Những điều cần biết khi đi tắm biển
Đề phòng dòng chảy xa bờ
Các bãi biển Việt Nam nhìn chung sóng không quá to, cát mịn, có phần thoai thoải. Trước khi xuống nước, bạn nên hỏi người dân địa phương bãi tắm nào an toàn để tránh nguy cơ bị sụt cát, sứa, đá nhọn... Điều đầu tiên cần ghi nhớ là dành khoảng 5-10 phút để quan sát biển báo nguy hiểm và nhận dạng dòng chảy xa bờ.
Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ, nó được hình thành khi nước biển được đưa liên tục vào bờ và tập hợp lại thành một dòng chảy đi thẳng ra biển. Nó là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển. Bởi theo kinh nghiệm của người đi biển, nơi vùng nước lặng, hầu như không có sóng thì đó là nơi có dòng nước xa bờ. Có thể nhận biết dòng chảy này nhờ những đặc điểm sau: Có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn; Có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn; Đôi khi có thể thấy các mảnh vỡ/bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.
Xử lý sự cố
Trước khi xuống nước nên khởi động làm nóng cơ thể bằng các động tác thể dục toàn thân. Tránh ăn quá no hay uống rượu say trước khi xuống biển để tránh bị chuột rút khi đang tắm. Nếu bị chuột rút, bạn nên bình tĩnh kéo ngược hướng nhóm cơ đang bị rút, làm cơ giãn ra để giảm đau, rồi tìm cách gọi mọi người giúp để đưa bạn vào bờ. Cần nghỉ ngơi ít nhất một giờ mới xuống nước lại.
Không nên tắm biển một mình, để đảm bảo an toàn, nên đi bơi cùng ít nhất 1-2 người khác để có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố. Nếu không may gặp phải dòng chảy xa bờ thì không nên cố bơi ngược trở lại mà tiếp tục bơi song song với bờ biển cho đến khi gặp con sóng từ ngoài đánh vào và đưa lại gần bờ.
Đối với những người không biết bơi, hoặc đã đuối sức, không đủ thể lực để thoát khỏi dòng ngược, hãy cố gắng bơi song song với bờ biển, hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc người dân gần đó ứng cứu.
Ngoài ra, chúng ta không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống nước. Đừng để bụng quá đói hoặc quá no. Không nín thở quá lâu khi lặn.
Lên bờ ngay khi thấy các triệu chứng sau
Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh; Thấy mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy; Bị chuột rút, rối loạn thị giác; Có dấu hiệu bị chướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối.
Nếu đột nhiên có cảm giác rát bỏng, có khả năng bị sứa cắn. Hãy lập tức lên bờ, dùng chanh hoặc giấm xoa lên chỗ bị đau, sau đó nên tắm lại bằng nước ngọt. Nếu không có giấm, chúng ta hãy rửa vết sứa chích bằng nước biển rồi lấy cát đắp lên. Như vậy nọc độc của sứa sẽ được hạn chế bớt.
Lưu ý về sức khỏe
Lưu ý quan trọng khi tắm biển là đề phòng bị say nắng hoặc cảm lạnh. Ánh sáng mặt trời chỉ tốt cho cơ thể vào lúc trước 9h hoặc sau 15h, ngoài những giờ đó, ánh nắng rất gay gắt, gây tổn hại nhiều cho da và mắt.
Cùng với đó cần uống nước thường xuyên để tránh bị say nắng. Khi gặp những triệu chứng như da khô nóng, mất ý thức, buồn nôn, khó thở... thì cần đưa vào chỗ râm, làm mát bằng cách chườm vải hoặc khăn thấm nước rồi liên hệ với nhân viên cứu hộ để được hỗ trợ.
Nhà có trẻ nhỏ cần lưu ý thêm, khăn và ô luôn là những đồ dùng cần thiết để mang theo khi ra biển. Không nên để trẻ phơi nắng quá lâu và tắm liền 2 tiếng trên biển. Khi tắm xong lên bờ thì cần phải lau người, thay đồ khô luôn cho trẻ, tránh để trẻ mặc đồ ướt chạy chơi trên cát bởi ở biển gió to nên rất dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
Chúng ta thường có thói quen sau khi tắm biển thì phải ăn hải sản ngay, thế nhưng, nếu người có cơ địa dị ứng thì phải cẩn trọng. Mặt khác, bạn cũng nên mang theo thuốc chống dị ứng để phòng ngừa.
Khánh Hưng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Công điện ứng phó với bão số 9 - ( 18-11-24 06:00 )
- BIZ MBBank: Đối tác tin cậy của doanh nghiệp xuất nhập khẩu - ( 05-09-24 08:00 )
- Siêu bão Man-yi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 - ( 18-11-24 08:00 )
- Từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chủ động ứng phó với diễn biến bão Man-yi - ( 17-11-24 09:00 )
- Bão Toraji vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8 - ( 12-11-24 02:00 )