Nước lọc và bánh mì thương hiệu lính biển

HQVN -

Mỗi giờ lọc được 1.500 lít nước, mỗi tuần cho ra lò gần 500 cái bánh mì để cung cấp cho bộ đội - đó là những kết quả bước đầu từ mô hình máy lọc nước và lò chế biến bánh mỳ ở Vùng 2 Hải quân. Mô hình này đã góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng nước uống, thực phẩm tại chỗ cho các đơn vị trong Vùng, nhất là trên các tàu.

Những chai nước lọc ra thao trường

Tiếng còi vang lên báo hiệu kết thúc giờ huấn luyện, bắt đầu giờ giải lao. Từng tốp cán bộ, chiến sĩ quây quần dưới những bóng cây để bổ sung nước uống dưới cái nắng cháy da ở Căn cứ Long Sơn. Đón chai nước từ tay đồng đội, tôi uống một hơi gần cạn rồi mới kịp nhận ra chai nước này có thương hiệu “Vùng 2 Hải quân”. Để tìm hiểu về nguồn gốc chai nước, tôi đã tìm đến nơi đặt hệ thống máy lọc nước của Vùng. Mặc dù gần trưa nhưng các nhân viên không chuyên của Nhà máy nước vẫn đang miệt mài kiểm tra, đóng chai và vận chuyển nước cấp cho các đầu mối các đơn vị theo kế hoạch.

Là người phụ trách và vận hành nhà máy lọc nước, Thượng úy QNCN Nguyễn Xuân Nam, Nhân viên Ban Doanh trại, Phòng Hậu cần Vùng 2 cho biết: Nhà máy lọc nước của Vùng là do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn hỗ trợ. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã kịp thời bảo đảm nước uống cho các đơn vị tại Căn cứ Long Sơn và các tàu theo nhu cầu. Đơn vị đóng quân xa trung tâm thành phố, nguồn nước tại chỗ lại bị nhiễm mặn nên việc có nhà máy lọc nước tại chỗ là rất cần thiết. Với hệ thống lọc hiện tại, mỗi giờ chúng tôi lọc được khoảng 1.500 lít nước tinh khiết. Sau khi lọc xong, nước sẽ được đóng vào chai 500 ml và bình 20 lít để chuyển đến nơi tiêu thụ.

Chế biến bánh mì tại Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân

Tham quan các đơn vị, đến đâu chúng tôi cũng thấy nước uống “Made in Vùng 2” được bộ đội tin dùng. Ở khu nhà nghỉ, nhà bếp thì có những bình nước lớn loại 20 lít đặt ngay ngắn trên giá, còn trên các con tàu, sở chỉ huy đơn vị thì những chai nước xinh xắn loại 50 ml được đặt trên bàn sẵn sàng tiếp khách. Thượng tá Đỗ Hồng Duyên, Chính ủy Lữ đoàn 167 cho biết: Từ khi Nhà máy lọc nước đi vào hoạt động, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đã có nước sạch để sử dụng hàng ngày. Ai cũng thấy được hiệu quả thiết thực. Với nước đóng chai, bộ đội có thể mang theo khi đi thao trường hay đi huấn luyện dài ngày trên biển. Các tàu không phải lo mua nước ở ngoài khi tàu đi biển dài ngày như trước đây nữa.

Và những chiếc bánh mì trên biển

Bữa sáng trên tàu với cái bánh mì đặc ruột đang bốc hơi khiến tôi không khỏi tò mò. Theo chỉ đạo của trên, Vùng 2 được trang bị 1 lò sản xuất bánh mì đặt ở Lữ đoàn 167 và 4 lò khác ở trên các tàu. Trung tá Lê Viết Dũng, Trưởng ban Quân nhu Vùng cho biết: Đối với lò cố định đặt tại Lữ đoàn 167, mỗi tuần chúng tôi cho ra lò 2 lần được khoảng hơn 200; 4 lò cơ động trên tàu mỗi tuần ra lò 1 lần được khoảng 80 cái/1 lò. Số lượng này có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của đơn vị và của từng tàu. Quan trọng hơn, sự ra đời của các lò bánh mì này góp phần cung cấp thực phẩm tại chỗ đảm bảo chất lượng cho bộ đội, nhất là các tàu khi hoạt động trên biển.

Chúng tôi đến tham quan các công đoạn làm bánh tại lò ở Lữ đoàn. Trung úy Phạm Văn Quyết, Trợ lý Quân nhu Lữ đoàn 167, người phụ trách và vận hành lò bánh mì chia sẻ: Quan trọng nhất là khâu ủ bánh. Khi ủ phải đủ thời gian (từ 5-6 tiếng) và đúng nhiệt độ tiêu chuẩn, không để nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Nhiệt độ thông thường khoảng từ 23-290C cho lần ủ thứ nhất và 32-390C cho lần ủ thứ hai. Bánh chỉ ủ đến khi bột nở gấp rưỡi hoặc gấp đôi là đạt yêu cầu. Không nên ủ quá lâu có thể làm men chết, bánh sẽ có mùi chua, nồng mất vị thơm. Sau công đoạn ủ, bánh sẽ được tạo hình, cắt khứa và cho vào lò nướng, thời gian nướng cho mỗi đợt là từ 15 đến 17 phút.

Cầm những cái bánh vừa ra lò còn nóng bốc hơi thơm nức, tôi chợt nhớ lại những chuyến đi biển trước đây phải ăn bánh mì kẹp kem, bánh mì mặn có thời hạn dùng ngắn ngày. Còn giờ đây, những cái bánh mì nóng hổi sẽ giúp người lính biển ấm lòng hơn.

Bài, ảnh: Quang Tiến, Văn Nhân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn