Những kinh nghiệm sau chuyến đi

Những kinh nghiệm sau chuyến đi

Mặc dù gặp không ít khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn và đoàn công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại quân sự. Chuyến công tác giúp cho Học viện Hải quân đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động đối ngoại cũng như bổ sung nội dung huấn luyện, đào tạo sĩ quan Hải quân tại Học viện.

Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn cập cảng Manila của Philippines

Trong chuyến công tác, các học viên nói riêng, đoàn công tác nói chung đã tích cực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng hải quân hai nước Philippines và Brunei, góp phần tăng cường tình cảm chân thành, củng cố tình hữu nghị giữa lực lượng hải quân cũng như quân đội các nước trong khu vực.

Lễ đón đoàn công tác tại cảng Muara của Brunei

Những hạn chế cần khắc phục

Trong quá trình giao lưu, trao đổi cùng đoàn công tác cũng như với các học viên nước ngoài, những hạn chế về ngoại ngữ, ít thông tin về văn hoá, phong tục tập quán nước bạn khiến các học viên Hải quân Việt Nam chưa thật sự chủ động, tự tin trong giao tiếp.

Chuẩn bị cho chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Đào Thị Thanh Mai, Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học, Học viện Hải quân đã trực tiếp lên lớp, huấn luyện bổ sung các nội dung tiếng Anh giao tiếp cho các học viên. Trao đổi về việc học tiếng Anh của học viên Hải quân tại Học viện, Thiếu tá Đào Thị Thanh Mai cho biết: Cái thiếu của học viên là thiếu môi trường nói tiếng Anh. Nhiều học viên vốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết đều tốt nhưng không có môi trường nói tiếng Anh, không thường xuyên sử dụng tiếng Anh vì vậy việc giao tiếp sẽ bị hạn chế.

Nói về các biện pháp nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học viên qua các chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự, Thiếu tá Đào Thị Thanh Mai cho biết thêm: Trước hết cần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Học viện. Trong các chuyến đi như thế này, cần tạo điều kiện để học viên tăng cường các hoạt động như chào xã giao, tiệc chiêu đãi, giao lưu văn hoá, văn nghệ thể thao… để từ đó học viên có thêm các kỹ năng mềm, cũng như phát triển trình độ ngoại ngữ.

Lần đầu tiên tổ chức cho học viên đi huấn luyện trên biển đường dài kết hợp với nhiệm vụ đối ngoại quân sự, Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đánh dấu một bước phát triển mới trong quy trình đào tạo sĩ quan Hải quân của Hải quân nhân dân Việt Nam. Thành công của chuyến đi củng cố niềm tin, nâng cao bản lĩnh và khả năng điều hành, vận hành tàu hoạt động trên biển xa cho đội ngũ sĩ quan, thủy thủ của tàu cũng như cho các sĩ quan Hải quân tương lai. Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị cho chuyến đi ngắn nên một số nội dung chuẩn bị của học viên còn sơ sài, các tài liệu, dụng cụ học tập còn thiếu. Công tác chỉ đạo nội dung huấn luyện có lúc còn chưa chủ động, kịp thời. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh với giảng viên và tàu có lúc chưa chặt chẽ dẫn đến một số nội dung công việc hiệu quả chưa cao. Huấn luyện bảng bố trí chiến đấu, bố trí công tác một số nội dung chưa tốt. Khả năng chịu đựng sóng gió của học viên còn yếu, một số học viên còn ngại khó, ngại khổ trong quá trình huấn luyện trên biển, chưa tận dụng hết thời gian để học tập.

 Đoàn Hải quân Việt Nam giao hữu bóng đá với Hải quân Brunei

Một số bài học sau chuyến đi

Tổng kết chuyến hành trình huấn luyện trên biển kết hợp đối ngoại quân sự, Đại tá, PGS.TS Phan Văn Vân, Phó Giám đốc Học viện Hải quân, Trưởng đoàn đã thẳng thắn chỉ rõ những việc làm được và chưa được, từ đó rút ra một số bài học sau chuyến đi.

Các chuyến công tác sau cần chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị. Trong xây dựng kế hoạch phải chu đáo, tỉ mỉ, chi tiết; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, phát huy tốt vai trò chức năng của cơ quan trung tâm khi xây dựng kế hoạch. Cần nghiên cứu kỹ và nắm chắc tình hình thực tế tính năng VKTBKT tàu để xây dựng kế hoạch sát và phù hợp. Tàu buồm đi làm nhiệm vụ huấn luyện kết hợp đối ngoại quân sự chỉ nên đến 1 hoặc 2 nước vì quãng đường và thời gian đi quá dài, diễn biến thời tiết khó lường. Việc không thể sử dụng buồm và sử dụng máy trong thời gian dài vượt quá 75% công suất, ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy móc, trang bị.

Học viện Hải quân đào tạo sĩ quan cấp phân đội theo nhiều chuyên ngành khác nhau, vì vậy nên bố trí các học viên chuyên ngành hàng hải, cơ điện, thông tin đi theo tàu sẽ phát huy được khả năng chuyên môn, phù hợp với từng chuyên ngành trên Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn. Cần linh hoạt trong bảo đảm thực phẩm cho tàu hoạt động dài ngày trên biển, điều chỉnh lượng dự trữ thực phẩm phong phú, phù hợp hơn cho những chuyến đi sau.

Sỹ quan Hải quân Brunei cùng đoàn công tác thống nhất phương án luyện tập vận động đội hình trên bên biển (pasex)

Công tác chỉ huy điều hành phải linh hoạt, chặt chẽ, khoa học, bám sát kế hoạch đã lập và kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, nhất là hoạt động đối ngoại phải chính xác về thời gian. Quá trình huấn luyện trên biển, các nội dung huấn luyện học viên chỉ thực hiện theo ca làm việc để bảo đảm sức khỏe thủy thủ khi đi biển dài ngày, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị kỹ thuật. Bên cạnh kế hoạch huấn luyện chung, hàng ngày trong quá trình hành quân phải xây dựng lịch công tác chi tiết, phù hợp để tổ chức huấn luyện đạt hiệu quả cao nhất. Các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cần phải chuẩn bị chu đáo hơn để nhằm tuyên truyền các hoạt động của tàu cũng như kịp thời động viên bộ đội.

Bai, ảnh: Hoàng Triệu

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn