Những tham vọng ngầm: Tàu ngầm và khả năng tác chiến chống ngầm ở Đông Nam Á

HQVN -

Tháng 7/2014, tại căn cứ hải quân Sattahip, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã chính thức thành lập một hải đội tàu ngầm để chuẩn bị cho quá trình mua sắm sắp tới năng lực tàu ngầm. Được thôi thúc bởi sự hỗ trợ chính trị từ chính phủ quân sự của đất nước, Thái Lan đã quay lại quá trình tìm kiếm tàu ngầm. Như tạp chí IHS Jane’s đăng tải vào tháng 3/2015, Thái Lan đang tiến hành xem xét một số thiết kế tàu ngầm, bao gồm lớp Nguyên Type 041 của Trung Quốc, lớp Kilo Project 636 của Nga, Type 209/1400 của Đức và Type 210 nhỏ hơn (kiểu tàu ngầm này được thiết kế cho các lực lượng hải quân tìm mua tàu ngầm đầu tiên của họ), và HDS-500RTN của Hàn Quốc.

 

 

Tháng 7/2014, tại căn cứ hải quân Sattahip, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã chính thức thành lập một hải đội tàu ngầm để chuẩn bị cho quá trình mua sắm sắp tới năng lực tàu ngầm. Được thôi thúc bởi sự hỗ trợ chính trị từ chính phủ quân sự của đất nước, Thái Lan đã quay lại quá trình tìm kiếm tàu ngầm. Như tạp chí IHS Jane’s đăng tải vào tháng 3/2015, Thái Lan đang tiến hành xem xét một số thiết kế tàu ngầm, bao gồm lớp Nguyên Type 041 của Trung Quốc, lớp Kilo Project 636 của Nga, Type 209/1400 của Đức và Type 210 nhỏ hơn (kiểu tàu ngầm này được thiết kế cho các lực lượng hải quân tìm mua tàu ngầm đầu tiên của họ), và HDS-500RTN của Hàn Quốc.

Mặc dù các chỉ tiêu kĩ thuật của tàu ngầm HDS-500RTN không được tiết lộ, song theo tạp chí IHS Jane’s, đó là loại tàu ngầm mi ni, hoạt động ở vùng biển tương đối nông như vịnh Thái Lan.

Nếu quá trình mua sắm năng lực tàu ngầm được triển khai thành công, Thái Lan sẽ trở thành nước có lực lượng hải quân trang bị tàu ngầm mới nhất ở Đông Nam Á, gia nhập vào các lực lượng hải quân có trang bị tàu ngầm trong khu vực như Hải quân Cộng hòa Xingapo (RSN), Hải quân hoàng gia Malaixia (RMN), Hải quân nhân dân Việt Nam (PAVN) và Hải quân Inđônêxia. (TNI –AL).

Những mua sắm này đã bộc lộ rõ sự phổ biến gần đây của loại phương tiện mang này trong khu vực. Trước khi Hải quân Xingapo đưa vào hoạt động tàu ngầm tuần tiễu lớp Challenger đầu tiên - tàu RSS Conqueror vào tháng 7/2000, Hải quân Inđônêxia là quân chủng vận hành tàu ngầm duy nhất trong khu vực kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Cấu trúc lực lượng ngầm của Inđônêxia gồm trước tiên là hải đội tàu ngầm lớp Whiskey hoạt động vào những năm 1960 và 1970, kế tiếp sau hải đội này là hải đội gồm 2 tàu ngầm điện – điêzen (SSK) lớp Type 209/1300 (Cakra) (KRI Cakra (401) và KRI Nanggala (402) – đưa vào hoạt động từ đầu những năm 1980.

Kể từ khi bước sang thiên niên kỉ mới – theo một số nhà phân tích là thế kỉ của Châu Á –Thái Bình Dương, đã chứng kiến việc chuyển giao ít nhất 10 tàu ngầm mới. Hải quân Xingapo đã đưa vào hoat động thêm 4 tàu ngầm SSK nữa: 2 tàu lớp Challenger và 2 tàu lớp Archer, trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2012. Hải quân Malaixia đưa vào hoạt động 2 tàu ngầm SSK lớp Scorpene do Pháp đóng: KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Razak vào tháng 1 và tháng 10/2009. Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiếp nhận 3 tàu Project 636 Kilo cải tiến vào tháng 4 và tháng 11/2014.

Nhiều loại tàu ngầm khác cũng đang trong quá trình mua sắm. Inđônêxia đã đặt mua 3 tàu ngầm SSK lớp Type 209/1200 Chang Bogo từ Hàn Quốc; còn Việt Nam theo kế hoạch sẽ tiếp nhận thêm 3 tàu ngầm Kilo vào năm 2016. Bộ Quốc phòng Xingapo đã kí một hợp đồng với hãng ThysenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức để mua 2 tàu ngầm Type 218SG mới, với lịch trình chuyển giao vào năm 2020.

Tương tự như quyết định sắp tới của Thái Lan, tháng 6/2013 tạp chí IHS Jane’s đưa tin Hải quân Mianma đã gửi nhân viên đến Pakixtan để huấn luyện tàu ngầm, điều đó cho thấy nước này đang tiến những bước đầu tiên để phát triển khả năng ngầm dưới nước.

Biểu đồ phổ biến tàu ngầm nói trên đã thôi thúc nhu cầu ngày càng cao về các khả năng tác chiến chống tàu ngầm (ASW) trong khu vực, cũng như trong các lực lượng hải quân khác ở Châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc.

Những nhân tố định hướng

Tuy nhiên, trước khi xem xét những vụ mua sắm liên quan đến ASW của khu vực Đông Nam Á, điều quan trọng trước tiên là hiểu rõ bối cảnh phía sau sự đột biến mua sắm tàu ngầm.

Có thể trừ Việt Nam, nước đã từng có những cuộc giao tranh quy mô nhỏ với Trung Quốc xung quanh tranh chấp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở biển phía Nam Trung Quốc (Biển Đông), còn hoạt động mua sắm tàu ngầm của các nước khác ở Đông Nam Á chủ yếu được thôi thúc bởi nhu cầu hiện đại hóa cơ cấu lực lượng và bởi các vấn đề liên quan đến sự cân bằng chiến lược nói chung của khu vực, hơn là yêu cầu về khả năng tác chiến ngầm để đối phó với mối đe dọa cụ thể.

Tạp chí IHS Jane’s tháng 3/2011 đã đăng tải bài phát biểu của ông Suthep Thausuban sau này giữ chức Phó thủ tướng Thái Lan, rằng mua sắm các tàu ngầm là cần thiết đối với Hải quân hoàng gia Thái Lan, bởi vì các nước trung lập trong khu vực có thể đứng trước mối đe dọa, đều đã trang bị tàu ngầm. Nếu không mua tàu ngầm, Thái Lan sẽ khó bảo vệ chủ quyền của mình và sẽ rơi vào thế bất lợi.

Cựu phó Thủ tướng Thái Lan đã phân tích những mối lo ngại mà các nhà chính trị đối lập đưa ra về khoản chi mua sắm theo kế hoạch lên tới 220 triệu USD cho chương trình tàu ngầm. Những quan ngại về khoản chi này dựa một phần vào việc Thái Lan không phải là nước có tuyên bố chủ quyền tranh chấp bất kì vùng lãnh thổ nào với Trung Quốc và không có những bất đồng biên giới biển đáng kể với bất kì nước láng giềng nào.

Vị thế này của Thái Lan cũng giống như vị thế của Malaixia. Mặc dù, Malaixia có những tuyên bố lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Hải quân Malaixia dường như đi đến quyết định mua sắm các tàu ngầm như một tiến trình phát triển quân đội. Trước khi mua các tàu lớp Scorpene, Hải quân Malaixia đã vận hành một tập hợp rất cân đối các hạm tàu chiến mặt nước, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ những quyền lợi trên biển của Malaixia.

Quyết định mua các tàu ngầm của Malaixia vào đầu những năm 2000 được xem như một động thái đáp trả sự mua sắm các khả năng tàu ngầm của Hải quân Xingapo. Sự kình địch chiến lược giữa 2 nước Xingapo và Malaixia đã nảy sinh kể từ khi Xingapo tuyên bố độc lập vào năm 1965. Tuy nhiên, quyết định của Hải quân Malaixia bố trí căn cứ cho 2 tàu ngầm ở căn cứ hải quân Kota Kinabalu, tỉnh Sabah, gần với Biển Đông, có thể được giải thích như một động thái của hải quân nước này nhằm răn đe sự xâm nhập của Trung Quốc để bảo vệ các chủ quyền lãnh thổ mà cả hai nước đã tuyên bố.

Inđônêxia cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, phần lớn khả năng tác chiến ngầm sẽ đều được dùng để ngăn ngừa những rủi ro hải quân, bắt nguồn từ nước láng giềng Malaixia. Đặc biệt, Hải quân Inđônêxia cho rằng những khả năng tàu ngầm hiện nay và trong tương lai, chủ yếu sẽ được triển khai để bảo vệ những quyền lợi nằm trong những khu vực biển có tranh chấp thuộc biển Celebes được biết đến là những lô Ambalat và Đông Ambalat. Tháng 5/2009, tàu tuần tiễu lớp Jerong của hải quân Malaixia KD Yu (3508) và tàu frigat lớp Kapitan Pattimura (Parchin 1) của Hải quân Inđônêxia KRI Untung Suropati (872) đã suýt xảy một cuộc xung đột nhỏ, sau khi tàu tuần tiêu lớp Jerong của Hải quân Malaixia bị cáo buộc xâm nhập vào vùng biển lãnh thổ của Inđônêxia. Những căng thẳng ở những vùng biển giàu năng lượng này vẫn tiềm ẩn kể từ đó đến nay.

Tháng 4/2013, trong buổi lễ khai trương một căn cứ hải quân ở Palu, trung tâm tỉnh Sulawest, đô đốc Marsetio, sau này giữ chức Tư lệnh Hải quân Inđônêxia đã trao đổi với phóng viên tờ Bưu điện Giacacta (The Jakarta Post) rằng, Hải quân Inđônêxia có ý định đưa các tàu ngầm lớp Chang Bogo mới về căn cứ này. Bởi vì vùng biển Ambalat vẫn có nguy cơ tổn thương, do đó căn cứ tàu ngầm ở Palu là vị trí chiến lược để bảo đảm an ninh cho khu vực.

Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng hải quân duy nhất ở Đông Nam Á đưa ra quyết định mua sắm tàu ngầm dựa trên những xem xét bên ngoài, chứ không phải bên trong khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh tiếp tục bị tổn thương bởi những tuyên bố lãnh hải chồng lấn nhau ở Biển Đông, liên quan đến quyền sở hữu quần đảo Hoàng sa và phân định gianh giới của đường vào Vịnh Bắc Bộ. Các tàu của chính phủ Việt Nam cũng đã tham gia vào những cuộc xung đột quy mô nhỏ trong những năm của thập kỉ trước với cảnh vệ biển và các tàu đánh cá Trung Quốc, liên quan đến những vụ xâm nhập có chủ định vào những vùng biển của nhau.

Song song với sự phổ biến của tàu ngầm là mối quan tâm tăng cao đến phương tiện mang và trang thiết bị tác chiến chống ngầm (ASW). Theo dự báo của tạp chí IHS Jane’s Defence & Security, thị trường ASW ở Đông Nam Á sẽ có giá trị tới 1,05 tỉ USD vào năm 2016, đem lại những cơ hội mới, lớn đáng kể cho sự phát triển của các công nghệ và sản phẩm có liên quan đến ASW.

Tuy nhiên, đối với một số nước Đông Nam Á, việc tìm kiếm khả năng theo dõi tàu ngầm không phải là mới hình thành. Từ đầu những năm 1990, Hải quân Inđônêxia đã vận hành các tàu có khả năng tác chiến chống ngầm như tàu frigat lớp Kapitan Pattimura được lắp sô na ngoài vỏ tàu MG 332T và các ống phóng cối chống ngầm RBU 6000.

Hải quân Xingapo lần đầu tiên tìm kiếm những năng lực tác chiến chống ngầm bằng việc đưa vào hoạt động tàu hộ vệ lớp Victory đầu tiên vào năm 1990. Lớp tàu này được giao nhiệm vụ bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của quốc đảo vốn phụ thuộc vào thương mại. Tàu được trang bị sôna đo độ sâu thay đổi TSM 2064 Thomson Sintra và 6 ống phóng lôi 324 mm. Khả năng này được tăng cường hơn nữa với việc mua tàu tuần tiễu lớp Fearless, đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 10/1996 và tháng 8/1998. Tàu được trang bị sôna gắn ngoài vỏ tàu TSM 236T Gudgeon của Thomson Sintra.

Tác chiến chống ngầm từ trên máy bay

Mặc dù, những khả năng theo dõi tàu ngầm trên mặt nước có thể không mới trong khu vực, nhưng sự phổ biến của tàu ngầm đã dẫn tới sự quan tâm ngày càng gia tăng đến các phương tiện mang tác chiến chống ngầm từ trên không trong các lực lượng hải quân và không quân các nước Đông Nam Á.

Tháng 2/2014 tại Triển lãm hàng không Xingapo, công ti hàng không vũ trụ Inđônêxia PT Dirgantara đã thông tin cho tạp chí IHS Jane’s rằng Không quân hoàng gia Brunây đang lên kế hoạch mua 3 máy bay CN235-220 có khả năng ASW nhằm đáp ứng với yêu cầu tuần tiễu biển, sau khi công ti chế tạo trình diễn thành công khả năng bám sát cả mục tiêu tàu ngầm của máy bay này, vào năm 2013.

Brunây có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc trên Biển Đông. Năm 2013, trao đổi với tạp chí IHS Jane’s, Cục trưởng cục phát triển năng lực Bộ Quốc phòng Brunây cho rằng, việc mua sắm một máy bay tuần biển cánh cố định (MPA) là một ưu tiên. Tuy nhiên, đến thời điểm đăng tải bài viết này, thì cả Quân đội hoàng gia Brunây và Công ti PT Dirgantara đều không cho biết thông tin rằng hợp đồng mua 3 máy bay có trở thành hiện thực hay không.

Malaixia, nước cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông, kể từ năm 2012 cũng đã tìm mua 6 trực thăng tác chiến chống ngầm và xác định đây là một ưu tiên. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu chương trình mua sắm này đã được phê duyệt hay chưa, trong trường hợp có những cản trở do thắt chặt chi tiêu ngân sách của nước này.

Hải quân Inđônêxia cũng sẽ tiếp nhận chuyển giao các máy bay tác chiến chống ngầm mới. Tháng 11/2014, Hải quân Inđônêxia tuyên bố sẽ mua 11 máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm AS 565 Panther từ hãng Airbus Helicopters. Máy bay sẽ được lắp đặt sôna thả chìm của L-3 Helicopter Long range Active Sonar và hệ thống phóng lôi. Khi đưa vào trang bị, các máy bay trực thăng sẽ hoạt động cùng với các tàu hộ vệ trang bị tên lửa có điều khiển lớp SIGMA 10514 và 3 tàu hộ vệ lớp Bung Tomo mới được đưa vào hoạt động.

Ngoài các trực thăng Panthers, Hải quân Inđônêxia theo thông báo cũng quan tâm đến việc mua sắm trực thăng SH-2G Super Seaspire của Kaman, cho dù đến thời điểm này vẫn chưa thấy có một hợp đồng chắc chắn.

Một quân chủng hải quân khác ở Đông Nam Á đang có yêu cầu về ASW từ trên không là Hải quân Việt Nam. Theo thông tin từ IHS Jane’s tháng 4/2013, Việt Nam đã gia tăng khả năng bằng việc đề nghị chính phủ Mĩ bán 6 máy bay tuần thám biển P-3 Orion dư thừa. Về nguyên tắc, những máy bay này sẽ được chuyển giao mà không lắp đặt các vũ khí, cho dù những vũ khí thường được cung cấp ngay sau đó. Nếu như hợp đồng được kí kết, máy bay P-3 sẽ bổ sung vào lực lượng máy bay cánh cố định hiện có của Hải quân Việt Nam gồm 3 máy bay Viking DHC-6 Twin Otters đã được triển khai vào nhiệm vụ giám sát biển.

Mặc dù đang vận hành một hạm đội tàu mặt nước có khả năng tác chiến chống ngầm hiện đại, Hải quân Xingapo cũng đã quyết định tìm kiếm máy bay để giám sát tàu ngầm từ trên không. Theo thông tin từ tạp chí IHS Jane’s, Bộ quốc phòng Xingapo tháng 3/2014 đã công bố sẽ mua thêm 2 trực thăng tác chiến chống ngầm Sikorsky S-70B Seahawk, ngoài 6 chiếc đã có trong trang bị. Loạt trực thăng đầu được mua vào năm 2005 và được tích hợp với các tàu frigat lớp Formidable của Hải quân Xingapo vào năm 2010.

Các máy bay trực thăng ASW của Xingapo được trang bị ra đa bám và giám sát biển AN/APS-143, sôna thả chìm HELRAS, và hệ thống chỉ thị la de và hồng ngoại đa dụng AAS-44 của Raytheon. Các máy bay còn được trang bị ngư lôi hạng nhẹ A.244/S của Whitehead Alenia Systemi Subacquei, làm vũ khí tấn công chống tàu ngầm đối phương.

Một lực lượng hải quân khác đang vận hành máy bay trực thăng ASW Seahawk là Hải quân Thái Lan với lực lượng gồm 6 chiếc S-70B7 Seahawk và 6 chiếc trực thăng đa dụng S-76B, cùng với 2 chiếc trực thăng Super Lynx 300 của Agusta Westland. Năm 2007, Hải quân Thái Lan còn đặt hàng 2 chiếc trực thăng MH-60S Sikorsky.

Hải quân Philippin là lực lượng hải quân mới nhất gia nhập vào các lực lượng hải quân có trang bị trực thăng tác chiến chống ngầm (ASW). Tháng 9/2014, Bộ quốc phòng Philippin bắt đầu một quy trình mua sắm chính thức 2 trực thăng tác chiến chống ngầm cho hải quân. Máy bay dự kiến sẽ hoạt động cùng với tàu frigat lớp Pilar (Hamilton and Hero) BRP Gregorio Del Pilar và tàu frigat BRP Ramon Alcaraz (2 tàu của Cảnh vệ bờ biển Mĩ trước đây, được Philippin mua vào năm 2012 và 2013). Hải quân Philippin đầu năm 2014 đã cho thấy họ đang quan tâm đến trực thăng bay biển 2 động cơ AW159 Wildcat của Agusta Westland để đáp ứng với những yêu cầu tác chiến chống ngầm.

Mua sắm các phương tiện mang tác chiến chống ngầm từ trên không trong khu vực phản ánh xu thế hải quân các nước Đông Nam Á đang dựa vào lực lượng không quân để đáp ứng yêu cầu tác chiến chống ngầm. Xu thế này có thể là do nhiều nước trong khu vực đang đứng trước những vấn đề về ngân quỹ.

Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia phân tích Richard Bitzinger, phương tiên mang ASW mặt nước chuyên dụng chỉ thực sự phát huy hết tác dụng khi được triển khai trên tàu mặt nước kích thước ít nhất cũng là tàu frigat. Trong khi đó, hải quân các nước Đông Nam Á (trừ Hải quân Xingapo) đều không đủ tiềm lực để đóng nhiều tàu lớn loại này, do vậy, Bitzinger cho rằng nhu cầu về phương tiện mang ASW trên không sẽ lấn át nhu cầu đối với năng lực ASW mặt nước.

Bitzinger cũng dự đoán rằng tương lai của tác chiến chống ngầm từ trên không ở khu vực sẽ dựa nhiều vào máy bay cánh cố định hơn là máy bay cánh quay/trực thăng.

Một trong những vấn đề liên quan đến trực thăng là chúng không thể hoạt động cách quá xa tàu mặt nước, vì lí do an toàn. Nên giải pháp tối ưu để bao quát vùng lãnh hải rộng lớn của Đông Nam Á sẽ là các máy bay MPA được phân công chuyên theo dõi đối với tàu ngầm.

Bitzinger dám chắc rằng những máy bay đắt tiền như P-8 Poseidon, hoặc thậm chí P-3 Orion, có thể nằm ngoài tầm đối với hầu hết hải quân các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các máy bay MPA nội địa, giá không đắt, có thể đáp ứng các yêu cầu phát hiện tàu ngầm với trang bị lắp bên ngoài gồm các xenxơ thích hợp. Bitzinger ca ngợi Inđônêxia là nước có cơ sở công nghiệp thích hợp cho cách tiếp cận này, bởi vì Inđônêxia đã chế tạo các phiên bản máy bay MPA như CN235 và N219.

Tác chiến chống ngầm không phải từ trên không

Một giải pháp thay thế cho tác chiến chống ngầm từ trên không đã nổi lên trong những năm gần đây là khả năng sử dụng các tổ hợp không người lái bao gồm cả tàu mặt nước không người (USV) và tàu ngầm tự hoạt (AUV).

Tháng 2/2014, công ti ST Electronics (Xingapo) đã tiết lộ, họ đã bắt đầu kiểm tra một phương tiện mang kết cấu mô đun không người lái, được biết đến là USV Venus, được dùng vào mục đích tác chiến chống ngầm. Phương tiện mang Venus được tích hợp với một hệ thống phóng và thu hồi để triển khai các sôna thả chìm và đã có kế hoạch trình diễn thực nghiệm, mô phỏng hoạt động săn tìm tàu ngầm.

Công ti không tiết lộ những khách hàng đặt mua có triển vọng, nhưng cũng cho biết phương tiện mang không người lái Venus có khả năng ASW đã thu hút được sự quan tâm của các nước Châu Á –Thái Bình Dương.

Nhận thức được những trở ngại về ngân sách mà các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt, các công ti đã đi vào những cách tiếp cận khác là cung cấp các mô đun nhiệm vụ ASW được bao gói/đóng thành con ten nơ để có thể tích hợp với các tàu ASW không chuyên dụng.

Trong hội nghị về tàu tuần tiễu xa bờ (OPV) Châu Á Thái Bình Dương năm 2014 tổ chức ở Xingapo, Công ti các hệ thống hải quân của Đức - Atlas Elektronik đã trưng bày một sản phẩm có tên là mô đun TAS, gồm một con ten nơ tiêu chuẩn 20ft có điều hòa không khí với một bàn điều khiển của trắc thủ lắp sẵn và một hệ thống tời để phóng và thu hồi các khối mạng sô na kéo theo tàu. Theo giới thiệu của công ti, sản phẩm này được phát triển dành cho các khách hàng khu vực, chưa có tàu tác chiến chống ngầm chuyên dụng, nhưng có những tàu khác thay thế như các tàu tuần tiễu xa bờ (OPV), để có thể chuyển đổi thành các phương tiện săn ngầm.

Hải quân các nước có thể chọn mua 1 hoặc 2 khối mô đun công ten nơ này và sau đó quyết định chuyển đổi loại tàu nào thành phương tiện săn ngầm. Các mô đun hoàn toàn có khả năng lắp lẫn cho nhau. Theo đánh giá của Giám đốc bán hàng của Atlas Elektronik, mô đun nhiệm vụ ASW này đã thu hút được sự quan tâm từ các lực lượng hải quân khu vực khác nhau.

Ngoài ra, Hải quân các nước Đông Nam Á cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn đối với các phương tiện mang tương lai được trang bị các khả năng phát hiện tàu ngầm.

Hai tàu frigat trang bị tên lửa có điều khiển dài 105 m lớp SIGMA 10514 Perusak Kawa Rudal (PKK) của Hải quân In đô nê xia sẽ được trang bị sô na lắp ngoài vỏ tàu Kingklip của hãng Thales, và 6 ống phóng lôi 324 mm. Tàu đầu tiên thuộc lớp tàu này, theo kế hoạch sẽ được chuyển giao vào tháng 1 năm 2017, và chiếc thứ 2 sẽ được chuyển giao vào tháng 10/2017. Khả năng tác chiến chống ngầm của các tàu sẽ được tăng cường thêm bằng việc bố trí các trực thăng AS565 Panther, có khả năng thả sô na HELRAS và ngư lôi.

Sáu tàu tuần tiễu thế hệ 2 – tàu tác chiến duyên hải (SGPV- LCS) của Hải quân Malaixia theo lịch trình được đưa vào trang bị vào năm 2019, tàu sẽ được trang bị các xenxơ tác chiến chống ngầm của hãng Thales, gồm sô na thả sâu tần số thấp Captas-2. Các tàu cũng sẽ được trang bị 2 bệ phóng ngư lôi (3 ống phóng mỗi bệ) J+S Marine, còn loại ngư lôi sử dụng, Hải quân Malaixia không tiết lộ.

Việt Nam cũng đã triển khai các bước để kết hợp các khả năng ASW lên các tàu tương lai. Tàu frigat hạng nhẹ Gepard 3.9 (Project 1166) thứ 3 và thứ 4 do Nga đóng của Hải quân Việt Nam sẽ được chuyển giao vào năm 2017, theo thông báo sẽ có khả năng ASW và có thể có sân đỗ cho 1 trực thăng hải quân như Kamov Ka-28 hoặc Ka-31. Hai tàu đầu tiên thuộc lớp tàu này: “Đinh Tiên Hoàng và Lí Thái Tổ” đã được đưa vào hoạt động vào tháng 3 và tháng 8/2011, nhưng theo thông báo đây là phiên bản tàu này không có khả năng tác chiến chống ngầm.

Tám tàu làm nhiệm vụ ở vùng duyên hải (LMV) mới của Hải quân Xingapo hiện đang được chính phủ Xingapo và Công ti đóng tàu Singapore Technologies Marine triển khai. Những tàu này sẽ được trang bị một loạt những mô đun nhiệm vụ chuyên dụng.

Theo công bố của Hải quân Xingapo các tàu LMV sẽ thay thế các tàu lớp Fearless, các mô đun đặc dụng của tàu mới có thể sẽ gồm xen xơ tác chiến chống ngầm và hệ thống vũ khí.

Kết luận

Xu hướng gia tăng mua sắm phương tiện mang và khí tài trang bị liên quan đến tác chiến chống ngầm trong khu vực Đông Nam Á vì nhiều lí do khác nhau. Trừ Việt Nam và Philippin, còn những hoạt động mua sắm khác chủ yếu được định hướng bởi những mong muốn chung hiện đại hóa các hạm đội trong bối cảnh gia tăng chi tiêu quốc phòng được thúc đẩy bởi sự phát triển kinh tế rộng lớn hơn. Mặc dù hải quân các nước Đông Nam Á có thể không có lượng ngân sách quốc phòng tương đương như lượng ngân sách của các cường quốc phương Tây, nhưng dẫu sao, lượng ngân sách này cũng đã tăng lên.

Trong khu vực Biển Đông, những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau (liên quan đến những nước như Trung Quốc, Philippin, Việt Nam) đang tồn tại. Tuy nhiên, dù là những sự kình địch chiến lược có thể tồn tại giữa các cuốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nhưng sự kình địch này sẽ không phát triển thành những mối đe dọa chiến lược rõ ràng.

Do đó, chắc chắn là đối với hầu hết hải quân các nước Đông Nam Á, việc mua sắm tàu ngầm và khí tài trang bị liên quan đến ASW đều không do nhu cầu đáp ứng với mối đe dọa cụ thể, mà được định hướng bởi nhu cầu duy trì sự cân bằng chiến lược.

Hơn nữa, cho dù sẽ vẫn có nhu cầu tiếp tục về phương tiện mang và khí tài trang bị ASW ở Đông Nam Á, nhưng những khả năng này có thể sẽ không mạnh bằng những khả năng đang phát triển ở một nơi khác có nguy cơ xung đột ngầm dưới nước mạnh hơn, trong khu vực Châu Á Thái Bình dương./.

Tác giả: RIDZWAN  RAHMAT

Người dịch: Thanh Tùng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn