Phản bác luận điệu cho rằng học thuyết Mác đã lỗi thời: Bài 2: Sức sống trường tồn của học thuyết Mác

HQVN -

Chúng ta đều biết rằng, triết học, kinh tế chính trị, CNXH khoa học là ba bộ phận cơ bản cấu thành nên chủ nghĩa Mác-Lê nin và những đóng góp của Mác cho “bộ ba lý luận kinh điển” nói trên là vô cùng to lớn. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, chủ nghĩa Mác-Lê nin với hạt nhân là học thuyết của Mác vẫn chứng tỏ được tính cách mạng, khoa học và sức sống trường tồn.

Phép duy vật biện chứng do Mác phát triển là hạt nhân của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã đập tan mọi quan điểm của các trường phái triết học duy tâm, siêu hình cũng như những quan niệm phản khoa học. Bằng bộ óc thiên tài, Mác đã vận dụng những nguyên lý cơ bản triết học duy vật biện chứng vào xem xét tiến trình phát triển của xã hội loài người, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người đó là sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế xã hội; làm rõ về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản.

Mác cũng chỉ ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản cũng như sự phát triển và diệt vong tất yếu của CNTB. Trong đó, phát kiến vĩ đại của Mác chính là học thuyết giá trị thặng dư (m), vạch trần “bản chất bóc lột” của CNTB. Mác còn chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử xóa bỏ CNTB, xây dựng thành công CNXH trên phạm vi toàn thế giới và loài người tất yếu sẽ tiến lên CNCS. Các phát kiến khoa học vĩ đại của Mác (học thuyết giá trị thặng dư, chủ nghĩa duy vật lịch sử) đã đặt nền móng cho CNXH khoa học, cho học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản khỏi áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội mới tiến bộ, tốt đẹp - xã hội XHCN.

Lê nin đã bảo vệ, bổ sung, phát triển những nguyên lý cơ bản của Mác trong điều kiện CNTB đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, hoàn thiện cơ bản lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin. Lê nin cho rằng: Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, hoàn bị và chặt chẽ; cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản. Và chính Lê nin đã vận dụng lý luận đó vào tổ chức và lãnh đạo phong trào công nhân Nga để tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga 1917 vĩ đại, mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Đây là thực tiễn sinh động, kiểm chứng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin là khoa học, cách mạng và triệt để.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, học thuyết Mác cũng là sản phẩm của những hoàn cảnh lịch sử nhất định, không thể giải quyết được mọi vấn đề ở mọi thời đại. Đây là một học thuyết mở, cần được bổ sung, phát triển không ngừng, vận dụng phải sáng tạo, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể.

Ngày nay, giới học giả trên thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu về chủ nghĩa Mác. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Mác tổ chức tại Pari quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học. Đại hội đã đánh giá: “Gương mặt Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại”. Nhà triết học người Pháp Jacques Derrida trong tác phẩm “Những bóng ma của Mác” đã khẳng định, không có tương lai nếu không có Mác, không có các di sản của Mác.

Trong tác phẩm “Tại sao Mác đúng”, Eagleton, giáo sư Đại học Lancaste ở Anh đã chứng minh sự phê phán của Mác đối với CNTB vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù CNTB có thay đổi nhất định. Những hiện tượng của CNTB hiện đại như tư bản thương mại, tư bản độc quyền, toàn cầu hóa... đã được Mác đề cập trong các nghiên cứu của mình. Eagleton khẳng định, chủ nghĩa Mác giống như bác sĩ, khi mà cơ thể khỏe mạnh sẽ không để ý, song một khi CNTB gặp vấn đề nghiêm trọng thì chủ nghĩa Mác lại phát huy tác dụng phê phán vốn có của mình.

Chính Mác đã thúc đẩy những thay đổi tích cực của các nước tư bản. Tác giả cũng đồng thời vạch rõ, CNTB dù có lúc đạt được hiệu quả nhưng nó đã làm được điều đó bằng cái giá kinh hoàng của nhân loại. Đó là sự mất tự do được ngụy tạo bằng tự do, là bất công trong tình cảnh phân biệt giàu nghèo gia tăng, là nạn diệt chủng và phân biệt chủng tộc, là cưỡng bức, tước đoạt, áp đặt, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá.

CNTB đã điều chỉnh rất nhiều phương pháp và cách thức hoạt động của nó - cái mà ngày nay gọi là CNTB thích nghi. Mặc dù nền kinh tế TBCN đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra hết sức gay gắt. CNTB đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng, với nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mặc dù hiện đang đứng trước những thử thách nặng nề, nhưng nhìn toàn cục của sự phát triển lực lượng sản xuất vẫn trang bị những tiền đề khách quan để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.

Cho nên, luận điểm của Mác và Ăng ghen về nền công nghiệp lớn hiện đại tạo ra những tiền đề vật chất và xã hội để thủ tiêu chế độ người bóc lột người vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Mặc dù đã điều chỉnh, song bản chất bóc lột của CNTB vẫn không thay đổi. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta thừa nhận rằng, CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển KHCN. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước... Tuy nhiên, CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”.

Nguyễn Trọng Khánh (*)

Cao Dân (**)

(Còn nữa)

(*) Đại tá, Giảng viên Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Chính trị

(**) Thượng tá, Phó TBT Báo HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn