Phân tích xu hướng phát triển VKTB không quân của Hải quân các nước

HQVN -

Vũ khí không quân của Hải quân là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống vũ khí quân sự. Những năm gần đây, Hải quân nhiều nước đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí không quân của Hải quân thế hệ mới. Trong đó điển hình là Hải quân Mĩ với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35C, đồng thời Mĩ cũng đã bắt đầu triển khai hoạt động nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6; Hải quân Nga cũng vừa tuyên bố đang hoàn thành giai đoạn cuối của chương trình nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50; bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cũng đẩy mạnh hoạt động mua mới trực thăng chống ngầm. Gần đây nhất là việc Hải quân Mĩ tuyên bố tiến hành thử nghiệm thành công khả năng phối hợp tác chiến giưa máy bay không người lái và máy bay chiến đấu có người lái… Về tổng thể, vũ khí, trang bị không quân của Hải quân các nước phát triển theo một số xu hướng lớn sau:

Quốc hội Mĩ tăng chi tiêu ngân sách cho các chương trình mua sắm vũ khí, trang bị cho lực lượng không quân của Hải quân

Tháng 12/2014, Quốc hội Mĩ đã thông qua dự luật phân bổ tài chính năm 2015. Theo đó, Quốc hội Mĩ đã đồng ý tăng chi ngân sách thêm 2,9 tỉ USD cho lực lượng Hải quân Mĩ (từ đề xuất ngân sách ban đầu là 38,4 tỉ USD lên 41,3 tỉ USD). Trong đó, hơn một nửa (khoảng 1,6 tỉ USD trong tổng số 2,9 tỉ USD được tăng thêm) sẽ được dùng cho các chương trình mua sắm vũ khí, trang bị không quân của Hải quân. Chương trình mua sắm vũ khí trang bị này bao gồm cả 1,46 tỉ USD để mua 15 máy bay tác chiến điện tử EA-18G. Ngoài ra, Quốc hội Mĩ cũng hủy bỏ khoản ngân sách trị giá 41,5 triệu USD dành cho chương trình mua máy bay trinh sát không người lái MQ-4C. Tuy nhiên, Quốc hội Mĩ cũng đã phê duyệt khoản chi lên tới 29 triệu USD để mua 3 máy bay trinh sát không người lái tấn công MQ-8C. Bên cạnh đó, Quốc hội Mĩ cũng đã phê duyệt khoản chi ngân sách trị giá 403 triệu USD cho Hải quân Mĩ để đóng mới các tàu không người lái (UCLASS).

Hải quân Mĩ, Nga khởi động chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo

Để bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng Hải quân giai đoạn 2030-2050, trong năm tài chính 2015, Bộ Quốc phòng Mĩ đã xây dựng kế hoạch chi tiêu khổng lồ dành cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, thậm chí có thể sẽ tiến hành nghiên cứu, phát triển một loại máy bay chiến đấu cho Không quân và Hải quân Mĩ. Thế hệ máy bay chiến đấu thứ 6 hứa hẹn sẽ trở thành chương trình nghiên cứu quan trọng nhất đối với Quân đội Mĩ trong 10 năm tới. Trong khi đó, Hải quân Nga cũng tuyên bố sẽ triển khai nghiên cứu thế hệ máy bay chiến đấu trang bị trên tàu sân bay T-50 trong thời gian tới.

Ngay từ tháng 12/2009, Hải quân Mĩ đã sớm hoàn thành báo cáo đánh giá năng lực tác chiến cơ bản tầm nhìn đến năm 2024. Năm 2012, Hải quân Mĩ đã trưng cầu ý kiến liên quan đến dự án phát triển thế hệ máy bay mới (F/A-XX) thay thế cho máy bay chiến đấu F/A-18E/F, đồng thời xác định nhu cầu đối với loại máy bay chiến đấu mới này. Cuối năm 2013, Bộ Tư lệnh Không quân của Hải quân tiết lộ, chương trình trưng cầu ý kiến sẽ xác định nhiều vấn đề liên quan đến nhu cầu cụ thể đối với loại máy bay chiến đấu trên hạm của Hải quân Mĩ như: đánh giá phương án nghiên cứu năng lực tác chiến có người lái, không người lái, các cải tiến kĩ thuật, nguy cơ pHải đối mặt, thách thức kéo dài niên hạn phục vụ, tính kinh tế… Bên cạnh đó, qua các đóng góp ý kiến này sẽ tiến hành phân tích sâu hơn ưu điểm, hạn chế của máy bay chiến đấu trên hạm thế hệ thứ 6, yếu tố cải tiến kĩ thuật đột phá cũng như phương án giảm giá thành sản xuất đối với loại máy bay này.

Hiện nay, Hải quân Mĩ đang tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất, tính kinh tế. Việc cải tiến máy bay chiến đấu trên hạm như F/A-18E/F và F-35C là cần thiết, song thế hệ máy bay mới F/A-XX vừa pHải đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa pHải đảm bảo tính khả thi và đáp ứng đầy đủ tính năng kĩ chiến thuật. Thứ hai, việc cải tiến các thiết kế, hệ thống treo vũ khí, tính năng…pHải đồng bộ với các hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo.

Trong khi đó, để bảo đảm không bị tụt hậu và bắt kịp khả năng chiến đấu với Hải quân Mĩ, tháng 10/2014, Phó Tư lệnh Hải quân Nga tuyên bố, tàu sân bay mới của Hải quân Nga (dự kiến bàn giao và đi vào hoạt động năm 2030) sẽ được biên chế máy bay chiến đấu trên hạm T-50. T-50 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đa năng của Nga (hiện nay trên thế giới chỉ có Mĩ sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trong biên chế là F-22 và F-35). T-50 sử dụng vật liệu tổng hợp với nhiều công nghệ hiện đại, công suất lực đẩy lớn cho phép khả năng cơ động cao và linh hoạt. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, T-50 có khả năng tàng hình cao, có thể qua mặt mọi hệ thống phòng không. Dự kiến, năm 2016 Không quân Nga sẽ tiếp nhận chiếc T-50 đầu tiên để tiến hành thử nghiệm.

Chương trình nghiên cứu máy bay cánh cố định thế hệ mới thu được nhiều thành công quan trọng

`Chương trình nghiên cứu máy bay cánh cố định thế hệ mới của Hải quân nước ngoài trong năm 2014 đạt được nhiều thành tựu khác nhau. Trong đó, Hải quân Mĩ đã bước đầu thử nghiệm thành công máy bay trên hạm F-35C, máy bay tác chiến điện tử thế hệ mới E-2D cũng đã hình thành năng lực chiến đấu sơ bộ; đối với Pháp, Hải quân nước này cũng đã nâng cấp thành công máy bay chiến đấu trên hạm Rafael M đạt mức tiêu chuẩn F3.

F-35 là loại máy bay chiến đấu chủ lực trong vòng 30 năm tới của Quân đội Mĩ, trong đó phiên bản tác chiến trên hạm F-35C đã thử nghiệm thành công cất cánh trên hạm ngày 3/11/2014. Thành công này cho thấy, Mĩ đã khắc phục được các trở ngại về mặt kĩ thuật hãm đà bằng dây móc đối với loại máy bay này. Trong khi đó, Lực lượng Hải quân đánh bộ Mĩ cũng cho biết, tháng 7/2015 phiên bản F-35B cất cánh thẳng đứng dùng cho lực lượng này cũng đã hình thành năng lực tác chiến bước đầu. Điều này cho thấy, trong thời gian ngắn tới đây, các phiên bản F-35 sẽ nhanh chóng được đưa vào biên chế chiến đấu cho Hải quân Mĩ.

Tháng 10/2014, Hải quân Mĩ tuyên bố, thế hệ tiếp theo của máy bay cảnh báo sớm E-2D đã đạt được năng lực tác chiến bước đầu. So với biến thể cũ E-2C, E-2D được trang bị hệ thống rađa thế hệ mới có phạm vi giám sát rộng hơn, đồng thời qua thử nghiệm cũng cho thấy E-2D có năng lực phòng không tên lửa, khả năng truyền dẫn hỗn hợp và năng lực tác chiến chiến thuật tốt hơn E-2C. Bên cạnh đó, E-2D còn được ứng dụng thêm kĩ thuật mạng định vị mục tiêu chiến thuật (TTNT) qua đó nâng cao năng lực đường truyền và phạm vi theo dõi. Ngoài ra, Hải quân Mĩ còn thực hiện thử nghiệm khả năng tiếp dầu trên không đối với E-2D, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành.

Trong khi đó, tháng 10/2014, Hải quân Pháp cũng đã nâng cấp thành công máy bay chiến đấu trên hạm Rafael M từ tiêu chuẩn F1 lên tiêu chuẩn F3. Rafael F3 có thể được trang bị rađa quét điện tử RBE2, với khả năng vừa tác chiến, vừa tiếp dầu, Rafael còn được trang bị tên lửa chống hạm AM39, tên lửa hành trình tầm xa EG, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ASMP-A. Hiện nay, Hải quân Pháp dự định nâng cấp 10 chiếc máy bay loại này lên chuẩn F3, dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành toàn bộ quá trình nâng cấp. Theo tính toán, tổng chi phi cho chương trình nâng cấp này có thể lên tới 240 triệu Euro.

Mĩ bắt đầu tìm kiếm phương án thiết kế máy bay cánh xoay thế hệ thứ 3

Năm 2014, Hải quân Mĩ tiếp tục chứng tỏ là lực lượng chiếm ưu thế trong thiết kế máy bay cánh xoay thế hệ thứ 3 trên thế giới. Ngoài ra, do chủ trương cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Hải quân Mĩ buộc pHải đẩy mạnh chương trình tự nghiên cứu thay vì mua các trực thăng chủ lực MH-60.

Để đảm bảo khả năng chiến đấu, Bộ Quốc phòng Mĩ dự định sẽ trang bị cho Hải quân Mĩ thế hệ máy bay cánh xoay có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng thế hệ thứ 3. Chương trình cung cấp này được biết đến với tên gọi “chương trình kĩ thuật đa dụng liên hợp” (JMRTD), với mục đích chủ yếu là nghiên cứu phát triển kĩ thuật cất, hạ cánh thẳng đứng. Hiện tại, các nhà thầu quân sự đã đưa ra 4 giải pháp cho kĩ thuật này. Trong đó, 2 giải pháp sử dụng phương án có kĩ thuật cất, hạ cánh giống với máy bay V-22 của Hải quân đánh bộ Mĩ. Ngoài ra, 2 phương án còn lại sử dụng kĩ thuật trực thăng hỗ hợp, tức là chỉ lắp hệ thống truyền động và cánh xoay trong thân, động cơ duy trì ở trạng thái cố định. Hai nhóm phương án này đều cho khả năng cất hạ cánh như trực thăng, sau khi cất cánh lên độ cao nhất định, hệ thống cánh xoay sẽ chuyển hướng và trở thành động cơ đẩy máy bay bay đi. Tuy nhiên, phương án sử dụng kĩ thuật trực thăng hỗn hợp cho khả năng bay với tốc độ cao và khả năng hành trình xa hơn.

Bên cạnh đó, nhằm tiết kiệm đầu tư, tháng 4/2014, Hải quân Mĩ dự định hủy bỏ hợp đồng mua trực thăng chống ngầm MH-60. Đây là hợp đồng đã được kí hồi tháng 6/2012 với tổng giá trị lên tới 8,5 tỉ USD. Theo đó, trong vòng 5 năm, Hải quân Mĩ sẽ mua ít nhất 653 trực thăng MH-60 (trong đó bao gồm cả trực thăng MH-60R/S). Tuy nhiên, sau đó chương trình mua sắm này đã đội vốn đầu tư lên tới 11,7 tỉ USD với việc mua thêm 263 máy bay MH-60, nâng tổng số máy bay sẽ mua lên con số 916 chiếc. Việc chi phí tăng quá cao như vậy cùng với kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng của chính phủ khiến Hải quân Mĩ buộc pHải hủy bỏ hợp đồng.

Hải quân Nga, Anh tăng cường năng lực tác chiến của trực thăng chống hạm

Trong năm 2014, Hải quân Nga, Anh nỗ lực đẩy mạnh nâng cao năng lực tác chiến của trực thăng. Ví dụ, Không quân của Hải quân Nga trong năm 2014 đã tiếp nhận 2 trực thăng Ka-52KM và Ka-27M. Trong đó, ngày 24/9/2014, Hải quân Nga tiếp nhận chiếc Ka-52KM đầu tiên trong tổng số 32 chiếc từ Công ti trực thăng Nga. Hai trực thăng này sẽ được biên chế trên tàu đổ bộ trực thăng Vladivostok và Sevastopol, mỗi tàu đổ bộ này có khả năng chở tối đa 8 trực thăng Ka-52KM. Đối với trực thăng chống ngầm Ka-27M, đây là biến thể được cải tiến từ trực thăng Ka-27 với số lượng khoảng vài chục chiếc. Ka-27M sau khi được cải tiến, nâng cấp sẽ được trang bị loại rađa có khả năng độc lập tác chiến hoặc hiệp đồng tác chiến theo biên đội.

Nhằm nâng cao năng lực tác chiến chống hạm cho trực thăng, tháng 7/2014, Hải quân Hoàng gia Anh đã kí hợp đồng trị giá 90 triệu USD để mua hệ thống tên lửa chống hạm (FASGW) trang bị trên 28 chiếc trực thăng AW159. Với trang bị hệ thống tên lửa chống hạm mới này cho phép các trực thăng AW159 có khả năng tác chiến trên phạm vi rộng, linh hoạt hơn rất nhiều so với trước đây, đồng thời có thể tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau như tàu mặt nước tốc độ cao hạng nhẹ, mục tiêu mặt đất, mục tiêu ven biển. Tên lửa FASGW là loại tên lửa sử dụng hệ thống truyền số liệu hai kênh tốc độ cao, cho phép tên lửa vừa bay vừa truyền hình ảnh mục tiêu về sở chỉ huy. Căn cứ vào số liệu và hình ảnh được tên lửa truyền về, người chỉ huy có thể lựa chọn 2 phương thức tấn công: để tên lửa tự động tấn công mục tiêu hoặc là có thể ra lệnh cho tên lửa tiếp tục hành trình. Bên cạnh đó, tên lửa FASGW còn được trang bị thiết bị thu hồi, thay đổi lựa chọn mục tiêu sau khi phóng qua đó nâng cao năng lực tác chiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nhân viên vận hành có thể thay đổi mục tiêu ban đầu đã lựa chọn, đồng thời tên lửa FASGW còn có thể được chỉ thị mục tiêu tấn công từ bên thứ 3 qua đó tăng cường tính linh hoạt trong tác chiến.

Một số quốc gia Đông Nam Á tích cực mua sắm trực thăng chống ngầm

Trong năm 2014, một số quốc gia Đông Nam Á như Philipin, Inđônêxia và Việt Nam đẩy mạnh hoạt động mua sắm trực thăng chống ngầm nhằm nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm cho Hải quân.

Tháng 2/2014, Hải quân Philipin đã kí hợp đồng với Công ti trực thăng Agusta Westland đặt mua 2 trực thăng chống ngầm AW109 và cuối năm 2014 đã được bàn giao. Hai máy bay này được dùng chủ yếu vào thực hiện các nhiệm vụ trên biển như bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, trinh sát mặt nước, tìm kiếm cứu nạn trên biển và duy trì an ninh, giao thông trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Hải quân Philipin đã đặt mua 5 chiếc trực thăng loại này, trong đó 3 chiếc đã đưa vào hoạt động. Trước đó, năm 2013, Không quân Philipin cũng đã đặt mua 8 chiếc AW109.

Năm 2014, Inđônêxia cũng đã mua 11 trực thăng AS565 MBe của Công ti Airbus, với nhiệm vụ chủ yếu nâng cao khả năng chống ngầm, dự kiến năm 2017 lô trực thăng chống ngầm mới này mới chính thức được bàn giao và đưa vào hoạt động. Theo điều lệ quy định trong hợp đồng, Công ti PT Dirgantara của Inđônêxia sẽ là nhà thầu cung cấp thiết bị chính thức cho lô trực thăng này. Các thiết bị chủ yếu gồm sôna chủ động tầm xa (HELRAS) và hệ thống phóng thủy lôi. Hiện nay, Quân đội Inđônêxia được biên chế nhiều loại trực thăng chiến đấu do Công ti Airbus sản xuất như: Trực thăng huấn luyện EC120, trực thăng tấn công hạng nhẹ BO-105, trực thăng chống ngầm AS565 và trực thăng tìm kiếm cứu nạn EC725 sắp được bàn giao.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã lên kế hoạch mua một lô trực thăng Hải quân mới để trang bị trên 4 tàu tuần tra đa năng. Được biết, các tàu tuần tra đa năng mới này có khả năng đỗ và cất cánh các trực thăng có trọng tải lên tới 14 tấn. Trong đó, 1 chiếc tàu tuần tra đa năng đã được bàn giao, hiện còn 3 chiếc đang trong quá trình hoàn thiện.

Chương trình máy bay không người lái của Hải quân Mĩ thu được bước phát triển quan trọng

Năm 2014, Hải quân Mĩ tiếp tục đầu tư nhiều nguồn lực tài chính vào chương trình phát triển máy bay không người lái. Trong đó, một số đặc điểm nổi bật nhất là, thứ nhất, nghiên cứu phát triển máy bay không người lái cho các tàu hạng nhẹ và hạng trung; thứ hai thử nghiệm khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay không người lái và máy bay có người lái; thứ ba, đẩy mạnh hoạt động tuần tra giám sát khu vực Đông Bắc Á bằng máy bay không người lái tầm cao.

Nhằm nâng cao năng lực tác chiến cho các tàu mặt nước hạng nhẹ và hạng trung, Cục Nghiên cứu Dự án cao cấp quốc phòng Mĩ và Cục Nghiên cứu Hải quân Mĩ đã phối hợp phát triển máy bay không người lái tầm xa cho tàu chiến hạng nhẹ và hạng trung có tên XPV-1. XPV-1 có thiết kế gần giống với máy bay không người lái MQ-1, có khả năng thu thập tin tức tình báo, giam sát, trinh sát (ISR) và tấn công mục tiêu trong phạm vi bán kính từ 600 – 900 Hải lí tính từ tàu mẹ.

Bên cạnh đó, Hải quân Mĩ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển máy bay không người lái khác đang được nghiên cứu. Trong đó, tháng 9/2014, Hải quân Mĩ đã lần đầu thử nghiệm thành công khả năng hành trình liên tục 11 giờ đối với máy bay không người lái MQ-4C. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với chương trình phát triển MQ-4C. Ngày 19/12/2014, máy bay không người lái MQ-8C cũng đã thử nghiệm thành công chuyến bay đầu tiên cất hạ cánh trên tàu khu trục, dự kiến cuối năm 2015 MQ-8C sẽ chính thức được biên chế để đưa vào tác chiến.

Để nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay không người lái và máy bay chiến đấu có người lái, trong năm 2014, Hải quân Mĩ cũng đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên nhằm đánh giá khả năng phối hợp tác chiến giữa máy bay cánh xoay và máy bay cánh cố định. Ngày 12/5/2014, Hải quân Mĩ đã thử nghiệm thành công khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay trinh sát không người lái MQ-8B và trực thăng MH-60R. Kết quả cho thấy, MQ-8B hỗ trợ rất hiệu quả cho MH-60R trong hoạt động thu thập tin tức tình báo và nhận biết mục tiêu khu vực ven biển, đồng thời qua đó nâng cao xác suất tấn công chính xác mục tiêu. Ngày 17/8/2014,  máy bay không người lái X-47B cũng đã có cuộc thử nghiệm phối hợp tác chiến thành công với máy bay chiến đấu F/A-18. Cả hai máy bay này đều cất cánh trên tàu sân bay Roosevelt, trong quá trình phối hợp tác chiến, X-47B đã cho thấy khả năng phối hợp một cách nhịp nhàng, linh hoạt với máy bay chiến đấu có người lái. Thành công của lần thử nghiệm này hứa hẹn sẽ mở ra một phương thức tác chiến mới hiệu quả hơn của Hải quân Mĩ trong tương lai.

Bên cạnh đó, Hải quân Mĩ cũng đặc biệt chú trọng phát triển máy bay trinh sát không người lái biên chế trên tàu sân bay (UCLASS). Chương trình này hi vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp tin tức tình báo, giám sát, trinh sát và tấn công mục tiêu đối với các tàu sân bay. Tháng 9/2014, Hải quân Mĩ đã công bố thư mời thầu đến các công ti, nhà thầu quân sự. Tuy nhiên, do vẫn tồn tại một số vấn đề về yêu cầu và phạm vi nhiệm vụ cụ thể chưa được làm rõ nên buộc Hải quân Mĩ pHải điều chỉnh lại kế hoạch phát triển. Mặc dù, trong dự toán tài chính năm 2015, Hải quân Mĩ dự định chi khoản ngân sách trị giá 403 triệu USD cho chương trình phát triển UCLASS, tuy nhiên do yêu cầu điều chỉnh kế hoạch, Quốc hội Mĩ yêu cầu Bộ Quốc phòng pHải đệ trình bản báo cáo chi tiết chi tiêu. Do đó, Hải quân Mĩ đã đề nghị lùi thời hạn triển khai chương trình phát triển UCLASS đến năm 2016, đồng thời thời gian chính thức đưa vào biên chế cũng được điều chỉnh từ dự kiến năm 2020 thành năm 2022. Trong năm 2014, Hải quân Mĩ cũng đã kí hợp đồng tổng trị giá lên tới 150 tỉ USD với hãng Boeing, hãng Lockheed Martin và hãng Northrop Grumman để tiến hành thẩm tra, đánh giá đối với bản thiết kế UCLASS. Ngoài ra, đối với năm tài khóa 2016, Hải quân Mĩ dự định chi khoảng 135 triệu USD để tiến hành hoạt động đệ trình chương trình phát triển này.

Nhằm tăng cường khả năng giám sát đối với hoạt động của Triều Tiên và Trung Quốc, tháng 5/2014, Mĩ bắt đầu biên chế máy bay không người lái Global Hawk (RQ-4) cho lực lượng không quân đang đồn trú tại Nhật Bản. Máy bay không người lái Global Hawk có khả năng hoạt động liên tục 30 giờ ở độ cao 20km. Nhiệm vụ chủ yếu là giám sát hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, qua đó cung cấp các thông tin tình báo có liên quan kịp thời cho Chính phủ Hàn Quốc. Bên cạnh đó, máy bay không người lái Global Hawk còn có nhiệm vụ giám sát, trinh sát hoạt động các tàu chấp pháp của Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch mua một số máy bay không người lái Global Hawk để biên chế cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tác chiến liên hợp với Quân đội Mĩ trong tương lai./

 Tác giả: HÀ BÌNH   

Người dịch: Nguyễn Bá Trọng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn