đã điều chỉnh, hình thành phúc lợi xã hội tiến bộ hơn, cho nên đã thay đổi về chất”. Về vấn đề này, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra và trả lời cặn kẽ, thuyết phục cho câu hỏi: “Thực tế có phải hiện nay CNTB, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”.

Để chống phá, xuyên tạc học thuyết Mác, nhiều người dẫn ra những sai lầm, khuyết điểm mà Liên Xô và Đông Âu vấp phải trong quá trình xây dựng CNXH. Đúng là hiện nay phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phải gánh chịu tổn thất và trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách bởi sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu. Song rõ ràng đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế, một mô hình có nhiều khiếm khuyết khi vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin, chứ không phải sự sụp đổ của một hệ tư tưởng, một hệ thống lý luận khoa học.

Trong thời đại mới của văn minh nhân loại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất, lao động, sinh hoạt, đời sống của người dân. Có những quan điểm cho rằng kinh tế tri thức, thời đại công nghệ thông tin không dung nạp CNXH, hoặc cho là đội ngũ trí thức ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại cho nên giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử nữa. Rồi họ cũng cho rằng việc CNXH thoái trào chứng tỏ học thuyết Mác là sai lầm... Trước những luận điệu sai trái đó, chúng ta cần nhận thức rõ rằng, giai cấp công nhân hiện đại vẫn đang phát triển ngày càng đông đảo và không bao giờ mất đi sứ mệnh lịch sử của mình. Khoa học công nghệ càng phát triển thì giai cấp công nhân càng giữ vai trò đại diện cho phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến. Bởi suy cho cùng, máy móc dù hiện đại đến đâu cũng do con người làm ra, do con người điều khiển, vận hành, mà trực tiếp chính là những người công nhân.

 Cao Dân, Nguyễn Trọng Khánh

(Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn