Những “mẹ hiền” nơi biển, đảo tiền tiêu

HQVN -

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió với muôn vàn khó khăn nhưng những thầy thuốc ở huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc vẫn ngày đêm chăm lo sức khỏe, cứu chữa bệnh cho đồng chí, đồng đội và bà con ngư dân. Họ hoàn toàn xứng đáng với câu ví “Thầy thuốc như mẹ hiền” mà mọi người thường nói.

Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đến đảo Sơn Ca đúng ngày có 2 ngư dân vào bệnh xá đảo cấp cứu với 2 loại bệnh thường gặp và khá nguy hiểm ở ngư dân đánh bắt cá xa bờ là viêm ruột thừa cấp và giảm áp do lặn biển sâu.

Giường bên này là ngư dân tên Thành Tâm quê ở tỉnh Bình Thuận, sinh sống tại đảo Phú Quý. Khi đang cùng tàu đánh bắt hải sản gần đảo Sơn Ca thì anh bị đau bụng dữ dội vì viêm ruột thừa cấp. Anh đã được y, bác sĩ trên đảo khám, chẩn đoán và tiến hành mổ cấp cứu. Anh Tâm tâm sự: Tôi thấy mình rất may mắn khi được đưa vào Sơn Ca cấp cứu kịp thời. Hiện tại sức khỏe cũng dần ổn định và sắp được trở lại tàu. Em cảm ơn các anh quân y đảo Sơn Ca.

Nằm trên giường đối diện là ngư dân tên Thiện quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Anh cùng các thành viên của tàu cá hành nghề lặn biển, bắt các loại hải sản với những hải trình kéo dài cả tháng. Vài ngày trước trong lần lặn quá sâu anh đã bị tụt áp nặng và anh em cùng tàu phải đưa vào Sơn Ca cấp cứu. Anh cảm động nói: Sức khỏe của tôi chưa bình phục hẳn bởi sự cố vừa rồi là khá nghiêm trọng, một bên người gần như tê liệt hoàn toàn. Nhờ sự điều trị tích cực và kịp thời của các thầy thuốc trên đảo Sơn Ca, tôi đã qua cơn hiểm nghèo. Các anh còn tận tình hướng dẫn tôi hướng xử lý và điều trị khi về đất liền.

Quân y đảo Sơn Ca cấp cứu ngư dân. Ảnh: Phạm Thọ

Hồi tháng 7-2018, Tàu BT 97688 TS đang khai thác thủy sản tại ngư trường Trường Sa thì gặp sóng lớn làm gẫy cẩu. Cẩu đè khiến 2 ngư dân đều quê ở huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận là Lê Văn Tình bị gãy hở độ 3 đầu dưới xương cẳng chân phải, chấn thương bụng kín, sai khớp háng phải và Phạm Thanh Bằng bị gãy kín đầu dưới 2 xương cẳng chân phải và sai khớp cổ chân. Tàu cá đã đưa hai ngư dân vào đảo Thuyền Chài để cấp cứu. Khi ấy, Thiếu tá Trịnh Văn Tuấn, Quân y đảo nhanh chóng tiếp nhận và khẩn trương cứu chữa ban đầu cho hai ngư dân. Sau đó, hai ngư dân được máy bay quân đội đưa về bờ điều trị.

Bác sĩ, Thiếu tá Trương Văn Tứ, Chủ nhiệm Quân y Vùng 4 Hải quân cho biết: Khác với trong đất liền là còn có các chuyên khoa khác hỗ trợ, ở ngoài đảo xa, tất cả mọi mặt kể cả điều trị bệnh nhân cũng như cấp cứu, anh em quân y đều phải tự quyết định. Vì thế, các y, bác sĩ ở đây đều phải có trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn giỏi, đặc biệt là có khả năng xử lý nhiều tình huống tốt. Thông thường, mỗi đồng chí quân y trước khi ra đảo công tác được chuẩn bị từ tinh thần, chuyên môn trước đó 1 năm.

Vất vả không kém gì quân y của Trường Sa đó chính là những quân y công tác ở các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chúng tôi đã từng gặp Trung tá QNCN Trần Văn Du, Quân y Nhà giàn Huyền Trân trong một dịp nghỉ phép và được anh tâm sự về đường binh nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Quân y 1 (Sơn Tây), năm 1995, anh được phân công về Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân. Tính đến nay, anh gắn bó với các nhà giàn đã 14 năm. Số lượng nhà giàn anh “kinh qua” cũng lên đến con số hàng chục, từ Tư Chính, Quế Đường, đến Phúc Tần… Anh còn kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm khi tác nghiệp trên biển giúp ngư dân. Những câu chuyện ấy dù ngắn gọn cũng khiến chúng tôi cảm nhận được sự nguy cấp tại thời điểm xảy ra sự việc để cảm phục hơn việc anh làm.

Theo thống kê, trong năm 2018 và tháng 1-2019, quân y của Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã tổ chức khám, cấp thuốc cho gần 12 nghìn trường hợp với trên 3.200 lượt dân; trong đó cấp cứu và điều trị là 150 trường hợp. Đến nay, tính riêng huyện đảo Trường Sa đã có 9 đảo, điểm đảo được lắp đặt hệ thống truyền hình y học trực tuyến. Đối với những ca cấp cứu khó, vượt quá khả năng và điều kiện cho phép ngoài đảo, các kíp quân y trên đảo sẽ liên lạc, hội chẩn các bệnh viện phụ trách trong đất liền để cùng xử lý, lên phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân hoặc xin ý kiến cấp trên vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay về đất liền tiếp tục điều trị.

Thượng tá Dương Văn Thiện, Phó trưởng Phòng Quân y Hải quân cho biết, năm 2019, ngành Quân y Hải quân sẽ tập trung tổ chức tốt việc huấn luyện, tập huấn cho các kíp quân y tăng cường cho các đảo nổi và các y, bác sỹ độc lập ở các đảo chìm, nhà giàn; xây dựng hệ thống tổ chức cứu chữa, vận chuyển bệnh nhân tại các đảo, giữa đảo với đảo, giữa đảo với đất liền đủ mạnh. Từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội cũng như khám chữa bệnh, cấp cứu cho lực lượng ngư dân khai thác hải sản xa bờ, lực lượng du lịch và các lực lượng khác được hiệu quả.

Trong câu chuyện hỏi thăm, chúc mừng dịp “Ngày thầy thuốc Việt Nam” qua điện thoại, Thiếu tá Trịnh Văn Tuấn phấn khởi khoe với chúng tôi: “Vừa có tàu cá của Bình Thuận ghé đảo. Ngư dân mang biếu một vài con cá, con mực để cảm ơn bộ đội, quân y từng giúp đỡ mình trong lúc đánh bắt trên biển”. Cõ lẽ, chính thứ tình cảm đáng quý ấy mà bà con ngư dân dành cho đội ngũ đội ngũ y, bác sĩ quân y Trường Sa và Nhà giàn DK1 sẽ trở thành nguồn động viên và động lực để các anh tiếp tục cống hiến cho công tác chữa bệnh cứu người nơi nghìn trùng khơi.

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn