“Bếp ăn bệnh viện như bếp ở nhà”
Viện Y học Hải quân là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của Quân chủng Hải quân. Trong thời bình, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng bảo đảm quân y cho huấn luyện, chiến đấu của Quân chủng, Viện có nhiệm vụ khám, thu dung, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân; thực hiện chương trình quân dân y kết hợp.
Cùng với tập trung đổi mới công tác xây dựng ngành Hậu cần đáp ứng yêu cầu “nâng cao năng lực và thu hút bệnh nhân” của bệnh viện, từ đầu năm 2017, Viện Y học Hải quân thực hiện đột phá vào nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội-thương, bệnh binh. Theo Thượng tá Phạm Xuân Chiểu, Phó Giám đốc về Quân sự Viện Y học Hải quân, đây là sự cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Tư lệnh Hải quân với ngành Hậu cần Quân chủng; từng bước thực hiện đổi mới phương thức phục vụ và xây dựng văn hóa trong ăn uống theo Hướng dẫn số 3038 của Cục Hậu cần Hải quân.
Chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân ở bếp ăn Viện Y học Hải quân
Bếp ăn tập trung của Viện Y học Hải quân vào cuối buổi sáng-2 phòng ăn rộng rãi, mát mẻ được bố trí hơn 20 bàn inox sạch sẽ và ngăn nắp. Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Hưởng, Bếp trưởng đang tất bật cùng các anh nuôi chuẩn bị bữa trưa ở khu vực chia ăn cho bệnh nhân. Các món trưa nay là củ cải xào, thịt rang, chả lá lốt, đậu luộc, sườn xào chua ngọt, canh cua, dưa hấu tráng miệng. Mùi thức ăn hấp dẫn ngay khứu giác chúng tôi từ lúc bước vào.
- Nếu đủ bằng này bàn ăn, các anh phục vụ có vất vả không? Tôi hỏi Thượng úy Nguyễn Văn Hưởng.
- Cũng bình thường vì chỉ cán bộ và nhân viên bệnh viện ăn tại đây. Bệnh nhân có phòng ăn tại các khoa anh ạ. Chỉ bữa sáng có phần “nhọc” hơn một chút vì từ 4h30 bọn em đã phải dậy để “nổi lửa” rồi.
- Sáng nay các anh làm món gì?
- Bánh đa nấu tim lợn ạ.
- Nếu ăn như thế này ở bên ngoài, chắc cũng tới 50 ngàn một người một bữa chính ấy nhỉ? Tôi mới đang tính thế thì Trung tá Nguyễn Văn Tôn, Chủ nhiệm Hậu cần Viện Y học đã vui vẻ thông báo: Tiêu chuẩn ăn của bệnh nhân là 71 ngàn đồng một người một ngày anh ạ.
- 71 ngàn một người mà ăn đủ, ăn ngon thì cũng phải tính toán thật khéo đấy nhỉ?
- Không chỉ ăn đủ, ăn ngon đâu anh - Trung tá Nguyễn Văn Tôn tiếp lời - Vấn đề là cơ quan Hậu cần Viện Y học đã lên được thực đơn theo bệnh lý của bệnh nhân do các khoa chỉ định. Đó cũng là một trong những chỉ tiêu của đột phá “nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội, bệnh nhân”. Anh thấy đấy, như bữa chính hôm nay có 5 món, trong đó có 3 đến 4 món giàu chất đạm.
- Vâng! Thế còn chất lượng, an toàn của thực phẩm thì sao hả các anh?
Bây giờ đến lượt Thượng úy QNCN Bùi Thị Thủy, Quản lý bếp ăn trả lời “chất vấn”: - Rất an toàn anh ạ. Nhà bếp kiểm thực theo đúng 3 bước: Nhập - chế biến, nấu - sau nấu. Xuất, nhập “tay ba”. Các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, rau củ quả, đường sữa, thực phẩm chế biến sẵn đều đủ tư cách pháp nhân, giấy phép. Nội dung hợp đồng ký kết đã ghi rõ: Nếu mất an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí và tổn thất. Chúng tôi cho các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cũng là thực hiện đổi mới theo hướng dẫn của trên để bếp ăn bớt nhân công đi chợ, sơ chế, phân loại, thải bỏ…
Tôi cũng được biết, bộ phận Hậu cần của Viện Y học chỉ có 24 người, trong đó nuôi quân gồm 7 đồng chí, ngoài ra có sự hỗ trợ từ 6 - 9 đồng chí là điều dưỡng viên các khoa giúp mang khẩu phần ăn về cho bệnh nhân tại các khoa lâm sàng. Những sự sắp xếp hợp lý về cung cấp thực phẩm và hỗ trợ phục vụ bệnh nhân ở trên đã tạo điều kiện để anh nuôi tập trung thực hiện tốt chế độ chăm sóc về dinh dưỡng cho từng người bệnh.
Thượng tá Phạm Xuân Chiểu cung cấp thêm cho chúng tôi một số thông tin: 3 đồng chí nuôi quân của bếp đã qua Trung cấp nấu ăn nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cán bộ hậu cần của Viện đã được tham quan, học tập về cách thức tổ chức thực đơn theo bệnh lý của bệnh nhân từ các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103. Chế độ thực đơn, chế độ kinh tế công khai được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hậu cần, sinh hoạt bệnh nhân ở Viện.
Cũng từ đầu năm 2017, công tác Hậu cần ở Viện đã có nhiều khởi sắc. Công tác quản lý cơ sở vật chất, trang bị hậu cần đi vào nền nếp. Việc xây dựng Viện giai đoạn 2 bảo đảm tiến độ, chất lượng. Xăng dầu, vận tải cho các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ công tác tuyến được bảo đảm kịp thời.
Khoa A10 hiện đang có 5 bệnh nhân là quân nhân báo ăn tại bếp. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Hộ lý của Khoa trao đổi với tôi: Ngày nào, hộ lý chúng em cũng hỏi bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng, phong cách phục vụ ăn uống. Nếu có ý kiến góp ý, chúng em sẽ phản ánh với cán bộ chuyên trách để cùng nhau phục vụ tốt hơn.
Gặp một bệnh nhân của Khoa A10 vừa từ phòng điều trị về buồng bệnh, tôi bắt chuyện và hỏi ngay em về chế độ ăn uống ở Viện. Đó là quân nhân Nguyễn Thành An, Vùng 1 Hải quân. An nhập viện từ ngày 4-5 và báo ăn thường xuyên ở bếp. An tâm sự: Bọn em ăn ở đơn vị với tiêu chuẩn 47 ngàn đồng một ngày. Ăn uống ở đây em thấy rất được anh ạ, cơm dẻo, canh ngọt như bếp ở nhà.
“Như bếp ở nhà”-chỉ một câu ví von ấy của An cũng đủ ghi nhận tình cảm và trách nhiệm của những người phục vụ hậu cần ở Viện Y học Hải quân với người bệnh. Tình cảm ấy, trách nhiệm ấy cộng thêm với sự tính toán về chế độ dinh dưỡng hằng ngày một cách hợp lý và khoa học đã làm nên bước đột phá vào nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội-thương, bệnh binh ở nơi này.
Văn Tú
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Nghiệm thu xe ô tô - trạm nguồn điện và vật tư kỹ thuật tại Nhà máy Z753 - ( 13-12-24 06:00 )
- Vùng 4 tham quan thực hiện ngày kỹ thuật tại Lữ đoàn 101 - ( 13-12-24 06:00 )
- Góp ý vào dự thảo đề cương báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ XIV - ( 13-12-24 04:00 )
- Tư lệnh Vùng 3 kiểm tra Trạm ra đa 3511 - ( 12-12-24 04:00 )
- Lữ đoàn 679 chuẩn bị tốt nội dung tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 - ( 12-12-24 04:00 )