Đại tướng Lê Đức Anh-Những ngày đầu tham gia kháng chiến

LTS: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trải qua hơn 80 năm.

 

Đồng chí từng tham gia và làm lãnh đạo, chỉ huy của nhiều đơn vị trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tưởng nhớ đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, Báo Hải quân Việt Nam xin trích giới thiệu từ Báo Quân đội nhân dân một số đoạn trong cuốn hồi ký "Đại tướng Lê Đức Anh-Cuộc đời và sự nghiệp" của đồng chí do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2015. 

"... Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ!

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tại một địa bàn có đông công nhân, nhân dân lao động và đồng bào dân tộc thiểu số, cuối năm 1946, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một quyết định thành lập Quận ủy lâm thời Hớn Quản, tôi được phân công làm Bí thư Quận ủy lâm thời. Trong Ban Thường vụ còn có năm đồng chí: Ba Phước (Phó bí thư), Chín Thành, Hai Lĩnh, Mười Canh, Mì. Kể từ đây phong trào kháng chiến của vùng Lộc Ninh, Hớn Quản đã có sự lãnh đạo thống nhất của Quận ủy.

Những ngày đầu tham gia kháng chiến

Đoàn Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng chúc thọ đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước tròn 96 tuổi, tháng 12-2016. Ảnh: HỒNG PHA

Từ cuối năm 1946 đến cuối năm 1947, lực lượng vũ trang được bổ sung cho Nam Bộ là bộ đội hải ngoại. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ các đơn vị này là con em Việt kiều ở Thái Lan, Lào và một số ở Campuchia tòng quân về nước cùng đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Tháng 9-1947, Xứ ủy Nam Bộ chính thức quyết định thành lập Phòng Dân quân do đồng chí Lê Duẩn làm Trưởng phòng.

Chi đội 1 chúng tôi thường xuyên cử người đến các địa phương hướng dẫn, tập luyện cho dân quân, du kích và tự vệ. Những năm ấy, mối quan hệ giữa bộ đội, dân quân và tổ chức phụ nữ rất khăng khít. Bộ đội giúp dân quân huấn luyện quân sự, giúp phụ nữ tổ chức các lớp học chính trị - quân sự; còn phụ nữ đi vận động quyên góp quần áo, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội. Đến cuối năm 1947, toàn tỉnh Thủ Dầu Một đã xây dựng được nhiều đội du kích mạnh.

Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp tập trung 12.000 quân có đủ thủy, lục, không quân mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến và tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.

Cuối tháng 10-1947, Chi đội 1 cùng lực lượng vũ trang địa phương đã tổ chức một loạt trận giao thông chiến trên các chiến trường trong tỉnh, trong đó trận đánh ở Bến Ông Khương (ngày 30-10-1947) là trận đạt hiệu suất cao. Cùng ngày, Đại đội 902 (Chi đội 1) cùng du kích thị xã đánh quân tiếp viện cách chợ Thủ Dầu Một 5km, làm thiệt hại nặng một đại đội địch, phá hủy 2 đại bác, 2 thiết giáp. Mười tám ngày sau, quân Pháp mở rộng cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Vĩnh Lợi-Bình Chánh, cũng là hậu cứ của Đại đội 1 (Chi đội 1). Chúng tiến công bao vây căn cứ. Chúng tôi tổ chức lực lượng Chi đội 1 gồm Đại đội 1, Đại đội 2 kết hợp cùng các đội du kích của các xã đánh địch, chống càn.

Cuối năm 1947, thủ tướng chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị Lê Văn Hoạch tổ chức “Chiến khu quốc gia” bên bờ sông Sài Gòn. Nắm được ý đồ của địch, dựa vào cơ sở của ta trong tín đồ Cao Đài, Ban chỉ huy Chi đội 1 đã cài cắm người vào đơn vị vũ trang của Lê Văn Hoạch tại “Chiến khu quốc gia”, trong đó có đồng chí Hoàng Của, Trưởng ban Quân báo Chi đội 1. Đồng chí Hoàng Của đã nhanh chóng gây được cảm tình và được chúng tín nhiệm cử làm Tham mưu phó. Lực lượng của ta tổ chức cài cắm vào “Chiến khu quốc gia” (trong nhiều tháng liên tục) lên tới một đại đội. Đến ngày 10-12-1947, thời điểm diệt “Chiến khu quốc gia” đã chín muồi. Sau khi nghiên cứu, điều tra kỹ, một kế hoạch tác chiến tỉ mỉ của Ban chỉ huy Chi đội 1 được thông qua. Đồng chí Hoàng Của xây dựng cơ sở và đưa người của ta vào. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đồng chí Lương Đường Minh và Trần Ngọc Lên tổ chức đơn vị chiến đấu xóa Chiến khu Bình Quới Tây, bắt toàn bộ quân địch, sau đó ta thả hết. Quân ta thu toàn bộ súng đạn, giấy tờ và rút ra bờ sông, nơi có ghe thuyền của tổ liên lạc quân sự và của các má đang đón sẵn. Từ số chiến lợi phẩm của trận này, với lực lượng sẵn có, đủ để ta tổ chức thêm một đại đội nữa.

Tại Hội nghị Xứ ủy mở rộng, trận đánh Bình Quới Tây được đồng chí Lê Duẩn-Bí thư Xứ ủy và các đại biểu rất khen ngợi.

Trong trận đánh Bình Quới Tây, đồng chí Trần Ngọc Lên, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 là một trong những người có công lớn. Sau này anh nói với tôi muốn xin vào Đảng Cộng sản. Tôi bảo anh không nên vào Đảng lúc này, dễ bị lộ, địch sẽ khủng bố, anh cứ ở trong hàng ngũ của Cao Đài thì sẽ có lợi cho cách mạng hơn. Anh đã nghe tôi. Sau này anh trở thành một chức sắc có tầm cỡ của Tòa thánh Cao Đài, đã đóng góp nhiều và có hiệu quả cho cách mạng...

Hồi đó, đời sống của bộ đội chúng tôi do đồng bào nuôi. Dân làm nhà cho bộ đội ở. Chi đội 1 nổi tiếng là đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật, với khẩu hiệu “ba không”: Nhà cửa chưa dọn sạch-không được đi; nước chưa múc đầy ang-không được đi; chưa trồng cây, trồng rau để lại cho đồng bào-không được đi. Vì vậy nhân dân rất thương bộ đội. Thanh niên xung phong tòng quân giết giặc, nhiều em xin đầu quân vào Chi đội 1. Tỉnh ủy giao cho Chi đội 1 tổ chức Trường Thiếu sinh quân và thu nạp các em vào học tập, rèn luyện. Chính các lớp thiếu sinh quân này đã trở thành nguồn bổ sung lực lượng rất tốt cho các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Tháng 7-2003, nhân dịp tôi vào thăm Quân khu 7, anh chị em đã tổ chức cuộc gặp mặt sau 56 năm, có đại diện của 5 trung đoàn thiếu sinh quân miền Đông Nam Bộ thời kỳ chống thực dân Pháp. Nhiều anh chị em đã cùng tôi đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hết đánh Pháp lại đánh Mỹ. Cũng không ít đồng chí còn cùng tôi làm nhiệm vụ quốc tế 10 năm trên đất Campuchia. Nhiều đồng chí đã trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thành cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Cuộc gặp mặt thật đầm ấm và xúc động. Anh chị em cùng ôn lại cái thời gian khổ, thiếu thốn... Miền Đông hiếm gạo, anh em phải lặn lội xuống miền Trung Nam Bộ để mua gạo cõng lên. Nhân dân và một số sư sãi nhà chùa cũng quyên góp tiền, tìm mọi cách mua gạo gửi vô cho bộ đội. Anh em đói, rách, ghẻ lở đầy người, chị vợ anh Huỳnh Kim Trương chuyên nấu nước lá khế cho anh em tắm, trị ghẻ nên đơn vị gọi là “Chị Hai lá khế”...

Trên cơ sở cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong tỉnh phát triển cao, Chi đội 1 trở thành chi đội mạnh cả về chính trị, tư tưởng, lực lượng trang bị, vũ khí cũng như kinh nghiệm và khả năng chiến đấu. Quân số Chi đội 1 phát triển lên 1.500 người, 1.350 súng trường, 28 tiểu liên, 18 trung liên, 10 đại liên. Trong quá trình chiến đấu chiến lợi phẩm như súng đạn, quân trang quân dụng chi đội thu được, ngoài trang bị cho các đơn vị trong chi đội, Ban chỉ huy Chi đội còn hỗ trợ các xã chiến đấu.

Đầu năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ra chỉ thị xây dựng các trung đoàn bộ đội tập trung trên toàn xứ. Ngày 27-3-1948, Khu ủy Khu 7 họp hội nghị thảo luận việc xây dựng các trung đoàn trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Hội nghị quyết định trên cơ sở các chi đội sẵn có, phát triển thành 10 trung đoàn. Địa bàn hoạt động của trung đoàn vẫn chủ yếu trong phạm vi của tỉnh. Ngày 14-6-1948, Chi đội 1 của Thủ Dầu Một được đổi tên là Trung đoàn 301 do anh Huỳnh Kim Trương làm Trung đoàn trưởng, tôi làm Chính trị viên. Trung đoàn biên chế thành 3 tiểu đoàn và một số đại đội trực thuộc: Đại đội 1 thành Tiểu đoàn 901 hoạt động ở vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một; Đại đội 2 thành Tiểu đoàn 902 hoạt động ở quận Châu Thành; Đại đội 3 thành Tiểu đoàn 903 với 3 Đại đội 2707, 2708, 2709 hoạt động ở Bến Cát, Hớn Quản, Lộc Ninh.

Từ những đơn vị lẻ, đến giữa năm 1948, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã hình thành hệ thống các trung đoàn bộ binh chủ lực, nhưng thực tế, đó là những trung đoàn bộ binh địa phương.

Tháng 6-1948, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện vào công nhận Ban Quân sự Nam Bộ và cử Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Ủy viên quân sự. Tháng 10-1948, Bộ tư lệnh Nam Bộ được thành lập thay cho Ban Quân sự Nam Bộ, do Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Nam Bộ có Khu 7, Khu 8, Khu 9 và Khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Tháng 12-1948, Bộ chỉ huy Khu 7 và Khu Sài Gòn-Chợ Lớn đổi lên là Bộ tư lệnh khu. Các khu chấn chỉnh lại một bước nhân sự và tổ chức các cơ quan. Khu 7 do Huỳnh Văn Nghệ làm Tư lệnh, Nguyễn Văn Trí (tức Hai Trí) làm Chính ủy; Khu Sài Gòn-Chợ Lớn do Tô Ký làm Tư lệnh, Phan Trọng Tuệ làm Chính ủy, tôi làm Tham mưu trưởng.

Bước sang năm 1950, tại chiến trường Nam Bộ có một số thay đổi về tổ chức chỉ huy. Trung tướng Nguyễn Bình-Tư lệnh Nam Bộ-được điều động ra Trung ương. Trên đường hành quân, bị địch phục kích, đồng chí đã hy sinh. Đồng chí Lê Duẩn-Bí thư Xứ ủy-trực tiếp giữ chức Chính ủy kiêm Tư lệnh Nam Bộ, đồng chí Dương Quốc Chính làm Phó tư lệnh. Thực hiện sự lãnh đạo của Xứ ủy và Bộ tư lệnh Nam Bộ, tại khắp các tỉnh miền Đông, ta tổ chức một đợt hoạt động quân sự-chính trị trên cả 3 vùng kháng chiến. Các căn cứ kháng chiến được xây dựng tương đối ổn định trở thành hệ thống hậu phương tại chỗ đáp ứng được phần lớn nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Giai đoạn này ở Nam Bộ, thực dân Pháp áp dụng chiến thuật De Latour một cách ráo riết, triệt để. De Latour là một vị tướng có kinh nghiệm về bình định lãnh thổ được điều sang Việt Nam, sau khi nghiên cứu, y đã đề ra sách lược gồm 5 điểm: Một là, rút bỏ những khu vực hẻo lánh khó cầm giữ. Hai là, dùng giáo dân vũ trang để chống phá kháng chiến của Việt Minh. Ba là, hợp tác với các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo để chống phá kháng chiến của Việt Minh. Bốn là, dùng chiến thuật đồn bốt tháp canh. Năm là bao vây căn cứ địa Đồng Tháp Mười, căn cứ Chiến khu Đ của Việt Minh, kiểm soát vùng kinh tế trù phú Hậu Giang. Nội dung, bản chất của chiến thuật đồn bốt tháp canh là tổ chức phòng vệ vững chắc các trục lộ giao thông và vùng kinh tế quan trọng, tạo thành một hệ thống đồn bốt, tháp canh theo ô vuông để vừa bảo vệ vững chắc các trục giao thông và địa bàn chiếm đóng, vừa chia cắt, khống chế các hoạt động của Việt Minh. Chúng cũng lấy hệ thống đồn bốt, tháp canh làm căn cứ xuất phát để tổ chức những cuộc hành quân càn quét và lấn chiếm nông thôn, đánh phá vùng tự do và căn cứ kháng chiến của ta.

Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn-Chợ Lớn quyết tâm tìm mọi biện pháp để phá chiến thuật De Latour, phải tìm ra cách tiêu diệt tháp canh. Trước đó, đêm 19-3-1948, Tổ du kích Tân Uyên do đồng chí Trần Công An chỉ huy đã diệt tháp canh Cầu Bà Kiên bằng phương pháp bí mật đột nhập, dùng thang leo lên thả lựu đạn vào trong tháp. Trận đánh thu được thắng lợi, nhưng sau đó bọn địch tăng cường đề phòng canh gác nên rất khó tiếp tục dùng thang leo lên. Lúc đầu ta dùng lối đánh của đồng chí Trần Công An để diệt tháp canh, kết hợp đưa dân quân ra phá đường và đã phá được. Sau địch dùng pháo lớn bắn ra, dân quân không phá được nữa.

Ngày 21-1-1950, Bộ tư lệnh Khu Sài Gòn-Chợ Lớn quyết định mở Chiến dịch Dầu Tiếng-Bến Cát. Ban chỉ huy chiến dịch gồm: Tô Ký-Chỉ huy trưởng, tôi-Tham mưu trưởng. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm một tiểu đoàn chủ lực của liên Trung đoàn 306-312, một tiểu đoàn chủ lực và một đại đội độc lập của liên Trung đoàn 301-310, một đại đội độc lập của huyện Bến Cát, lực lượng dân quân du kích ba huyện Hóc Môn, Gò Vấp và lực lượng công đoàn cao su đồn điền Dầu Tiếng.

Chiến dịch Dầu Tiếng-Bến Cát thực chất là đợt hoạt động quân sự trong 3 ngày (từ ngày 25 đến 27-1) đã làm gián đoạn giao thông của địch trong một thời gian dài (địch phải dùng máy bay tiếp tế cho đồn điền cao su Dầu Tiếng). Quân địch buộc phải bị động đối phó. Đợt hoạt động đã để lại những kinh nghiệm thiết thực cho quá trình chiến đấu về sau. Nó là cuộc diễn tập quan trọng cho Chiến dịch Bến Cát diễn ra vào cuối năm khá thành công.

Tại chiến dịch này, từ cách đánh tháp canh của tổ đồng chí Trần Công An cách làm mất hơi người để bí mật đột nhập vào đồn địch của Nguyễn Văn Rỡ, cách dùng đạn lõm và bộc phá để diệt lô cốt đầu cầu, đến cách dùng hai mũi đặc công cùng tiến hành mở hai cửa mở cho trận đánh đồn, tuy lúc đầu còn sơ lược nhưng đã hình thành và mở ra cách đánh mới mà sau này gọi là “cách đánh đặc công”. Đây là sáng kiến, là công lao của anh em, trong đó có vai trò tổ chức của đồng chí Phan Quang Thuần-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 302. Sau khi tập dượt kỹ, chúng tôi cho đánh thử vào đồn địch, và đã thắng lợi gọn gàng. Tại hội nghị tổng kết Chiến dịch Bến Cát, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy, đã nói: “Chiến dịch Bến Cát đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của lực lượng vũ trang Khu 7, đưa phong trào kháng chiến của quân dân miền Đông Nam Bộ hòa nhập với cuộc kháng chiến trên chiến trường cả nước”(*).

Sau Chiến dịch Dầu Tiếng-Bến Cát, tôi được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Bộ tư lệnh Nam Bộ. Anh Nguyễn Đăng, vốn là kỹ sư canh nông, làm Tham mưu trưởng bảo tôi rằng, anh lo cái chung, còn tôi lo về tác chiến.

Tháng 5-1951, Trung ương Cục quyết định phân chia lại chiến trường, giải thể 3 khu 7, 8, 9, sáp nhập 20 tỉnh của Nam Bộ thành 11 tỉnh ghép, chia Nam Bộ thành hai phân liên khu (lấy sông Tiền Giang làm ranh giới) và Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Phân liên khu miền Đông gồm 5 tỉnh (11 tỉnh cũ): Gia Ninh, Thủ Biên, Bà Chợ, Mỹ Tho, Long Châu Sa. Các đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh, Phạm Hùng làm Chính ủy, tôi làm Tham mưu trưởng Phân liên khu. Phân liên khu miền Tây gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Trà, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà.

Tháng 12-1952, anh Lê Duẩn chỉ thị cho tôi chuẩn bị tổ chức một đoàn cán bộ đi từ Nam Bộ ra Trung ương họp, kết hợp báo cáo kinh nghiệm đánh đồn và diệt tháp canh của địch. Tôi chọn 12 người đi cùng đoàn cán bộ do anh Lê Duẩn dẫn đầu. Lúc đó đã có lương khô, nhưng mỗi người phải cõng 20kg gạo để ăn dọc đường. Riêng anh Trần Công An xung phong mang 30kg. Đây là lần đầu tiên tôi được vượt dãy Trường Sơn để ra đất Bắc. Thực hiện chỉ đạo của anh Lê Duẩn, khi qua Khu 6 và Khu 5, chúng tôi để lại mỗi khu một tổ 3 người để phổ biến kinh nghiệm và cùng bộ đội của khu thực hành đánh đồn luôn. Đi ròng rã 5 tháng, ngày 13-5-1953, chúng tôi mới ra tới Tân Trào, Tuyên Quang, giữa căn cứ địa Việt Bắc. Anh Hoàng Văn Thái ra đón chúng tôi. Đoàn chúng tôi có cả anh Tâm-kỹ sư - ra để báo cáo kinh nghiệm chế tạo đạn lõm.

Tại Việt Bắc, chúng tôi gặp anh Đỗ Mười-Bí thư Khu ủy Khu Tả Ngạn sông Hồng, anh Văn Tiến Dũng-Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 320 (đơn vị đang chiến đấu ở Đồng bằng Bắc Bộ), được nghe các anh kể chuyện chiến đấu, mở rộng vùng giải phóng ở Đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức đưa người cùng vận chuyển gạo, muối và vật chất từ vùng tự do ở Đồng bằng Bắc Bộ qua hệ thống boong-ke của địch lên Chiến khu Việt Bắc. Còn chúng tôi thì kể cho các anh nghe về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở Nam Bộ.

Chúng tôi được các anh đưa lên gặp Bác Hồ, báo cáo với Bác về cách đánh đồn giặc của bộ đội Nam Bộ. Hôm đó có anh Nguyễn Văn Tạo và anh Tố Hữu cùng nghe. Nghe xong, Bác khen và bảo anh Tố Hữu hãy làm bài thơ để biểu dương bộ đội Nam Bộ.

(*) Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ; Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.132.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn